Hãi hùng bị bỏ đói trong rừng, uống nước rửa chuồng lợn, chui container tới Anh

Thứ hai - 28/10/2019 07:14
Hành trình đói khát, khốn khổ nhiều lần cận kề cái chết của một người dân miền Trung từng vay nợ nộp cho một đường dây đưa người sang Anh quốc trải qua. Anh chia sẻ với Infonet về hành trình vượt biên hãi hùng để tới "thiên đường"
Toàn bộ câu chuyện về cuộc đổi đời phi pháp nộp tiền cho đường dây đẻ đi Anh được nhân vật chia sẻ với PV Infonet.  Hành trình hãi hùng từ lúc rời Việt Nam với món nợ 600 triệu đồng nộp cho người của đường dây đến khi bị bỏ đói khát giữa rừng Serbia, phải uống nước rửa chuồng lợn, chui container nhiều lần bị phát hiện... rồi cũng tới được nước Anh, trồng cần sa... sau đó bị cảnh sát bắt, đi tù.

Infonet xin đăng tải chân thực những chia sẻ này để bạn đọc phần nào hình dung được quãng đường của những con người khốn khổ với giấc mộng đổi đời sai lầm:'
 
T2019102805
Vị trí tỉnh Subotica và đất nước Serbia (Ảnh: Internet)

Bỏ nghề thầy giáo, tìm đến thiên đường

Vợ chồng tôi đều là giáo viên ở một huyện trung du của vùng Bắc trung Bộ. Mặc dù đã 15 năm công tác nhưng thu nhập từ lương chỉ đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày, không thể tích lũy để làm những việc lớn như sửa nhà, mua xe.

Gần nhà tôi có anh Nguyễn Anh T. (SN 1976) từng tìm đường đi sang Vương quốc Anh mưu sinh. Để đến được đất nước “thiên đường” này, Tuấn phải bỏ ra khoảng 25.000 USD. Trong khi tiền không có, Tuấn đã bàn bạc với gia đình cắm bìa đất cho ngân hàng, vay mượn thêm của người thân, bạn bè để thực hiện ước mơ đổi đời.

Quả là mơ được ước thấy, chỉ sau khoảng một năm, T đã gửi tiền về thanh toán hết mọi nợ nần, đồng thời xây lại ngôi nhà hai tầng khang trang. Cuộc sống của gia đình T ngày càng khá giả, đồ đạc trong nhà đều dùng hàng ngoại, đắt tiền. Việc T nhanh chóng đổi đời khiến đám trai làng chúng tôi ai nấy đều khao khát.

Tuy không nói ra nhưng tôi đọc được trong suy nghĩ của vợ mình cũng có ao ước đó. Cuộc sống khó khăn khi vợ chồng 2 con vẫn ở nhà cũ do bố mẹ cho. Mọi đồ vật trong nhà đều rất tạm bợ, tồi tàn.

Tôi bàn với vợ muốn bỏ nghề để sang Anh. Ban đầu vợ tôi không chịu nhưng sau nhiều lần thuyết phục, cô ấy đã miễn cưỡng đồng ý. Thế là tôi xin số điện thoại liên lạc với T, bày tỏ ý định của mình mong được giúp đỡ.

Một tuần sau, T thông báo để sang được nước Anh phải chi phí 22.000 USD cho hành trình đi cỏ, hoặc 28.000 USD cho nhu cầu đi vip.

Sau khoảng 6 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ thì đường dây do T giới thiệu thông báo lịch bay. Tôi gấp rút cầm cố bìa đất tại ngân hàng, vay mượn thêm người thân, bạn bè gần 600 triệu đồng cho chuyến đi mà ngay bản thân mình cũng không rõ là nơi đến như thế nào.

Cũng may là vào dịp nghỉ hè nên tôi đã viết sẵn đơn xin thôi việc, để lại cho vợ rồi lặng lẽ lên đường. Bữa cơm chia tay cũng hết sức nhỏ gọn, chỉ anh em trong nhà. Sở dĩ tôi ra đi như trốn chạy là vì không muốn để ai biết, nếu lỡ chuyến đi không thành thì vẫn có thể trở về tiếp tục công tác.

Vào cuối tháng 8/2012, tôi cùng 11 người khác từ khắp nơi tứ xứ tập trung tại Hà Nội để bắt đầu cuộc hành trình với giấc mơ đổi đời. Sau khoảng 10h bay, quá cảnh tại Matxcơva (Nga), đoàn chúng tôi hạ cánh tại thủ đô Bê-ô-grat, rồi di chuyển về tỉnh Subotica, phía bắc Serbia (một bộ phận của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Nam Tư cũ), tiếp giáp với Hungari.

Sau một tuần vật vã chờ đợi thì nhận được thông tin lên đường. Khoảng 2 giờ sáng, mấy người đàn ông Tây Á đưa chúng tôi ra ngoại ô Subotica theo hướng biên giới Hungari. Khi đến một cánh đồng hoa hướng dương rộng lớn thì tất cả xuống xe để cuốc bộ vào rừng.

Suýt bỏ mạng dọc đường, trong rừng Serbia

Quá trình di chuyển, để đảm bảo tính bí mật, không bị người dân hay cảnh sát Serbia phát hiện, họ yêu cầu chúng tôi di chuyển với tốc độ nhanh. Do mang theo nhiều hành lý nên một số chị em nữ không theo kịp. Cánh đàn ông chúng tôi vừa phải mang hộ hành lý, vừa phải dìu chị em bám đoàn.

Đến trưa, trời nắng gay gắt, hai người dẫn đường bảo chúng tôi tạm nghỉ lấy sức. Lúc này, mọi người đều tự tìm bóng râm của cây hướng dương để nằm nghỉ và ăn tạm bánh mì, lương khô mang theo. Nghỉ trưa xong, chúng tôi lại tiếp tục lên đường với bao ý nghĩ vẫn vơ.

Gần tối thì chúng tôi đến điểm tập kết. Đây là một khu rừng hoang vắng, nằm cạnh đường biên giữa hai nước Serbia và Hungari. Sở dĩ họ đưa chúng tôi đến đây là vì chỉ cần sang được Hungari tức là đã vào được châu Âu.
 
T2019102805a
Chiếc container chở 39 thi thể được phát hiện vào lúc 13h 30 phút ngày 23/10 tại khu công nghiệp Waterglade, quận Essex, Đông Bắc London, Vương quốc Anh (Ảnh: Internet)

Ban đầu họ bảo chúng tôi kiếm chỗ nghỉ ngơi, sẽ có người mang thức ăn nước uống đến, khi nào thuận lợi thì sẽ lên đường. Tuy nhiên, chờ đến tận khuya cũng không thấy ai đoái hoài. Liên lạc về Việt Nam, khi thì đường dây bảo họ đang trên đường đến, khi lại bảo họ vào gần đến rồi nhưng do cảnh sát tuần tra gắt gao nên không thể tiếp cận được. Bắt đầu từ đây chúng tôi phải trải qua những ngày có thể coi là đen tối nhất trong chuyến hành trình của mình, một chuỗi ngày nhịn đói.

Đêm đầu tiên trong rừng Serbia thật là khủng khiếp. Vừa phải nhịn đói lại vừa lo sợ thú dữ nên không ai chợp mắt được. Đêm lạnh nhưng không được đốt lửa vì sợ bị phát hiện nên cả đoàn bảo nhau mang thêm đồ ấm, dồn lá khô thành đống, nằm chen chúc vào nhau cho đỡ rét.

Ngày hôm sau trôi qua cũng không có ai xuất hiện. Qua điện thoại, lúc nào phía đường dây cũng trả lời là họ đang đến, và chúng tôi lại nằm chờ trong vô vọng. Rất may thời điểm này chưa có mưa tuyết nên mọi việc không quá tồi tệ.

Sang này thứ 3 nhịn đói trong rừng Serbia, một số chị em nữ đã bắt đầu có dấu hiệu suy nhược cơ thể, tụt huyết áp. Lúc này một số người đòi về, không theo đuổi giấc mộng đổi đời nữa. Bản thân tôi cũng thấy xuống sức, môi bắt đầu khô ráp, tinh thần hoang mang dao động. Ý nghĩ trở về tiếp tục công việc dạy học le lói nhưng lại bị dập tắt khi nghĩ rằng có gan mới làm giàu được.

Nhận thấy tình hình có dấu hiệu bất ổn nên anh em thống nhất chỉ mở một máy điện thoại để liên lạc với đường dây, ai cần gọi cho gia đình thì mở máy, xong rồi lại tắt nguồn để dành pin khi cần.

Quyết không thể bỏ mạng tại rừng Serbia, cánh đàn ông chúng tôi chia thành từng tốp, dò la thám thính địa hình, hi vọng tìm được thứ gì đó bỏ vào miệng để tồn tại qua ngày. Khi tưởng chừng như mọi hy vọng bị dập tắt thì chúng tôi phát hiện cách đó không xa, có khá nhiều nho rừng.

Vậy là hi vọng về sự sống đã được nhen nhóm. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là loài nho này leo lên những ngọn cây rất cao, muốn ăn thì phải trèo lên hái chứ không thể đứng dưới đất cầm dây nho lôi xuống vì còn phải tính chuyện để dành.

Kiếm được nho ăn, cả đoàn chúng tôi như được hồi sinh trở lại, đặc biệt là cánh chị em phụ nữ. Tuy nhiên vấn đề nước uống là nan giải hơn cả nên cánh đàn ông quyết định mở rộng địa bàn tìm kiếm nguồn nước.

Đi khoảng 2km thì bắt gặp một nhà dân nhưng không thấy người. Phía trước nhà có một cái hố nhỏ chứa nước, dưới đáy có trải bạt. Sau khi uống no nê thỏa thích, chúng tôi dùng tất cả những túi nilon mang theo để đựng nước về cho cả đoàn uống. Điều đáng nói là, mấy hôm sau chúng tôi mới biết đó là nước rửa chuồng lợn được người dân gom lại để tưới nho.

Sang ngày thứ 5 tại rừng Serbia, do áp lực từ người nhà của các thành viên trong đoàn, phía đường dây quyết định để chúng tôi trở về Subotica chờ cơ hội mới. Lúc này chúng tôi mới biết, sau khi nhận 30.000 Euro, cánh dẫn đường đã một đi không trở lại.

Về Subotica được một tuần thì có một đoàn khác cũng từ Việt Nam đến đây để tìm cơ hội vào Hungari. Trong số những người mới đến này, có một người tôi quen, tuy nhiên chúng tôi chỉ gặp nhau được vài tiếng đồng hồ vì đêm đó tôi và ba người nữa lại lên đường. Hơn 20 người còn lại của cả hai đoàn sau đó phải trở về Việt Nam.

Bắt đầu từ đây, bốn anh em chúng tôi lênh đênh, phiêu bạt từ nước này sang nước khác. Nay ra trại, mai vô khám và đặc biệt là một lần suýt bỏ mạng trong container chở thịt gà đông lạnh từ châu Âu sang "thiên đường" Anh quốc.

Kỳ sau: Hành trình vượt biên ngộp thở trong container gà đông lạnh 
 
Theo Kỳ Anh - Hồng Lĩnh Infonet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây