Trước đó, nữ bệnh nhân P.T.M.T. (16 tuổi, trú huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) nhập viện vì đau đầu, nôn, huyết áp cao.
Theo người nhà bệnh nhân, cách nhập viện 1 ngày, em T. có biểu hiện đau đầu nhiều kèm nôn, nhìn mờ, không có co giật.
Bệnh nhân được đưa vào Khoa Cấp cứu trong tình trạng tỉnh, kích thích, đau đầu nhiều, huyết áp cao. Tại đây, các bác sĩ cho bệnh nhân dùng thuốc hạ áp đường tĩnh mạch, kháng sinh, tiến hành lấy máu xét nghiệm, siêu âm, chụp cắt lớp sọ não, ổ bụng và được hội chẩn các chuyên khoa.
Sau khi hội chẩn các chuyên khoa Cấp cứu, Hồi sức – chống độc, Đột quỵ, Tim mạch, Bệnh nhiệt đới, Cơ xương khớp, Chẩn đoán hình ảnh, bệnh viện thống nhất chẩn đoán nữ bệnh nhân 16 tuổi bị cơn tăng huyết áp cấp cứu - hẹp khít động mạch thận phải - hẹp 50% động mạch thận trái do loạn sản xơ cơ - nhiễm khuẩn huyết E.Coli - Viêm khớp phản ứng.
Ê kíp can thiệp mạch của Trung tâm tim mạch đã tiến hành nong và đặt stent động mạch thận cho bệnh nhân T. Sau can thiệp, bệnh nhân cải thiện huyết áp, không đau đầu, lâm sàng ổn định, ra viện uống thuốc theo đơn.
Các bác sĩ tiến hành nong và đặt stent động mạch thận cho bệnh nhân T.
Theo Bệnh viện HNĐK Nghệ An, hẹp động mạch thận là một bệnh lý hiếm gặp ở trẻ em nhưng lại đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát ở trẻ em, chiếm tỷ lệ 5-10%.
Hai nguyên nhân chính gây hẹp động mạch thận ở trẻ em là bệnh loạn sản xơ cơ và bệnh viêm mạch Takayasu. Theo khuyến cáo của hội tim mạch châu Âu, bệnh nhân có tăng huyết áp và/hoặc có dấu hiệu tổn thương thận liên quan tới hẹp động mạch thận do loạn sản xơ cơ; can thiệp nong bóng kết hợp đặt stent động mạch thận nên được cân nhắc điều trị.
Nhiều tài liệu nghiên cứu đánh giá hiệu quả tái thông động mạch thận đã được công bố từ năm 1990 đến nay với tỷ lệ cải thiện tình trạng tăng huyết áp 70-80%. Can thiệp qua da nong đặt stent mạch thận có tỷ lệ biến chứng thấp hơn so với phẫu thuật.
Theo bác sĩ Phạm Hồng Phương, Giám đốc Trung tâm tim mạch Bệnh viện HNĐK Nghệ An, trường hợp nữ bệnh nhân 16 tuổi hẹp động mạch thận được can thiệp đặt stent động mạch thận là một ca bệnh hiếm gặp trên lâm sàng.
Việc áp dụng thành công kỹ thuật can thiệp động mạch thận cùng với sự phối hợp đa chuyên khoa đã mang lại nhiều cơ hội sống và giúp điều trị nhiều bệnh nhân có hẹp động mạch thận trong và ngoài tỉnh.
Một số triệu chứng lâm sàng gợi ý hẹp động mạch thận bao gồm: huyết áp tăng cao, các biến chứng của cơn tăng huyết áp cấp cứu như dấu hiệu tổn thương não (đau đầu, nhìn mờ, liệt mặt), dấu hiệu suy tim (khó thở, đau ngực), huyết áp cao, nghe thấy tiếng thổi bất thường ở bụng.
Nếu có những dấu hiệu bất thường trên, trẻ cần được đưa đến các cơ sở y tế để chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Theo 1thegioi.vn
Link gốc: https://1thegioi.vn/nu-benh-nhan-16-tuoi-bi-hep-dong-mach-than-hiem-gap-195541.html