Mỗi năm, thuốc lá cướp đi sinh mạng của hơn 8 triệu người, thải 84 triệu tấn CO2

Thứ ba - 31/05/2022 10:16
Nhân Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố báo cáo "Thuốc lá: Đầu độc hành tinh của chúng ta", trong đó nêu rõ mức độ thuốc lá gây hại cho môi trường và sức khỏe con người.
20220531003
Hằng năm, ngành công nghiệp thuốc lá cướp đi sinh mạng của hơn 8 triệu người, tiêu tốn tới 22 tỷ tấn nước và thải ra 84 triệu tấn CO2 trên thế giới

WHO cũng kêu gọi ngành công nghiệp này cần thể hiện trách nhiệm hơn.

Báo cáo cho thấy hằng năm, ngành công nghiệp thuốc lá cướp đi sinh mạng của hơn 8 triệu người, tiêu tốn tới 22 tỷ tấn nước và thải ra 84 triệu tấn CO2 trên thế giới. Phần lớn thuốc lá được trồng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Đây là nơi thường rất cần nước và đất canh tác để sản xuất lương thực, song quỹ đất tại những khu vực này lại được sử dụng để trồng cây thuốc lá chết người.

 Theo báo cáo mới của WHO, lượng khí thải carbon của ngành sản xuất, chế biến và vận chuyển thuốc lá tương đương với 20% lượng CO2 mà ngành hàng không thương mại thải ra mỗi năm, góp phần làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu.

Các sản phẩm như thuốc lá điếu, thuốc lá không khói và thuốc lá điện tử cũng làm tăng ô nhiễm nhựa. Bộ lọc thuốc lá có chứa vi nhựa và tạo thành dạng ô nhiễm nhựa cao thứ hai trên toàn thế giới. WHO kêu gọi các nhà hoạch định chính sách coi đầu lọc thuốc lá như loại nhựa sử dụng một lần và cân nhắc việc cấm đầu lọc thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Trong khi đó, người dân đang phải gánh chịu chi phí dọn dẹp các sản phẩm thuốc lá vứt bừa bãi, chứ không phải ngành công nghiệp này. Ước tính chi phí dọn dẹp mỗi năm tại Trung Quốc vào khoảng 2,6 tỷ USD, Ấn Độ khoảng 766 triệu USD, còn Brazil và Đức hơn 200 triệu USD.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy các nước như Pháp, Tây Ban Nha và các thành phố, trong đó có San Francisco, California ở Mỹ đã tuân thủ nghiêm theo Nguyên tắc trả tiền cho người gây ô nhiễm, cũng như thực hiện thành công "luật trách nhiệm của nhà sản xuất mở rộng" khiến ngành công nghiệp thuốc lá có trách nhiệm giải quyết tình trạng ô nhiễm do chính ngành này tạo ra.   

  WHO kêu gọi các quốc gia và thành phố tuân thủ nguyên tắc này, hỗ trợ nông dân trồng thuốc lá chuyển sang cây trồng bền vững, thực hiện đánh thuế cao đối với thuốc lá (cũng có thể bao gồm thuế môi trường) và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ để giúp mọi người bỏ thuốc lá.

Theo TTXVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây