|
Những giấy tờ quan trọng “nằm lâu” trong tủ. |
Họa hoằn tôi mới đặt chân đến bến xe. Bởi ám ảnh khá lâu ngày trước là nỗi vào bến, xếp hàng mua vé, những cò, những “hai ngón”, cảnh cãi lộn, gây sự như cơm bữa. Rồi sau đó, nhà xe tư nở rộ, đứng đường mà vẫy, dầu có kém văn minh.
Bến xe Nước ngầm (số 1 Ngọc Hồi, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) nằm ở chỗ “rìa quận, ven huyện”, vị trí lúc nào cũng được phủ trong cái màng mờ khó phân biệt được nắng hay khói, bụi. Nhưng những biển tên, bảng hiệu, chỉ dẫn như “mặc đồng phục” tươm tất, đã tạo ấn tượng về sự ngăn nắp, dầu cái đặc trưng của bến vẫn còn. Cái đặc trưng ồn, ngột ngạt của khí thải, và luôn phảng phất mùi dầu mỡ…
Tủ trưng bày hành lý, tài sản của khách để quên ngay lối ra xe máy, ô tô. Khu vực chính, đông người qua lại. Tủ trưng bày không to, nhưng được đì-zai theo kiểu dễ bắt mắt, có “phụ đề” tiếng Anh. Người đì-zai, lắp đặt hẳn có dụng ý khi dưới chân tủ bày biện ít chậu cây xanh, thêm bức tượng màu vàng phía trong, kiểu như muốn người lại qua dừng bước.
Trong tủ trưng bày, đồ vật được xếp đặt gọn ghẽ. Những ba lô, ví, túi sách, giấy tờ thất lạc ghi rõ ngày tháng năm tiếp nhận. Một ngày, Bến xe Nước ngầm có hàng nghìn lượt người đến và đi, lối ra này cũng có đến hàng nghìn lượt người lại qua. Thế mà, thật kỳ lạ hay cũng thật ngẫu nhiên, có thứ yên vị trong tủ trưng bày đó tới cả mấy năm.
Có cả những bằng đại học, chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu rõ cả hộ khẩu thường trú lẫn quê hương bản quán. Sau tấm kính, “nhà bến” cho dán tờ A4 liệt kê số tiền và hiện vật có giá trị. Tổng cộng 28,1 triệu đồng. Máy ảnh Sony... Những đồ đạc, giấy tờ có số phận long đong này, hẳn phải bởi một lý do nào đó mới nằm đây, tỷ như bởi người thì vội vã, sấp ngửa lúc chạy đi chạy lại, cũng không ít người đầu óc lãng đãng…
Mới ít ngày trước - chị Nguyễn Tuệ Minh, nhân viên bến xe kể, "nhà bến" vừa “tìm và trả” cho một người quê Hà Tĩnh bằng tốt nghiệp đại học. Nguồn cơn thế này, ông chồng chủ nhân tấm bằng kia xuống bến, chả biết luýnh quýnh loáng quáng thế nào mà đánh rơi, oái oăm thay lại đúng lúc chuẩn bị hồ sơ xin việc cho vợ.
Căn cứ thông tin trên bằng tốt nghiệp, chị Minh liên hệ với trường chủ nhân tấm bằng theo học, nhờ liên lạc hộ. Bặt đi một thời gian. Đến khi chủ nhân tấm bằng kia phải quay lại trường xin xác nhận đã tốt nghiệp mới biết chỗ giấy tờ lưu lạc.
Đâu phải ai cũng có cái may mắn và tình cờ như thế. Và đó là lý do mà cái tủ trưng bày hành lý, tài sản của khách để quên ra đời. Như ông Trịnh Hoài Lam, Phó Giám đốc Bến xe nói, thì tủ được lập đã lâu, “cái mốc cụ thể không nhớ”. Ban đầu, tủ không ở vị trí hiện tại. Sau những “thiên di”, thay đổi vị trí nhiều lần, giờ cái tủ được “chấm” chỗ có lẽ là đẹp nhất, dễ nhìn thấy nhất.
Ấy vậy mà vẫn có những thứ… được trưng bày, yên vị mấy năm liền.
“Nguồn cung” cho tủ trưng bày là chính cán bộ, công nhân viên Bến xe Nước ngầm. Rồi cả những nhà xe thực thà cũng tham gia đóng góp. Lại thêm một trường hợp hơi đặc biệt. Ông Trịnh Hoài Lam kể, không ít lần hành khách để quên trên taxi đưa vào nhờ "nhà bến". Căn cứ thông tin khách hàng cung cấp, theo camera giám sát, đại diện bến xe liên hệ với tài xế để trả lại khách hàng. Rồi cũng không ít lần, "nhà bến" tiếp nhận tài sản bỏ quên của hành khách qua những lái xe ôm tốt bụng.
Vật phẩm tiếp nhận đa dạng nhưng đáng chú ý nhất là “giấy tờ”. Với bất kỳ ai, chả có nỗi sợ nào bằng nỗi sợ mất “giấy tờ”. Gì chứ, xếp hàng đi làm lại căn cước công dân, bằng lái xe, và nhất là xin cấp lại những “xác nhận” như bằng tốt nghiệp và thậm chí là sổ đỏ… thì chả cái ngại nào bằng.
Tài sản và cả giấy tờ hành khách bỏ quên tại đây có giá trị lớn nhất cũng hơn 100 triệu đồng, quãng mươi năm trước. Một hành khách, sau khi ăn xong chả hiểu mải móng thế nào, đãng trí để lại quầy ăn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mới thế chấp và số tiền vay được hơn 100 triệu đồng. Lích kích thời gian liên lạc, tìm khổ chủ rồi tài sản cũng về với người tưởng như đã đánh mất. Rồi lâu lâu thời gian trước, bến xe đã tìm được và trao tận tay trường hợp quên mấy chục triệu đồng.
Quy trình tiếp nhận, xử lý hành lý, tài sản của khách để quên thế này: Bến xe thông báo trên loa. Người để quên nếu biết, tìm đến thì chuẩn bị giấy tờ chứng minh chủ sở hữu. Có người vì bận, viết giấy ủy quyền cho nhà xe nhờ nhận hộ. Trường hợp không có phản hồi từ người để quên, đại diện bến xe với đủ thành phần như điều độ, kiểm soát… và trường hợp đồ để quên có giá trị lớn thì có cả đại diện cơ quan chức năng cùng chứng kiến, kiểm kê.
Có điều trớ trêu là - ông Trịnh Hoài Lam so sánh: Chả hiểu thế nào, nếu là yến gạo, thực phẩm, mớ rau… người để quên lại thường nhớ ra ngay và quay lại nhận. Chứ tiền nong, thiết thân nữa là giấy tờ, nhiều người quên tiệt.
Khó ở chỗ, như đại diện bến xe đã nhiều lần làm mà không được: Lần theo thông tin trên giấy tờ để liên hệ với địa phương thì ngay địa phương cũng không biết chủ nhân giờ sinh sống, làm việc ở đâu.
Dường như đấy chính là nguyên cớ trong tủ trưng bày kia, có vật đã yên vị đến mấy năm. Những vật phẩm có phần long đong này, giữa ồn ào, ngột ngạt rất đặc trưng của bến xe, là một câu chuyện đáng nói về sự tận tụy và trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên bến xe, từ người có thể ở vị trí quản lý tới những nhân viên điều độ, kiểm soát, bảo vệ… Họ cứ làm công việc đó một cách lặng lẽ, không "báo cáo", không tổng kết.
Bến xe Nước ngầm mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách đến và đi. Trong vô số tình cờ, ngẫu nhiên, giá như một ai đó dừng lại, có liên hệ nhất định với chủ nhân của vật phẩm trong tủ trưng bày kia, đó hẳn lại thêm một câu chuyện có hậu. Và người viết bài này cũng hy vọng, những thông tin từ đây có thể nhắc nhớ ai đó, từng trót bỏ quên đồ đạc, giấy tờ...
Thế Nguyên