Người dân bức xúc chỉ những gốc thông nhuốm nhựa đỏ. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)
Người dân xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, đang bất bình với việc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh tiến hành tỉa thưa rừng thông ở khu vực chùa Chân Tiên, di tích lịch sử quốc gia.
Chính quyền huyện Lộc Hà đã làm việc với đơn vị liên quan và Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh và yêu cầu tạm dừng tỉa thưa rừng thông; tuyên truyền để người dân hiểu, tránh làm mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Ngày 3/1 - đúng ngày đầu tháng âm lịch, rất đông người dân xã Thịnh Lộc và các tăng ni, phật tử lên dâng hương tại chùa Chân Tiên. Tiếng tụng kinh niệm phật và tiếng chuông chùa tĩnh lặng bị phá vỡ bởi sự ồn ào của máy cưa, máy xẻ do một nhóm người của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh tiến hành đốn hạ những cây thông hàng chục năm tuổi phía dưới chân núi.
Chứng kiến cảnh này, người dân đã bao vây và buộc những người này dừng lại việc chặt thông vì không biết lý do. Người dân đã phản ánh với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và đăng tải cả lên mạng xã hội, gây ảnh hưởng an ninh trật tự địa phương.
Hàng khối gỗ thông đã đón hạ chất đống bên đường lên chùa Chân Tiên. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)
Tại chùa Chân Tiên, hiện nhiều khối gỗ thông đã đốn hạ đang chất đống bên đường lên chùa. Nhiều cây thông tươi, khô chất đống. Tại các gốc thông đã đốn hạ dòng nhựa đỏ, chảy nhuốm cả gốc cây.
Anh Trần Quốc Hoàng, thôn Yên Điềm xã Thịnh Lộc bức xúc chia sẻ, rừng thông ở đây có từ lâu, bao quanh ngôi chùa cổ kính. Nhiều cây thông gốc to đường kính từ 12-25cm bị đốn hạ ngổn ngang.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh lý giải là họ chỉ "tỉa thưa" nhưng không đúng với quyết định “Phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán tỉa thưa rừng trồng thông nhựa trên lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh” - anh Hoàng phản ánh.
Ông Hoàng Công Bảng, thôn Hồng Phong xã Thịnh Lộc cho rằng việc tỉa thưa rừng thông cần phải có ý kiến của các lão thành và nhân dân để sự giám sát chặt chẽ; đảm bảo rừng phát triển và cảnh quan khu vực này.
Người dân bức xúc vì 98 gốc cây thông đã đốn hạ, đường kính trung bình 18,04cm. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)
Trước đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh có Quyết định số 67/QĐ-PHHL ngày 28/12/2021 về việc “Phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán tỉa thưa rừng trồng thông nhựa trên lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh.” Diện tích tỉa thưa là 6,4ha, gồm 4 lô thuộc khoảnh 1A, tiểu khu 127B nơi có chùa Chân Tiên nằm trên địa bàn xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà do Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh quản lý.
Loài cây, đối tượng tỉa thưa là cây thông nhựa rừng phòng hộ, đường kính là 12,6cm và chiều cao của cây là 7,5m, tổng 1.011 cây tỉa thưa, thương phẩm gỗ, củi tỉa thưa 33,6m3.
Trước vấn đề bức xúc của người dân, ngày 5/1, Công an tỉnh Hà Tĩnh, huyện Lộc Hà và các đơn vị liên quan đã đến kiểm tra thực địa hiện trường và có buổi làm việc với Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cùng người dân xã Thịnh Lộc.
Qua kiểm tra thực địa cho thấy diện tích rừng thông đã được tỉa thưa 2,4ha, tổng số gốc cây tỉa thưa đoàn kiểm tra phát hiện là 98 gốc cây; trong đó có 14 gốc cây đã khô, chết và 4 gốc cây không có đánh dấu, đường kính trung bình đo tại gốc cây là 18,04cm, tổng khối lượng gỗ, củi đã tỉa thưa là 0,4 m3.
Ông Nguyễn Phi Quỳnh - Trưởng ban Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cho biết quá trình tỉa thưa rừng thông ở địa bàn xã Thịnh Lộc đã có kế hoạch, phương án cụ thể, xin ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm Lâm và có công văn gửi cho xã Thịnh Lộc cùng các cơ quan của huyện Lộc Hà rồi mới thực hiện.
Việc tỉa thưa với mục đích điều tiết mật độ, loại bỏ những cây cong queo, sâu bệnh, cây bị chèn ép mạnh, cây thái hóa, còi cọc sinh trưởng chậm; điều tiết mật độ tạo không gian dinh dưỡng và ánh sáng cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Quá trình tỉa thưa rừng thông nhằm tu sửa những tuyến đường tuần tra bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng và phòng trừ sâu bệnh là biện pháp lâm sinh.
Theo ông Quỳnh, trước phản ứng của người dân, hoạt động này đã tạm dừng việc tỉa thưa tại khoảng 1A tiểu khu 127B trên địa bàn xã Thịnh; đồng thời sẽ tuyên truyền để người dân hiểu việc cần thiết tỉa thưa nhằm đảm bảo cho rừng thông sinh trưởng phát triển.
Ông Trần Văn Quý, Phó Chủ tịch xã Thịnh Lộc cho biết quá trình tỉa thưa rừng thông của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh mặc dù đã có những hồ sơ thủ tục pháp lý nhưng khi triển khai thì chưa lấy ý kiến của người dân. Thời gian tới, chính quyền địa phương cùng cơ quan chức năng sẽ tuyên truyền để người dân biết và giám sát việc thực hiện; đặc biệt, tạo tiếng nói đồng thuận với người dân tránh gây mất trật tự an ninh trên địa bàn.
Phóng viên TTXVN tác nghiệp tại hiện trường khai thác rừng Thông chùa Chân Tiên. (Nguồn: Vietnam+)
Khu vực rừng thông tỉa thưa bao quanh chùa Chân Tiên là địa chỉ tâm linh, di tích lịch sử cấp quốc gia; quần thể danh lam thắng cảnh ở chùa Chân Tiên có dấu chân tiên, giếng tiên, Bàu tiên và hòn đá ông, đá bà.
Nơi đây gắn liền với sự ra đời của Đảng bộ xã Thịnh Lộc. Hàng ngày nhiều du khách, tăng ni, phật tử và người dân đến đây dâng hương, thưởng ngoạn danh thắng cũng như tìm đến sự bình yên, an lành.
Do đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cần có phương án và cân nhắc khi triển khai phương án tỉa thưa thông, đặc biệt là tạo sự đồng thuận của nhân dân./.
Link gốc: https://www.vietnamplus.vn/nguoi-dan-buc-xuc-truoc-viec-chat-ha-go-thong-tai-chua-chan-tien/766960.vnp