Hà Tĩnh nỗ lực hỗ trợ người lao động vượt khó

Thứ tư - 22/12/2021 08:07
Trung tâm Dịch vụ việc làm ở Hà Tĩnh đã mở các sàn giao dịch online, tổ chức hội chợ việc làm, hỗ trợ tối đa cho người lao động trong việc hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp và tìm kiếm việc làm.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh, lũy kế số công dân trở về địa phương do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ thời điểm tháng 4/2021 1đến nay là 46.144 công dân. Trong đó có 23.932 lao động trở về từ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và tỉnh khác.
 
20211222001
Hà Tĩnh tổ chức hội chợ việc làm hỗ trợ lao động thất nghiệp
65.000 lao động được hưởng 157 tỷ đồng

BHXH tỉnh Hà Tĩnh đã hỗ trợ tối đa người lao động và doanh nghiệp, đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận hồ sơ như Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam; các tổ chức cung cấp dịch vụ I-VAN; ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số; thông qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp hồ sơ tại cơ quan BHXH tỉnh hoặc BHXH cấp huyện. Đồng thời, công bố đường dây nóng để tiếp nhận các vướng mắc, khó khăn và phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân trong quá trình tổ chức thực hiện.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 65.000 người lao động sẽ được hưởng 157 tỷ đồng tiền trợ cấp từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với mức chi trả từ 1,8 - 3,3 triệu đồng/người. Trong đó, số lao động Hà Tĩnh đang quản lý là khoảng 48.000 người (chi trả 115 tỷ đồng); khoảng 17.000 lao động là đối tượng đã dừng đóng Bảo hiểm thất nghiệp, đang bảo lưu và lao động Hà Tĩnh đang ở ngoại tỉnh (chi trả 42 tỷ đồng).

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Tĩnh cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid 19, tình trạng lao động thất nghiệp rất nhiều đặc biệt là các lao động về từ các tỉnh phía Nam, số lượng lao động phải trở về quê chiếm tỉ lệ rất lớn.

“100% cán bộ của trung tâm việc làm đều được tập huấn thường xuyên về nghiệp vụ, kỹ năng tư vấn, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với BHXH tỉnh kịp thời giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người lao động.

Bên cạnh đó, tổ chức được 73 cuộc tư vấn tập thể cho lao động thất nghiệp, phối hợp tổ chức  1 cuộc thông tin tuyên truyền chuyên đề qua đó giúp lao động nắm bắt đầy đủ thông tin về chính sách cũng như quyền và trách nhiệm của mình trong thời gian hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp”, bà Hương nói thêm.

Nỗ lực kết nối việc làm

Cũng theo bà Hương, để ứng phó với tình hình dịch bệnh, đơn vị đã linh động trong phương pháp thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm.

Trung tâm dịch vụ việc làm đã tổ chức được 85 cuộc tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng như: Phát thanh, truyền hình, tờ rơi, sử dụng mạng Zalo, Facebook, tổ chức hội chợ việc làm để giới thiệu, hỗ trợ cho người lao động thất nghiệp.
 
20211222002
Tư vấn online cho người lao động
 
“Công tác tuyên truyền được thực hiện sâu rộng, bám sát từng đối tượng, địa bàn cụ thể, đã tổ chức 61 phiên giao dịch việc làm, thu hút 568 lượt doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng, hơn 23.000 lượt lao động được tư vấn, hơn 7.000 lao động được giới thiệu việc làm, trong đó hơn 900 lao động được tuyển dụng trong nước. Số tư vấn du học, xuất khẩu lao động: 116 người, tuyển sinh đào tạo ngoại ngữ gần 700 người”, bà Hương cho hay.

Đặc biệt, để thích ứng an toàn trong điều kiện dịch bệnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh đã tổ chức sàn giao dịch việc làm online.

Cụ thể, Trung tâm đã tập trung đẩy mạnh kết nối các phiên sàn giao dịch việc làm online giữa 2 sàn giao dịch việc làm (thành phố và Kỳ Anh), kết nối các phiên giao dịch việc làm trực tuyến với các Sàn giao dịch việc làm trên toàn quốc.

Nhằm giúp cho lao động có việc làm, Trung tâm đã chủ động phối hợp với các địa phương như Lộc Hà, Cẩm Xuyên,…rà soát danh sách lao động trở về quê và trực tiếp liên hệ tư vấn từng đối tượng, trong đó nhiều lao động đã tìm được việc làm.
 
20211222003
Hỗ trợ người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp
 
Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động của các công ty có phần bị ảnh hưởng, nhu cầu tuyển dụng không nhiều.

Tại Hà Tĩnh, các doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ nên nhu cầu tuyển dụng không cao, một số chế độ về lương, bảo hiểm chưa đảm bảo nên khó giữ chân lao động; công tác xuất khẩu lao động chưa phục hồi do các thị trường chưa nhận lao động.

“Một số lao động có nhu cầu làm việc trên địa bàn chủ yếu là lao động phổ thông, nhiều lĩnh vực. Trên địa bàn, doanh nghiệp lớn có nhu cầu tuyển dụng chủ yếu hoạt động khối nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến chế tạo, những ngành nghề được tuyển dụng với số lượng lớn như công nhân may, nhân viên kinh doanh. Tuy vậy số lao động có nhu cầu làm ở các lĩnh vực này rất ít. Mức lương các doanh nghiệp chi trả còn thấp hơn so với các tỉnh phía Nam nên chưa thu hút được lao động”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương nói.
 
20211222004
Hà Tĩnh gặp một số khó khăn trong kết nối cung cầu
 
Người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp phần lớn có trình độ học vấn chỉ mới dừng lại ở cấp THPT, điều này cũng là một trở ngại trong việc tư vấn về quyền lợi của các chính sách, giới thiệu việc làm mới.

Trong năm qua, tại địa bàn có hơn 29.000 lượt đến giao dịch (thông báo tìm kiếm việc làm, tìm hiểu thông tin), tư vấn cho 610 lao động thất nghiệp tham gia bảo hiểm tự nguyện, 280 lao động tham gia các khóa đào tạo nghề, hơn 200 lao động thất nghiệp được giới thiệu việc làm thành công.
Thiện Lương
Theo vietnamnet.vn
 
Link gốc: https://vietnamnet.vn/vn/goc-nhin/ha-tinh-no-luc-ho-tro-nguoi-lao-dong-vuot-kho-khan-do-dai-dich-covid-19-802903.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây