Dám làm điều người khác sợ hãi
Sinh ra từ vùng nông thôn nghèo khó, khi tròn 19 tuổi, ông Hoàng Ngọc Trà (SN 1955, trú tại thôn Vân Hải, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ, lên đường bảo vệ tổ quốc.
Trải qua nhiều trận chiến khốc liệt, đến năm 1978, ông xuất ngũ, trở về từ chiến trường biên giới Tây Nam với nhiều vết thương trên mình, hưởng chế độ thương binh 3/4.
Cũng trong năm ấy, ông cưới vợ nhưng chỉ có 2 bàn tay trắng để bắt đầu cuộc sống mới.
Với đức tính của người lính Cụ Hồ, ông không cam chịu số phận. Ông luôn đau đáu phải làm thế nào để có một cuộc sống tốt đẹp hơn ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Năm 1980, lúc ấy huyện Nghi Xuân có chủ trương di dân lên thôn 1 (xã Cổ Đạm) làm kinh tế mới. Gia đình ông Trà cùng 20 hộ dân của xã tiên phong khai phá vùng đất hoang. Thế nhưng lúc đó, mỗi người chỉ được 4 sào đất.
“Làm nông nghiệp mà đất ít như vậy thì sẽ rất khó khăn. Lúc đó, tôi bàn với một vài hộ khác lên khu vực vùng Chợ Sim cách thôn 1 khoảng 1km để khai hoang, sản xuất. Nhưng lúc đó khu vực này hết sức hoang vu nên không ai dám lên cả”, ông Trà nhớ lại.
Đến thời điểm hiện tại, đã gần 40 năm trôi qua nhưng trong ký ức, ông Trà vẫn chưa thể quên được những ngày đầu tiên lên khai hoang ở vùng Chợ Sim. Cả vùng đó hoang vu, lạnh lẽo đến rùng mình.
“Lúc đó khu vực này chỉ có cây cối, một vùng rộng lớn hoang vu. Vợ chồng tôi không biết phải bắt đầu từ đâu và sản xuất cái gì”, ông Trà nhớ lại.
Nhưng rồi với ý chí quyết tâm, kiên nhẫn hai vợ chồng ông cứ cần cù, tỉ mẩn lao động để thực hiện ước mơ làm giàu của mình.
Quả ngọt
Trong căn nhà nhỏ của vợ chồng ông là những tấm bằng khen, giấy khen từ Trung ương đến địa phương về những thành tích trong sản xuất, phát triển kinh tế.
Song để có được “quả ngọt” ấy là biết bao thăng trầm, nước mắt mà nếu ai không có lòng quyết tâm, ý chí thì sẽ không bao giờ vượt qua được.
“Đã làm kinh tế thì luôn có rủi ro. Năm 2008, tôi nuôi thả hơn 12 nghìn con ba ba, sắp đến kỳ thu hoạch thì bị lũ lụt, thất thoát hết, tính ra tiền là hơn 2 tỷ đồng. Thời điểm đó, gia đình tôi đã rơi vào cảnh trắng tay”, ông Trà chia sẻ.
Nhưng “thắng không kiêu, bại không nản”, hai vợ chồng ông càng đồng tâm, hiệp lực để vượt qua. Vợ chồng ông tiếp tục mày mò, đi tham quan các trang trại điển hình ở các tỉnh bạn để từ đó tìm hướng đi cho mình.
Sau gần 40 năm “ăn trong rừng, ngủ trong rừng”, cuối cùng thì ông trời cũng không phụ lòng vợ chồng ông.
Đến bây giờ, vợ chồng ông sở hữu trong tay 2ha cây ăn quả (vải thiều, hồng vuông, cam, chanh, bưởi…); 1,4 ha trồng cây cảnh chủ yếu là đào với hơn 800 gốc; 0,1ha đào ao nuôi cá; có 40 con trâu, trong đó có 14 con trâu cái sinh sản mỗi năm sinh từ 12 đến 14 con trâu con. Ngoài ra, gia đình còn nuôi lợn, gà.
Ngoài ra, ông nhận khoán gần 20 ha đất rừng trồng cây bạch đàn, cây keo và nhận bảo vệ 200ha rừng.
Từ năm 2013 đến nay, mỗi năm trang trại tổng hợp của gia đình ông cho thu nhập trên 400 triệu đồng sau khi đã trừ hết các chi phí và trở thành một mô hình điển hình của địa phương.
Với những cách làm sáng tạo, tiên phong trong sản xuất cũng như những kết quả đạt được, ông Trà đã nhận nhiều bằng khen, giấy khen từ Trung ương đến địa phương.
Cũng nhờ làm kinh tế giỏi, ông đã có tiền để chu cấp nuôi 6 người con ăn học (4 đại học, 2 cao đẳng) và có công ăn việc làm ổn định.
“Muốn làm cái gì trước hết mình phải vạch ra kế hoạch, quy hoạch cụ thể, rõ ràng, tìm nuôi con gì và trồng cây gì để có đầu ra ổn định và lâu dài. Và cái cốt lõi là phải có quyết tâm và kế hoạch rõ ràng thì thành công sẽ đến”, ông Trà chia sẻ.
Tác giả bài viết: Xuân Sinh
Nguồn tin: Dân trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn