25 năm nhận giấy báo tử
Được sum họp bên gia đình, người thân sau hơn 39 năm lưu lạc xứ người, cựu binh Phạm Văn Bình thấy cuộc đời mình thật may mắn.
Từ ngày ông Bình trở về, căn nhà nhỏ luôn chật kín người đến thăm hỏi, chia vui cùng gia đình.
Ông Bình nhớ lại, năm 1977, khi vừa tròn 17 tuổi, ông nhập ngũ tại chiến trường Campuchia. Trong một lần đi lấy thông tin liên lạc cho đơn vị, ông bị địch bắn trọng thương. Người dân Campuchia đi đánh cá thấy ông nằm bất động dưới ruộng nên đưa về cứu chữa. Khi tỉnh dậy, ông chỉ biết mình đang ở một bản nhỏ ở huyện Bray, thuộc tỉnh Kampong Thom (Campuchia).
Từ khi được người dân cứu, do bị chấn thương nặng nên một phần trí nhớ của ông bị mất. Không có giấy tờ tùy thân, cũng không thể tìm về đơn vị, kể từ đó, ông bắt đầu cuộc sống lưu lạc nơi xứ người.
"Sống ở Campuchia không nghề nghiệp nên rất khó khăn. Trong một lần đi làm phụ hồ, tôi tình cờ gặp vợ là Phiêng - Ất. Gia đình cô ấy cũng rất khó khăn nên không làm đám cưới chỉ làm một mâm cơm cúng báo cáo với ông bà tổ tiên, sau đó tôi và vợ về ở với nhau", ông Bình nói.
Trong thời gian lưu lạc xứ người, ông Bình đã có vợ và một cô con gái 10 tuổi.
Nói về hành trình trở về quê của liệt sĩ Phạm Văn Bình, ông Phạm Trung Hiếu (54 tuổi, cháu ông Bình) cho biết: "Ngày 10.10, đứa con tôi ở TP.HCM gọi điện về nói rằng có thông tin trên Facebook về ông Bình đang sinh sống ở Campuchia, tìm cách liên hệ với người thân ở Việt Nam để tìm về quê".
Theo ông Hiếu, người đăng thông tin trên Facebook là ông Nhật Dũng, người quê cùng huyện này nhưng sinh sống ở Campuchia. Ông Dũng có một công ty cao su ở bên đó, ông Bình vô tình xin vào làm thuê cho công ty này. Một lần vô tình thấy ông Bình nói tiếng Việt, ông Dũng hỏi chuyện và biết được nguồn gốc. Sau đó, ông Dũng đăng thông tin lên Facebook để tìm người thân vì ông Bình không còn nhớ chính xác địa chỉ quê nhà.
Giấy báo tử của cựu chiến binh Phạm Văn Bình.
Gia đình ông Hiếu liên lạc được với ông Bình qua sự kết nối của ông Dũng. Xác nhận ông Bình đúng là người chú đã được báo tử từ năm 1979, ông Hiếu đã báo cáo lên chính quyền xã và huyện.
Mong muốn đưa vợ và con về quê sinh sống
Từ lúc ông Bình về nhà, tất cả người thân đều có cảm xúc lẫn lộn, đặc biệt là người cháu của ông, chị Phạm Thị Lợi đã không kìm nổi nước mắt.
Chị Lợi chia sẻ: “Suốt hơn 39 năm qua, chúng tôi tưởng chú Bình đã hy sinh. Bố mẹ chú Bình mất từ khi chú còn nhỏ, chú sống với bố mẹ tôi đến khi chú đi bộ đội. Mẹ tôi kể, ngày chú đi bộ đội còn mượn tiền mẹ mua một đôi dép. Chú hứa sau này hòa bình lặp lại sẽ về trả lại cho mẹ. Thế mà, mẹ tôi lại đi trước ngày chú về”.
Sau gần nửa đời người lưu lạc, liệt sĩ Bình trở về quê hương, đoàn tụ với người thân tại quê nhà.
Nhìn thấy đồng đội trở về bằng da bằng thịt sau 39 năm, ông Phạm Thanh Mai ở xã Kỳ Sơn (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chia sẻ: “Vui lắm, lớn lên cùng nhau, nhập ngũ cùng một ngày và cùng một chiến trường, cả chục năm nay, ai cũng tưởng Bình đã hy sinh. Ai ngờ Bình lại trở về như này, tôi vui không nói thành lời”.
Nhìn thấy đồng đội trở về bằng da bằng thịt sau 39 năm, ông Phạm Thanh Mai (mặc áo trắng) vui mừng khôn xiết.
Nói về nguyện vọng của mình, ông Bình cho biết: “Tôi rất vui khi sau bao năm lưu lạc, nay tôi đã được trở về quê hương. Sau khi ổn định cuộc sống ở đây, tôi hy vọng sẽ đón được vợ và con về quê sinh sống”.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Anh Ngọc - Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn cho biết: "Ông Phạm Văn Bình (SN 1954) được công nhận liệt sĩ 25 năm trước đã trở về quê nhà trong niềm vui hạnh phúc của người thân vào hôm 7.11.2018".
Ông Ngọc cho biết thêm, giấy báo tử ghi rõ, ông Phạm Văn Bình (SN 1954) cấp bậc hạ sĩ, chức vụ chiến sĩ. Tháng 9.1977, ông Bình nhập ngũ công tác tại đơn vị đoàn 8, chiến trường Campuchia. Ngày 21.2.1979, ông Bình đã hy sinh trong trường hợp chiến đấu mất tích. Đến ngày 9.3.1993, ông Bình được công nhận liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Campuchia.
“Đây là trường hợp đầu tiên tại địa bàn sau khi được công nhận liệt sĩ bỗng nhiên trở về. Ông Bình được công nhận liệt sĩ cách đây 25 năm, vì vậy trước đó, bố mẹ ông Bình còn sống được nhận trợ cấp. Tuy nhiên, hiện bố mẹ ông Bình đã mất nên chỉ nhận được chế độ hương khói và quà các ngày lễ tết của Nhà nước”, ông Ngọc cho biết thêm.
Nguồn tin: Dân Việt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn