Nằm cách trung tâm huyện Quế Sơn (Quảng Nam) chỉ vài km nhưng Quế Minh là một xã nghèo. Nhiều người ví von nơi đây “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Hai loại cây chủ lực của xã là sắn và mía, nhưng mía thì trồng cả năm mà tong teo như bụi sả, còn cây sắn thì chỉ bằng ngón tay…
Tháng 1/1994, Tổng Bí thư Đỗ Mười về thăm huyện Quế Sơn, Quảng Nam. Sau khi làm việc với lãnh đạo huyện Quế Sơn, Tổng Bí thư xuống thăm người dân xã Quế Minh, là một trong những xã được cho là nghèo nhất nước nhất lúc bấy giờ.
Nhớ lại lúc Tổng Bí thư Đỗ Mười đến nhà thăm, bà Trần Thị Tuấn (năm nay đã 75 tuổi, thôn 3, xã Quế Minh) xúc động: “Lúc đó khoảng 2h chiều. Lúc đó đông lắm, bác hỏi người dân ở đây làm được bao nhiêu một ngày, bọn tui cũng nói hết cho bác nghe. Sau này bác về rồi cho kênh thủy lợi, cho điện người dân thắp sáng…”.
“Nhờ có bác, người dân ở đây mới có cơm ăn áo mặc, mới có được cuộc sống như ngày hôm nay. Nếu mà bác không về đây, chắc có lẽ người dân ở đây còn khổ lắm, không có điện, không có nước, không có cơm ăn…”, bà Tuấn xúc động nói về Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Hàng xóm của bà Tuấn là ông Trần Quang Lâm (60 tuổi), là một trong 7 người trong thôn được chụp chung tấm hình với Tổng Bí thư Đỗ Mười lúc đó, nhớ lại: “Trước đây, cuộc sống của người dân ở đây khó khăn, đói nghèo. Lúc đó bác về cho điện, nước nên cuộc sống nhân dân vươn lên, xóa đói giảm nghèo. Cũng nhờ ơn bác, không biết lấy gì để cảm ơn tấm lòng của bác đối với người dân chúng tôi ở đây”.
Ông Nguyễn Phước Phẩm – nguyên Phó Chủ tịch xã Quế Minh – lúc đó tháp tùng Tổng Bí thư Đỗ Mười xuống thăm người dân. Ông chia sẻ, khi đó Đảng bộ và người dân xã Quế Minh không tưởng tượng được nước tưới làm gì về được đến xã Quế Minh. Sau khi Tổng Bí thư Đỗ Mười về làm việc với xã thì vài năm sau, những cánh đồng cạn khô của xã đã có nước.
Nước và điện là hai điều kiện cơ bản để người dân thoát nghèo. Sau khi có nước tưới, vài năm sau điện cũng đã được kéo về cho người dân Quế Minh, cuộc sống thay đổi, Quế Minh không còn được coi là xã nghèo nhất nước nữa. Người dân cho rằng, đó là nhờ công ơn của bác Đỗ Mười.
Trong cuốn sách lịch sử Đảng bộ huyện Quế Sơn có nêu rõ: “Thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Trung ương đối với huyện Quế Sơn, từ tháng 1 đến tháng 9 năm 1993, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Chính phủ như Trần Đức Lương, Nguyễn Công Tạn và Tổng Bí thư Đỗ Mười đã lần lượt về thăm huyện và xã Quế Minh để kiểm tra tình hình đói nghèo, từ đó có những chỉ đạo sâu sát, thực tế, giúp địa phương tìm cách khắc phục khó khăn, đưa nhân dân từng bước thoát nghèo. Đây có thể được xem như là một cột mốc lịch sử quan trọng đối với Đảng bộ và nhân dân huyện nhà trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội”.
Trao đổi với PV Dân trí, Chủ tịch xã Quế Minh - Nguyễn Phước Tâm – chia sẻ, hiện Quế Minh không còn được gọi với cái tên “xã nghèo nhất nước” nữa mà cuộc sống của người dân đã ổn định, ai cũng có cơm ăn áo mặc và từng bước làm giàu, không còn hộ nghèo đói như trước đây.
Sau khi hay tin bác Đỗ Mười qua đời, người dân xã Quế Minh rất thương tiếc. Bà Trần Thị Tuấn cho hay, người dân ở đây muốn gửi nén hương viếng bác Mười mới thỏa lòng, nhưng quá xa. Toàn dân ai cũng thương tiếc bác.
Ông Nguyễn Phước Phẩm cũng chia sẻ, ông cũng đã nói với huyện, tỉnh bằng cách nào đó để người dân Quế Minh viếng hương, chia buồn với gia đình bác Mười.
Tác giả bài viết: Công Bính
Nguồn tin: Dân trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn