Tối 1-8, trên địa bàn thị xã Cửa Lò, TP Vinh (Nghệ An) và các huyện ven biển tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã có mưa giông, gió nhẹ. Một số nơi sau nhiều ngày nắng nóng đại hạn, hiện đang mưa to và rất to, bắt đầu nước gây ngập đường.
Các con tàu, sà lan, đã ngược Cửa Hội vào sông Lam trú ẩn. Ảnh: ĐẮC LAM
Các ngư dân ven biển đã và đang neo, giằng tàu, thuyền tránh bão số 2 (tên quốc tế là Sinlaku). Người dân ở vùng xung yếu đang tất bật chèo, chống, giằng nhà cửa, ki ốt...
Sau khi áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành cơn bão số 2, đoàn công tác của UBND tỉnh Nghệ An do ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An dẫn đầu đã đi kiểm tra các công trình trọng yếu và công tác phòng chống bão số 2.
Đoàn công tác đã kiểm tra công trình xây dựng đập Bara Đô Lương (trên sông La, huyện Đô Lương, Nghệ An) thuộc dự án nâng cấp sửa chữa thủy lợi Bắc Nghệ An và kiểm tra công tác vận hành tiêu úng của Bara Nghi Quang - đầu mối tiêu thoát nước cho toàn huyện Nghi Lộc (Nghệ An).
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho biết, chiều 1-8, đã thành lập hai đoàn công tác trực tiếp xuống các địa bàn tuyến biển để kiểm tra công tác, triển khai ứng phó với bão số 2. Sáng cùng ngày, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An đã thành lập hai đoàn công tác đi kiểm tra các huyện, thị xã ven biển và kiểm tra các kho, trạm, các xưởng của đơn vị.
Tính đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã kêu gọi, hướng dẫn hơn 3.400 phương tiện tàu, thuyền với hơn 16.800 lao động (trên tổng số 3.488 lao động/17.440 lao động của tỉnh Nghệ An) vào bờ trú ẩn an toàn.
Tàu ở Hải Phòng vào neu đậu trong sông Lam gần cầu Bến Thủy 1 giáp ranh Nghệ An, Hà Tĩnh. Ảnh: ĐẮC LAM.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đang tiếp tục kêu gọi số tàu thuyền và lao động đang hoạt động trên biển nhanh chóng vào bờ tránh trú bão.
Theo ông Phạm Hồng Thương, Phó Chánh Văn phòng thường trực, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An: Hiện có khoảng 700 khách du lịch đang lưu trú tại thị xã biển Cửa Lò. Tất cả khách du lịch và chủ khách sạn, chủ cơ sở đã nắm được diễn biến của bão số 2.
Về công tác di dời dân, Ban chỉ huy đã chỉ đạo các địa phương ven biển chỉ đạo sẵn sàng di dời khi có lệnh, theo phương án ứng phó thiên tai UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt. Dự kiến phương án Nghệ An di dời dân tại chỗ 16.200 người, sơ tán đến chỗ ở khác 2.000 người.
-Tại Hà Tĩnh, hiện toàn bộ 3.688 phương tiện tàu thuyền với hơn 15.600 lao động trên biển của Hà Tĩnh đã vào bờ tránh trú an toàn. Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đang phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát các vị trí xung yếu sẵn sàng tổ chức sơ tán dân khi cần thiết, trước khi bão số 2 đổ bộ.
-Theo Trung tâm Dự báo thủy tượng khí văn quốc gia: Hồi 16 giờ chiều 1-8, vị trí tâm bão số 2 ở khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển các tỉnh Thái Bình-Nghệ An khoảng 330km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão.
Vị trí và đường đi của cơn bão số 2.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào Vịnh Bắc Bộ. Đến 04 giờ ngày 02/8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Trong 12-24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15km, đi vào đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 02/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 105,1 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 16,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật và lốc xoáy. Trên đất liền các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng cao xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, đi sâu vào đất liền và yếu thành vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.