Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi do công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, tọa lạc trên vùng đất rộng 25,8 ha tại Khu Kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. 3 ngân hàng rót vốn cho dự án hoạt động là VDB, BIDV, Vietcombank chi nhánh Hà Tĩnh.
Dự án được khởi công vào tháng 8/2008 với công suất 250.000 tấn/năm (giai đoạn 1), sau đó nâng cấp lên 500.000 tấn/năm, cam kết đến năm 2010 sẽ cho ra thương phẩm.
Thế nhưng, năm 2010 - thời điểm mà dự án dự kiến sẽ giúp tỉnh Hà Tĩnh "thay da đổi thịt" với 1.200 lao động địa phương có công ăn việc làm, thì nhà máy bất ngờ dừng triển khai và bỏ hoang từ đó đến nay. Cuối năm 2015, ban Quản lý KKT Hà Tĩnh đã chính thức ra quyết định chấm dứt, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi.
Sau 8 năm với hàng đống sắt vụn "trơ gan cùng tuế nguyệt" khiến nhiều người không khỏi xót xa, TAND thị xã Kỳ Anh đứng ra “phân xử” bằng… một bản án dân sự. Theo kết luận của toà, chủ đầu tư là CTCP Gang thép Hà Tĩnh nhất trí chấp nhận nợ và cam kết có trách nhiệm trả nợ gốc và lãi vay cho 3 ngân hàng: Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) Hà Tĩnh 1.242 tỷ đồng, BIDV Hà Tĩnh 114,804 tỷ đồng, Vietcombank Hà Tĩnh 150,355 tỷ đồng.
Tổng số tiền mà ông chủ dự án Thép Vạn Lợi phải trả là hơn 1.500 tỷ đồng – con số chưa từng được các nhà băng và cơ quan chức năng tiết lộ kể từ sau khi dự án “đoản mệnh” (khoản vay gốc công bố trước đó là hơn 700 tỷ đồng).
Đến nay, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh vẫn đang tiếp tục tiến hành kê biên tài sản của Nhà máy liên hợp Gang thép Vạn Lợi tại phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Thời gian cưỡng chế, kê biên dự kiến diễn ra trong vòng 25 ngày (từ 27/11 đến 22/12).
Bản án xác định, toàn bộ tài sản, công trình hiện có phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy liên hợp Gang thép Vạn Lợi nằm trên diện tích 25,8ha tại lô D khu công nghiệp Vũng Áng, phường Kỳ Thịnh và lô B khu công nghiệp Vũng Áng. Do hợp đồng thế chấp giữa công ty CP Gang thép Hà Tĩnh với 3 ngân hàng là thế chấp tài sản hình thành trong tương lai nên việc xác định tài sản để tiến hành cưỡng chế, kê biên phải là các tài sản đã hình thành gồm: Thiết bị, máy móc nhập khẩu phục vụ cho việc xây dựng nhà máy liên hợp Gang thép; tài sản công trình gắn liền với quyền sử dụng đất...
Theo một cán bộ thi hành án, việc định giá, kê biên tài sản tại Dự án Nhà máy liên hợp Gang thép Vạn Lợi hết sức nan giải bởi việc truy xuất nguồn gốc các thiết bị, máy móc rất khó. Ngoài ra, để đánh giá giá trị hiện tại những máy móc, thiết bị này cũng là vấn đề vì đã hàng chục năm không được sử dụng, duy tu, bảo dưỡng, nhiều cái đã mất tác dụng, phần lớn đã trở thành sắt vụn và chắc chắn chỉ thu hồi được rất ít vốn đầu tư mà các ngân hàng đã rót vào.
Về trách nhiệm của công ty CP Gang thép Hà Tĩnh, vị cán bộ này cho biết, vì vay vốn theo hình thức thế chấp tài sản được hình thành trong tương lai nên chủ đầu tư chỉ có trách nhiệm phối hợp cùng lực lượng chức năng và các ngân hàng để kiểm tra, kê biên tài sản. Sau khi kiểm đếm, kê biên, số tài sản trên sẽ được đưa ra đấu giá, thu hồi tiền và trả cho các nhà băng theo tỷ lệ.
“Có nghĩa là bây giờ có bao nhiêu tài sản thì xử lý bấy nhiêu. Việc trả số nợ còn lại sau khi kê biên, đấu giá tài sản thì giữa công ty CP Gang thép Hà Tĩnh với 3 ngân hàng cho vay sẽ có một thỏa thuận khác. Số tiền hàng nghìn tỷ đồng mà công ty Gang thép Hà Tĩnh nợ chưa có khả năng chi trả sẽ được đưa vào nợ xấu”, vị cán bộ này nói.
Tác giả bài viết: Ngân Hà
Nguồn tin: Người đưa tin
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn