2 năm bị bán cho 5 người đàn ông
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình người H’Mông ở Yên Bái, Sùng không có cơ hội đến trường như những đứa trẻ khác trong bản làng. Trong lúc các bạn cùng lứa học đánh vần, ghép chữ thì cô học cách trồng ngô, làm nương.
Cuối năm 2017, Sùng bất ngờ nhận được lời đề nghị làm quen qua điện thoại từ người lạ. Sau thời gian trò chuyện qua mạng, người này hẹn gặp Sùng tại xã.
Háo hức gặp đi gặp người bạn mới, Sùng diện váy áo xúng xính đến điểm hẹn. Người bạn quen qua mạng mời Sùng nước uống. Vừa hết cốc nước, cô ngất lịm đi, khi tỉnh dậy thì đã ở một nơi lạ hoắc, người ta bảo đó là Trung Quốc. Khi ấy cô 22 tuổi.
Phận làm cô dâu nơi xứ người bắt đầu từ đó. Những kẻ buôn người coi cô đúng nghĩa là một ''món hàng'', liên tục đem bán từ người này qua người kia. Chỉ trong vòng 2 năm, Sùng bị bán cho 5 người đàn ông. Ở trong gia đình những người xa lạ, cô bị cô lập, không có điện thoại hay bất kỳ cách thức nào để liên lạc với bên ngoài.
Những người đàn ông đó đã bắt Sùng làm nô lệ, tra tấn và lạm dụng tình dục đến mức cô dần quên đi cả cách la hét – bản năng sinh tồn của bất kỳ người bình thường nào khi đối diện với hiểm nguy.
Sùng chỉ biết câm nín, chịu đựng.
Bà Hoàng Phương Thuý, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái chia sẻ với PV Infonet câu chuyện về người phụ nữ H'Mông 22 tuổi rơi vào bẫy của những kẻ mua bán người.
Lần cuối cùng khi Sùng bị bán cho người đàn ông thứ 5, ngôi nhà giam giữ Sùng gần với nhà của người Việt Nam. Một lần, lẻn sang đó, Sùng vô tình nhìn thấy thông báo về một gia đình người H’Mông đang tìm con và cầu cứu trên mạng xã hội. Cô nhận ra mình không bị bỏ rơi và bắt đầu nhen nhóm ý định trốn thoát.
Lợi dụng khi đi chợ, Sùng được người bạn Việt Nam giúp trốn khỏi nơi giam cầm và đưa tới cửa khẩu biên giới, rồi may mắn trở về nhà an toàn.
Đến cuối năm 2019, những kẻ lừa bán Sùng cũng phải chịu mức án thích đáng cho hành vi buôn bán người. Đến khi ấy, Sùng mới biết mình là một trong số nhiều nạn nhân của nhóm tội phạm chuyên nghiệp này.
An toàn trở về nhưng cô gái người H’Mông lại đối diện với nỗi mặc cảm, xấu hổ, không thể chịu được những ánh mắt phán xét, kỳ thị của cộng đồng.
Sùng từng bế tắc sau khi được giúp đỡ trở về nhà.
Sùng suy sụp.
May mắn có người đàn ông tử tế đã đến bên cô. Họ nên duyên vợ chồng dù cuộc sống còn quá nhiều khó khăn. Một năm trước, vợ chồng Sùng nhận được hỗ trợ sinh kế từ một tổ chức phi chính phủ.
Đàn dê được hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ này. Không muốn các con giống mình, cô chăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi. Đàn dê đã giúp gia đình tăng thêm thu nhập để mua sách vở, quần áo cho con đến trường.
Những bàn tay chìa ra đúng lúc
Sùng chỉ là một trong số hàng ngàn nạn nhân của nạn buôn bán người trên cả nước nói chung và của tỉnh Yên Bái, nhưng cô may mắn được giải cứu thành công trong thời gian vừa qua,
Vẫn còn đó những số phận bất hạnh chưa thể trở về bên gia đình, người thân.
Chia sẻ với phóng viên, bà Hoàng Phương Thuý, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái cho biết, trên thực tế số lượng nạn nhân buôn bán người được giải cứu về theo con đường hợp pháp vẫn còn ít và chưa kịp thời.
Hầu hết, các vụ án cần đảm bảo yếu tố bí mật phục vụ công tác điều tra nên số liệu ít công khai khi chưa phá án.
Mặt khác, còn có nạn nhân bị lừa đã về nước bằng đường tiểu ngạch, chưa dám khai báo, không đầy đủ giấy tờ, hồ sơ để được công nhận là nạn nhân. Những yếu tố này vẫn đang là những thách thức, những khoảng trống trong công tác tuyên truyền và hỗ trợ nạn nhân của nạn mua bán người.
Do đó, bà Thuỷ mong muốn sẽ có nhiều hơn nữa những dự án hỗ trợ nạn nhân triển khai tại các địa bàn. Đặc biệt là hỗ trợ tích cực và hiệu quả hơn cho các hoạt động truyền thông tương tác, các nhóm nhỏ đặc thù, truyền thông trên các trang thông tin và mạng xã hội chính thống… để nâng cao năng lực phòng ngừa cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thông tin từ Tổng đài 111 cho thấy, từ tháng 10/2013-10/2022, đơn vị này tiếp nhận 24.651 cuộc gọi. Trong số đó có 18.996 cuộc gọi cung cấp thông tin chung về hoạt động của đường dây nóng và phòng chống mua bán người; 5.128 cuộc gọi tư vấn về tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân; 527 ca chuyển tuyến giải cứu và hỗ trợ cho 577 nạn nhân.
9 tháng đầu năm 2022, Tổng đài 111 tiếp nhận 1.926 cuộc gọi (1.354 cuộc gọi cung cấp thông tin; 476 cuộc gọi tư vấn; 96 ca chuyển tuyến giải cứu và hỗ trợ cho 110 nạn nhân).
Đáng lưu ý, trong số 527 ca chuyển tuyến có 79 ca bị mua bán sang Campuchia với 91 nạn nhân. Thời gian xảy ra các vụ việc: từ quý 4 năm 2021 đến nay. Trong đó quý 4 có 4 ca với 4 nạn nhân và từ 1/1/2022-30/9/2022 có 75 ca với 86 nạn nhân.