Tuyến kè biển chạy qua địa bàn xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) có chiều dài khoảng 8km. Trên tuyến kè biển này, chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo “Cấm đổ rác, trồng cây, lấn chiếm… trong phạm vi hành lang đê điều.”
Mặc dù vậy, thời gian gần đây, người dân vẫn ngang nhiên đổ rác thải, biến nơi đây trở thành bãi rác. Việc này không chỉ làm mất mỹ quan mà còn gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong nhân dân.
Anh Đ, một người dân trú tại thôn Hồng Thịnh, xã Thịnh Lộc, cho biết anh thường đi làm trên tuyến đường kè biển này. Việc đổ rác trên tuyến kè không chỉ cản trở giao thông mà còn gây ô nhiễm môi trường. Chính quyền địa phương không kiên quyết xử lý, tương lai tuyến kè này sẽ phủ đầy rác.
Tuyến kè biển xã Thịnh Lộc nối xã Thạch Bằng dài khoảng 8km, được đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhằm bảo vệ khu vực dân cư xã Thịnh Lộc-Thạch Bằng trước nguy cơ cát bay, cát nhảy và biển xâm thực trong mùa mưa bão.
Ngoài chức năng là “lá chắn,” tuyến kè biển này còn là tuyến giao thông huyết mạch liên huyện, giúp người dân đi lại rất thuận tiện.
Trên thực tế, tại nhiều điểm của tuyến kè này, một số người dân ngang nhiên đổ trộ rác thải, nhất là rác thải xây dựng.
Điển hình như đoạn qua thôn Hòa Bình, rác thải xây dựng được đổ thành từng đống ngay trên tuyến kè, sát khu vực biển “Cấm đổ rác, trồng cây, lấn chiếm… trong phạm vi hành lang đê điều” được chính quyền địa phương dựng lên để cảnh báo, trông rất phản cảm.
Ông Trần Văn Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thịnh Lộc, xác nhận có việc người dân đổ rác thải xây dựng trên tuyến kè biển.
"Chính quyền địa phương đã nhiều lần trực tiếp xuống từng hộ dân để nhắc nhở, tuyên truyền, thậm chí đã cắm biển cảnh báo nhưng một số người vẫn cố tình vi phạm. Một số người dân cho biết họ đổ rác thải để làm đường ra biển, vì sau khi làm kè biển đã bịt hết lối ra biển của ngư dân. Tuy nhiên, đây chỉ là cái cớ mà người dân đưa ra. Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục kiểm tra, nhắc nhở người dân nhằm chấm dứt tình trạng đổ rác thải ra kè biển như hiện nay," ông Nghĩa nhấn mạnh./.