Chân dung 10 cô gái Lam Hạ được nhóm họa sĩ trẻ của “Trái tim Người lính Việt Nam” phục dựng bằng AI (Ảnh: T.P)
Những năm tháng khốc liệt đi vào lịch sử
Nhắc đến địa danh Lam Hạ, là nhắc tới những ký ức không thể nào quên về một thời đạn bom khốc liệt trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta. Xã Lam Hạ xưa (nay là phường Lam Hạ, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) là một trọng điểm giao thông quan trọng, trên tuyến đường huyết mạch từ hậu phương miền Bắc, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam, đã trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của kẻ địch. Để bảo vệ thị xã Phủ Lý và những vùng lân cận, ngày 5/8/1965, Đại đội dân quân phòng không xã Lam Hạ được thành lập, gồm 87 người, là những thiếu nữ dân quân đã không sợ gian khó, không sợ hy sinh, chiến đấu kiên cường, góp phần bẻ gãy ý đồ của đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Trận địa pháo Lam Hạ năm xưa là tuyến phòng thủ vô cùng quan trọng, giữ cho giao thông thông suốt bởi cây cầu sắt bắc ngang sông Châu và một ga tàu lửa ở giữa thị xã Phủ Lý ngày ấy.
Theo ký ức của các cựu chiến binh Lam Hạ, đó là ngày 1/10/1966. Buổi sáng, từ 6h15 đến 6h21 phút, tốp máy bay Mỹ đầu tiên xuất hiện với 12 chiếc. Chúng bổ nhào từ ba hướng ném bom làm sập hai đầu cầu đường sắt. Tốp thứ hai có hai chiếc A4D từ hướng tây - tây bắc đánh vào trận địa đại đội 2 ở thôn Ba, xã Phù Vân. Hai chùm bom 12 quả nổ cách khẩu đội một khoảng ba mét. Đại đội trưởng Ngô Xuân Sơ vẫn đứng trên bậc cao, giơ thẳng cờ lệnh chỉ huy pháo bắn, mặc cho ba lần bị mảnh bom phạt gẫy cán cờ. Đại đội phó Nguyễn Đăng Thiệm bị mảnh bom găm giữa vai, máu chảy thẫm áo vẫn động viên đồng đội chiến đấu. Khẩu đội trưởng Quý bị thương nặng ở ngực vẫn hô to khẩu hiệu “Quyết giữ trận địa dù chỉ còn một người, một viên đạn”. Cho đến lúc hy sinh, tay anh vẫn còn nắm chặt cờ lệnh. Pháo thủ Quế bị thương thủng đùi, máu chảy tràn mâm pháo vẫn đứng quay cự ly cho đến khi có người thay thế mới băng lại vết thương. Chiến sĩ nuôi quân Trần Viết Khảo, trên đường mang nước ra trận địa bị thương vào trán, vẫn lên mâm pháo thay pháo thủ số 4 vừa mới hy sinh.
Chín nữ dân quân thôn Ba, xã Phù Vân có mặt tiếp đạn cho đại đội 2 từ trận đánh thứ hai vào thay thế bổ sung vị trí các pháo thủ bị thương vong để tiếp tục chiến đấu cho đến cuối trận đánh. Nhưng ở ngay loạt bom bi và rốc két đầu tiên, sáu nữ pháo thủ dân quân là Đinh Thị Tâm, Phan Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Phương đã anh dũng hy sinh ngay trên trận pháo. Chị Nguyễn Thị Thi hy sinh khi mới 16 tuổi, không kịp để lại một tấm hình.
Trận đánh thứ tư, máy bay Mỹ ném bom lần hai vào đại đội 2 và ba lần đánh vào trận địa đại đội 1 ở Đình Tràng. Bom nổ mé hầm khẩu đội 1, rốc két bắn vào khẩu đội 2, toàn trung đội 1 bị thương vong. Đại đội trưởng Cầm lệnh cho trung đội 2 bắn trả mãnh liệt để yểm trợ và trả thù cho trung đội 1. Trong lúc bom vẫn nổ rền, hai khẩu đội còn lại vẫn không ngớt nhả đạn. Dân quân Đình Tràng cùng các chiến sĩ nuôi quân trong xóm ào ra trận địa chuyển thương binh đi cấp cứu và thay thế pháo thủ. Trong những ngày đầu cuộc chiến, các nữ dân quân tuổi đời từ 16 đến 24 của hai thôn Đình Tràng, Đường Ấm đã anh dũng chiến đấu và hy sinh ngay trên mâm pháo...
Một hành trình thầm lặng
Việc phục dựng màu di ảnh chân dung và hành trình đề xuất tôn vinh “10 cô gái Lam Hạ” là kết quả của một hành trình thầm lặng, bền bỉ và kéo dài đã gần 10 năm. Kể từ đầu năm 2016, một nhóm cựu cán bộ CA do Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Đào Trọng Hùng dẫn đầu, đã về thăm Lam Hạ và giới thiệu truyền thống lịch sử của địa phương. Những năm 1965 - 1967, địa bàn phường Lam Hạ là một trong những trọng điểm bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt ở miền Bắc, vì có tuyến đường sắt và đường bộ tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Lam Hạ được coi như “Đồng Lộc” thứ 2 ở Việt Nam. Tham gia chiến đấu bảo vệ địa bàn này, Trung đội nữ dân quân Lam Hạ, được trang bị pháo phòng không tầm thấp 37 ly và 57 ly. Trong những trận chiến đấu ác liệt với máy bay Mỹ, 10 nữ dân quân tuổi đời từ 17-20 đã anh dũng hy sinh trong những năm 1966 - 1967…
Theo Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, trong kháng chiến chống Mỹ, “10 cô gái Đồng Lộc” là thanh niên xung phong, đã dũng cảm hy sinh trong khi làm nhiệm vụ san lấp hố bom và bảo đảm giao thông tuyến lửa... Còn “10 cô gái Lam Hạ” là dân quân trực tiếp chiến đấu, họ hy sinh khi trên mâm pháo, bắn trả máy bay Mỹ. Nhưng đáng tiếc là người cả nước còn rất ít người biết về các chị. Nếu có hỏi ai về tấm gương của 10 cô gái nào đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thì chắc chắn người ta sẽ nói ngay đến địa danh Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Bởi thế huyền thoại về “10 cô gái Lam Hạ” diễn ra đã hơn nửa thế kỷ, mà sự tôn vinh của hậu thế chưa xứng tầm. Thậm chí, đã có một thời gian dài gần như bị lãng quên…
Ngay sau chuyến đi từ năm 2016, nhà văn Đặng Vương Hưng đã viết một bài dài đăng trên tài khoản facebook cá nhân; đồng thời, trực tiếp soạn thảo công văn của Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”, gửi các cơ quan chức năng, với những đề xuất cụ thể: tổ chức hội thảo khoa học và đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Tiểu đội nữ dân quân Lam Hạ; phát động cuộc vận động sáng tác văn - thơ - ca khúc và Tượng đài “10 cô gái Lam Hạ”; tổ chức giao lưu văn nghệ “10 cô gái Lam Hạ” với các nhân chứng lịch sử, cùng lễ hội Tiếp lửa truyền thống thường niên; với nhiều hoạt động ý nghĩa vào dịp ngày giỗ chung của “10 cô gái Lam Hạ”; để xây dựng nơi này thành một địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Hà Nam…
Theo Thái Phương Kinhtedothi.vn
Link gốc:
Hành trình đề xuất tôn vinh “10 cô gái Lam Hạ” (kinhtedothi.vn)