Rét đậm, rét hại, sạt lở gây nhiều thiệt hại

Thứ năm - 17/12/2020 19:16
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hôm nay (18-12), do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa nhỏ rải rác; các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to.
B202020121803
Người dân xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ (Hà Giang) chăm sóc gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại.


Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời tiếp tục rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất 10 đến 130C, vùng núi 7 đến 100C, vùng núi cao có nơi dưới 50C và có thể xảy ra băng giá. Ở vịnh Bắc Bộ, gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh; vùng biển ngoài khơi Trung Bộ, vùng biển phía bắc của khu vực giữa Biển Ðông và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7; sóng biển cao từ 2 đến 4 m. Khu vực Bắc Biển Ðông gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 9; sóng biển cao từ 3 đến 5 m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

★ Theo Ðài Khí tượng - Thủy văn Lào Cai, ngày 17-12, nhiệt độ tại Sa Pa (Lào Cai) giảm xuống 4,40C. Số bệnh nhi và người già nhập viện tăng 20%. Ngành chức năng đã khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho người và cây trồng, vật nuôi.

★ Ðài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Yên Bái cho biết, hôm nay (18-12), tỉnh Yên Bái chịu tác động của không khí lạnh tăng cường nên có mưa nhỏ vài nơi; trời rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất từ 9 đến 110C. Ðợt rét này kéo dài khoảng năm đến sáu ngày với nhiệt độ thấp nhất từ 7 đến 90C.

★ Ðài Khí tượng - Thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ nhận định, trong sáu tháng đầu năm 2021, có khả năng xảy ra khoảng 15 đến 18 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường ảnh hưởng đến khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó, số đợt rét đậm, rét hại từ hai ngày trở lên khoảng bốn đến sáu đợt. Tại Hà Nội có khả năng xuất hiện một đến hai đợt rét đậm, rét hại kéo dài hơn năm ngày. Rét đậm, rét hại được nhận định sẽ xảy ra chủ yếu trong tháng 1 và tháng 2-2021. Ðây cũng là thời điểm Hà Nội và các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ tập trung lấy nước, gieo cấy vụ xuân.

★ Nhằm bảo vệ an toàn cho 56.200 con trâu, bò, ngành chăn nuôi tỉnh Thái Bình đã yêu cầu các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò để báo cáo cơ quan chức năng.

★ Ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị các địa phương có phương án ứng phó rét đậm, rét hại; hướng dẫn bà con che chắn, dự trữ thức ăn; không để người dân chăn thả gia súc khi nhiệt độ thấp...

★ Sáng 17-12, sóng mạnh đã làm tuyến kè biển đoạn qua thôn Hải Bắc, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) bị sạt lở với chiều rộng 13 m, dài 24 m. Các lực lượng chức năng cùng người dân đang nỗ lực gia cố đoạn kè bị sạt lở.

★ Ðêm 16 đến sáng 17-12, triều cường dâng cao kết hợp với sóng lớn đã làm sập ba nhà và làm ảnh hưởng đến 40 hộ dân sống dọc bờ biển của thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Các lực lượng chức năng đang khẩn trương gia cố khẩn cấp bờ biển...

★ Từ đầu tháng 12 đến nay, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, vùng biển Quảng Trị liên tục có gió mạnh cấp 5, giật cấp 7, sóng biển cao từ 2 đến 3,5 m, làm cho xâm thực biển thêm trầm trọng. Tại xã Gio Hải, huyện Gio Linh, xâm thực biển sâu vào đất liền có chỗ đến 20 m, 6 km đê kè bảo vệ bờ biển trên địa bàn xã Gio Hải cũng bị sạt lở, hư hỏng nặng.

★ Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai đối với người dân khu vực miền trung, Chính phủ Việt Nam và Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã có nhiều hoạt động vận động, kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Theo đó, đã có 32 tổ chức cùng chung tay cứu trợ với tổng số tiền khoảng 25 triệu USD (tương đương hơn 600 tỷ đồng), thông qua ba nguồn là Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT; các tổ chức tự thực hiện; Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để hỗ trợ đồng bào miền trung bị thiệt hại do thiên tai…

★ Ngày 17-12, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức họp các đơn vị liên quan để bàn kế hoạch tổ chức tìm kiếm giai đoạn 4 các nạn nhân (11 người) mất tích tại công trường Thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Ðiền. Giai đoạn 4 sẽ có hai nhiệm vụ gồm: Hoàn thành xây dựng đập ngăn Thủy điện Rào Trăng 3 và tổ chức lực lượng tìm kiếm nạn nhân mất tích tại khu vực lòng sông Rào Trăng từ đoạn tiếp giáp giai đoạn 3 về hạ lưu sông khu vực ngã ba Tam Dần, với chiều dài khoảng 2,5 km. Theo đó, thời gian khảo sát, đánh giá việc xây dựng đập Thủy điện Rào Trăng 3 từ nay đến tháng 1-2021; thời gian hoàn thành xây đập phục vụ công tác tìm kiếm từ tháng 2 đến 4-2021; thời gian tổ chức tìm kiếm nạn nhân dự kiến từ tháng 4 đến 6-2021…

★ Ngày 17-12, Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Lạng Sơn cho biết: Do ảnh hưởng của không khí lạnh, tại TP Lạng Sơn và một số huyện, nhiệt độ giảm sâu, ở mức 5 đến 70C. Ðể bảo đảm sức khỏe cho học sinh, 53 trường học ở các huyện miền núi, vùng cao biên giới đã cho học sinh nghỉ học, chủ yếu là trường mầm non và tiểu học. Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Hướng dẫn số 3406/SGDÐT/VP về việc phòng, tránh rét cho học sinh. Theo đó, các trường dựa trên tình hình cụ thể, từng cấp học để cho học sinh nghỉ học cũng như triển khai các biện pháp bảo đảm sức khỏe, điều kiện sinh hoạt, học tập cho các em...

★ Khoảng 16 giờ 30 phút ngày 17-12, tàu hàng XIN HONG, quốc tịch Panama, số IMO: 9205524, có 15 thuyền viên (11 người Trung Quốc, 4 người Việt Nam), chở 7.800 tấn đất sét, hành trình từ Ma-lai-xi-a đi Hồng Công (Trung Quốc). Khi đi ngang qua vùng biển Phú Quý (Bình Thuận), do thời tiết xấu, hàng hóa trên tàu bị xê dịch làm cho tàu nghiêng, thuyền trưởng xin phép cho tàu vào phao số 0 cảng Phú Quý để tránh trú. Khi cách đảo Phú Quý khoảng 1,5 hải lý, tàu bị nghiêng, có nguy cơ bị chìm rất cao, thuyền trưởng tàu yêu cầu cứu nạn. Nhận được thông tin, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Bình Thuận điều động tàu cứu nạn CN/09: BP.11.19.01 ra cứu nạn 15 thuyền viên; chỉ đạo Ðồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Phú Quý báo cáo UBND huyện Phú Quý chuẩn bị sẵn địa điểm và các yêu cầu cần thiết để khai báo y tế, cách ly phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

PV và CTV
 

   
 
    Xây dựng hơn 3.500 căn nhà an toàn chống chịu bão, lụt
 
    Sáng 17-12, tại Hà Nội, Ban Quản lý dự án "Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam" (Dự án GCF) cùng 7 tỉnh ven biển (Thanh Hóa, Nam Ðịnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cà Mau) đã tổ chức Hội nghị tổng kết dự án năm 2020 và dự thảo Kế hoạch thực hiện năm 2021. Dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện. Ðến cuối năm 2020, đã có hơn 3.500 căn nhà an toàn chống chịu bão, lụt (CCBL) được xây dựng, hơn 3.300 ha rừng ngập mặn được trồng mới và phục hồi. Dự án đặt mục tiêu đến năm 2021 sẽ xây dựng 4.000 ngôi nhà an toàn CCBL, trồng và phục hồi 4.000 ha rừng ngập mặn, từ đó giảm 1,9 triệu tấn CO2 và giúp 20 nghìn người tiếp cận thông tin về biến đổi khí hậu, thiên tai.
 
Theo Nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây