Sân bay Libi: Chứng tích bi tráng giữa lòng hồ Kẻ Gỗ

Thứ hai - 27/07/2020 17:18
Chúng tôi trở về Kẻ Gỗ giữa mùa hè nắng lửa. Đã 45 năm trôi qua kể từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, nhưng câu chuyện bi tráng từng diễn ra tại lòng hồ Kẻ Gỗ trong cuộc chiến tranh chống Mỹ vẫn còn nguyên vẹn…
Mặt trận bi tráng giữa đại ngàn

Đầu thập niên 70, cuộc chiến tranh chống Mỹ mặc dù đã bước vào giai đoạn ác liệt nhất, song trước áp lực của người dân Mỹ, dấu hiệu về việc chính quyền Mỹ sẽ rút quân khỏi Việt Nam ngày càng thể hiện rõ. Các bên tham chiến đã bắt đầu ngồi vào bàn đàm phán cho dù trên chiến trường, súng vẫn nổ.

Trong thời gian từ đầu năm 1971 đến đầu năm 1973, quân đội Mỹ - Ngụy đã tiến hành chiến dịch “Lam Sơn 719” với mục tiêu đánh thẳng vào căn cứ hậu cần của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đặt tại thị trấn Sepon trên đất Lào, qua đó tạo ưu thế trên bàn đàm phán.

Để đối phó, phía miền Bắc đã liên tục chuyển quân, đạn dược, lương thực, thuốc men vào Nam. Và để phục vụ cho công việc này, một kế hoạch bí mật bao gồm xây dựng tuyến đường 21, 22 và sân bay dã chiến Libi tại khu vực lòng hồ Kẻ Gỗ ngày nay đã được tiến hành, trở thành một huyết mạch giao thông mới chi viện cho chiến trường miền Nam.

Đường 22 được mở nối ngã ba Thình Thình chạy qua khu vực hồ Kẻ Gỗ vào Kỳ Thượng, qua Kỳ Lạc (Kỳ Anh) đến Quảng Bình, là công trình đã ghi dấu những chiến công và sự hy sinh thầm lặng của các chiến sỹ, lực lượng thanh niên xung phong.

Trong khi đó, sân bay dã chiến Libi, được gọi tên theo tên của một khe nước trong khu vực này, có lẽ đã được chuẩn bị cho các kế hoạch quân sự quan trọng khác mà cho đến nay vẫn còn đang trong vòng bí mật. Để thực hiện các công trình này, hàng ngàn thanh niên xung phong đã được huy động.

Theo tư liệu chính thức, ngày 8/10/1972, tại Paris, phái đoàn Việt Nam đã đưa cho đoàn Mỹ bản dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam” và đề nghị thảo luận để đi đến ký kết. Lúc đầu, bản dự thảo được các bên nhất trí nhưng đến ngày 22/10/1972 phía Mỹ viện dẫn việc chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đòi sửa đổi bản dự thảo nên chưa đồng ý.

Đêm 18/12/1972, tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh ném bom hủy diệt Hà Nội và Hải Phòng bằng B52. Cuộc đụng đầu lịch sử trong 12 ngày đêm được ví là "Trận Điện Biên Phủ trên không" đã kết thúc bằng việc 38 pháo đài bay B52 và 43 máy bay chiến đấu khác của Mỹ bị bắn rơi ngay trên bầu trời Hà Nội.

Thất bại của Mỹ - ngụy trên chiến trường miền Nam cùng với thất bại của không quân chiến lược Mỹ trên bầu trời Hà Nội được cho là đã đẩy Mỹ vào thế phải nối lại đàm phán tại Paris.
 
20200727015
Lòng hồ Kẻ Gỗ từng hứng chịu mưa bom bão đạn trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ

Tuy nhiên, trong khi cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra ở Paris, thì trên chiến trường, các trận đánh lớn nhỏ vẫn liên tiếp diễn ra một cách ác liệt giữa quân đội hai bên, trong đó các hoạt động quân sự của phía miền Nam vẫn nhận được sự hậu thuẫn của không quân Mỹ.

Tuyến đường 22 vẫn là mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ và trong hồi ức của những người từng là thanh niên xung phong và bộ đội tại mặt trận này, có những trận đánh mà thương vong “dễ có đến cả trăm người, chưa kể có những đồng chí không còn tìm thấy xác".

Và thật không may, một thảm kịch chiến tranh đã xảy ra vào đêm ngày 7/1/1973, khi không quân Mỹ tiến hành một cuộc tập kích ác liệt vào sân bay dã chiến Libi. Sân bay Libi, vốn được thiết kế gồm 2 làn bay, chủ yếu phục vụ máy bay phản lực, chưa kịp xuất kích chuyến nào thì đã bị đánh phá tan tành bởi hàng trăm tấn bom đạn rải xuống khu vực này.

Cho đến nay, những tài liệu chính thức vẫn chưa được công bố, nhưng theo hồi ức của một số nhân chứng, thương vong của phía miền Bắc trong cuộc tập kích này là “rất lớn”.

Để chứng tích không đi vào quên lãng

“Trận Libi” rồi đây có thể sẽ được các bên giải mật để công chúng được biết đến một cách đầy đủ nhất về sự thảm khốc của chiến tranh. Hoặc có thể là không bao giờ. Nhưng những dấu tích của cuộc chiến thì vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay: cả bằng khảo sát thực địa và quan sát qua không ảnh, có thể nhìn thấy hàng trăm hố bom lớn nhỏ trong khu vực này. Thậm chí, qua không ảnh còn có thể nhìn thấy dấu vết của đường băng cũ.
 
20200727016
Dấu tích đường băng cũ với chi chít hố bom xung quanh nhìn từ vệ tinh

Điều đau đớn cho những người còn sống không chỉ là sự bi thảm của chiến tranh mà là cả chuyện chưa làm được trong thời bình. Cuộc tập kích của không quân Mỹ có lẽ là một trong những cuộc tập kích cuối cùng trên đất Việt Nam, bởi vì chỉ hai mươi ngày sau, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết và từ thời điểm đó, “chiến trường” thực sự chỉ còn diễn ra trên đất miền Nam.

Tuy nhiên, khi toàn bộ nguồn lực của quốc gia đang dồn cho chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam, một mặt trận tan tành như sân bay Libi, lại nằm giữa chốn rừng sâu núi thẳm, tạm thời không được để ý đến, cũng là điều dễ hiểu.

Hòa bình, khi cả nước đang đầy thương tích, với mong muốn xây dựng công trình hồ Kẻ Gỗ nhanh nhất có thể để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, Nhà nước đã quyết định triển khai công trình này vào năm 1976, để rồi ba năm sau hoàn thành và bắt đầu tích nước.

Và cũng từ đây, chiến trường ác liệt năm xưa, cùng rất nhiều hài cốt bộ đội và thanh niên xung phong, đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng hồ. Vai trò lịch sử của hồ Kẻ Gỗ đối với nền nông nghiệp nói riêng, nền kinh tế Hà Tĩnh nói chung trong hơn 4 thập kỷ qua thì không cần bàn cãi, nhưng việc chưa làm tròn nghĩa vụ với các anh hùng liệt sỹ đã mãi mãi trở thành một “dấu lặng” trong lòng những người ở lại.
 
20200727017
Một mảnh bom còn sót lại tại trận địa năm xưa

Thậm chí, theo người dân địa phương, năm 2005, sau khi có người đánh cá trong lòng hồ phát hiện ra những ngôi mộ hiện lên khi nước rút, xã đã bắt đầu cho cất bốc, di dời số mộ này ra khỏi lòng hồ. Đến nay, xã Cẩm Mỹ và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cẩm Xuyên đã di dời được hàng chục hài cốt về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ Cẩm Xuyên, nhưng có thể vẫn còn rất nhiều hài cốt mãi mãi nằm lại trong dòng nước.

Không chỉ vậy, sau khi hồ tích nước và vận hành, khu vực mặt trận năm xưa càng trở nên cách trở với thế giới bên ngoài, chỉ có thể tiếp cận bằng thuyền. Ông Lê Việt Hùng, Trạm trưởng trạm số 1, là trạm thuộc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ được đặt trong lòng hồ, khá gần với khu vực sân bay, kể rằng trước đây, ban đêm “vẫn thường nghe tiếng hát, tiếng nói cười vọng ra từ rừng núi”. Cán bộ của ban hay người dân trong vùng có công việc vào khu vực sân bay nếu có lời ăn tiếng nói hay hành vi bất kính đều bị “quở” nên ai nấy đều rất thành kính khi đến khu vực này.

Năm 2012, trong một lần tham quan hồ Kẻ Gỗ, một đoàn cán bộ của Sở GTVT TP.HCM đã cùng nhau quyên góp được một khoản tiền nhỏ. Họ giao lại hết cho Ban quản lý khu bảo tồn Kẻ Gỗ với mong muốn lập một điểm thờ cúng các anh hùng liệt sỹ ngay chính tại mặt trận năm xưa. Ông Nguyễn Chí Công, hiện là Phó trưởng ban quản lý, cho biết sau khi tiếp nhận khoản tiền này, Ban đã tổ chức xây dựng nên ngôi miếu nhỏ hiện tại. Năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký quyết định công nhận ngôi miếu này là di tích cấp tỉnh.
 
20200727018
Ngôi miếu nhỏ khiêm nhường giữa đại ngàn

Miếu xây rồi, có người đặt vấn đề, xây miếu rồi nhưng thờ ai, thờ thế nào phải cần được làm rõ để mọi người đến viếng hiểu được câu chuyện. Được thôi thúc bởi ý kiến này, gần mười năm qua, ông Nguyễn Chí Công đã lặng lẽ kiếm tìm và kết nối, gặp gỡ nhiều nhân chứng để tạm thời có được danh sách 28 thanh niên xung phong và 32 liệt sỹ đã hy sinh tại mặt trận này, trong đó toàn bộ các liệt sỹ đã hy sinh đúng vào trận tập kích ngày 7/1/1973. Nhưng, đó tạm thời mới chỉ là danh sách những người có tuổi có tên…
 
20200727019
Ông Nguyễn Chí Công bên danh sách anh hùng liệt sỹ mà ông đã dày công tìm kiếm, lập hồ sơ

Những năm gần đây, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đã và đang nỗ lực để không chỉ vận hành hồ chứa nước một cách hiệu quả nhất mà còn tái tạo, phục hồi những cánh rừng xung quanh lòng hồ, để lấy lại sự đa dạng về hệ động thực vật nói chung. Gần đây, cũng bắt đầu xuất hiện những kế hoạch đầu tư để biến khu vực này thành một địa chỉ du lịch cũng như phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
 
20200727020
Một đoàn khách đến viếng miếu thờ liệt sỹ nhân dịp 27/7 năm nay

Ông Nguyễn Viết Ninh, Trưởng ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ thừa nhận, phần lớn những ai đến với khu vực sân bay đều cảm nhận được sự linh thiêng riêng có ở nơi này. Ông Ninh cho biết, kể từ thời điểm xây xong ngôi miếu nhỏ và tổ chức được việc hương khói thường xuyên, các công việc chung của Ban cũng như của người dân trong vùng đều thuận lợi hơn, như được sự chở che vô hình từ thế giới tâm linh. Mong muốn của Ban quản lý là có thể một ngày nào đó, có điều kiện xây sửa lại miếu thờ để việc tri ân các anh hùng liệt sỹ được đầy đủ, trang nghiêm hơn nữa, xứng đáng với tầm vóc lịch sử cũng như tính chất bi tráng của trận địa đặc biệt này.

Máu xương không bao giờ là để so sánh, cũng như tri ân không bao giờ là đủ. Nhưng, khi chứng kiến những hoạt động tri ân đã và đang được tiến hành một cách khá quy mô và giàu ý nghĩa trên khắp dải đất Việt Nam, thực tình cũng có chút chạnh lòng khi tìm về Kẻ Gỗ. Nhưng chúng tôi vẫn đang hy vọng, với thành ý của các cán bộ và nhân viên của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, sớm muộn rồi sẽ có những người cùng chung tâm nguyện tìm về để chứng tích này không bao giờ đi vào quên lãng.
ANH MINH
Theo nhadautu.vn

Link gốc: https://nhadautu.vn/san-bay-libi-chung-tich-bi-trang-giua-long-ho-ke-go-d40465.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây