Hơn 200 nghìn lao động bị "treo" quyền lợi bảo hiểm xã hội, giải quyết thế nào?

Thứ ba - 21/03/2023 14:29
Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng phương án giải quyết quyền lợi cho hơn 200.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp đã phá sản, giải thể khó có thể thu hồi được nợ bảo hiểm xã hội.
D2023032116
Hơn 213.000 lao động bị "treo" quyền lợi vì doanh nghiệp đã phá sản, giải thể hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2022, có 2,7 triệu người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi do doanh nghiệp chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Số tiền chậm đóng phải tính lãi của các đơn vị là 13.156 tỷ đồng.

Trong đó, có hơn 213.000 lao động bị "treo" quyền lợi vì doanh nghiệp đã phá sản, giải thể hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn, khó có thể thu hồi được nợ.

Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Duy Cường cho biết, thời gian vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH cùng các đơn vị liên quan đã bàn hướng xử lý các nhóm lao động trong doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội.

Sau rà soát, cơ quan chức năng đang đề xuất phương án giải quyết theo hướng sau: Trong số hơn 200 nghìn lao động nói trên, có khoảng 20% lao động đủ điều kiện hưởng chế độ lương hưu, tử tuất và bảo hiểm xã hội một lần thì được giải quyết. Trường hợp lao động chưa đóng đủ số năm bảo hiểm xã hội có thể đóng một lần cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu.

Khoảng 40% lao động đang làm việc ở đơn vị mới và tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội sẽ được cộng dồn thời gian tham gia, song chỉ giải quyết trên thời gian thực đóng, không cộng số tháng bị nợ. Sau này nếu khoản nợ thu hồi được thì cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ xác nhận bổ sung và điều chỉnh mức hưởng cho lao động.

20% lao động nghỉ việc, chưa tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được bảo lưu thời gian đóng để cộng nối tiếp khi đi làm trở lại hoặc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Khoảng 20% còn lại là trường hợp phát sinh do điều chỉnh tăng tiền lương hoặc đã quyết toán khi chuyển việc.

Trước đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có đề xuất Bộ LĐ-TB&XH giải quyết chế độ với lao động tại doanh nghiệp phá sản, đang làm thủ tục phá sản, ngừng hoạt động, hoặc không còn người đại diện pháp luật mà chưa đóng đủ bảo hiểm xã hội.

Với lao động đủ tuổi nghỉ hưu, đóng bảo hiểm xã hội 20 năm trở lên mà không gồm thời gian bị nợ bảo hiểm xã hội thì được hưởng lương hưu tại thời điểm đủ điều kiện. Nếu sau đó khoản tiền bảo hiểm xã hội bị nợ được doanh nghiệp đóng bù hoặc bổ sung bằng nguồn tài chính khác thì được cộng thời gian này để tính lại mức hưởng lương hưu.

Lao động đủ tuổi nghỉ hưu mà đóng bảo hiểm dưới 20 năm, trong đó có 10 năm thực đóng trở lên, nếu có nguyện vọng thì đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu. Thời điểm hưởng được tính từ ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng đóng đủ tiền.

Nếu sau đó khoản tiền bị nợ được doanh nghiệp đóng bù hoặc có nguồn tài chính khác bổ sung thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ cộng thêm thời gian bị nợ để tính lại mức hưởng của người lao động. Song số tiền lao động đã đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện không được hoàn trả.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề xuất giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần, chế độ ốm đau, thai sản, chế độ tử tuất đối với nhóm lao động trên.
Nguồn Anninhthudo.vn

Link gốc: Hơn 200 nghìn lao động bị "treo" quyền lợi bảo hiểm xã hội, giải quyết thế nào? | Báo điện tử An ninh Thủ đô (anninhthudo.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây