Theo ghi nhận của PV Dân trí, trên 12km thân đê biển từ xã Thạch Kim kéo dài ra xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà), mưa lũ đã làm trôi dạt, dồn ứ các loại rác đang trong quá trình phân hủy.
Rác kết thành từng mảng lớn, dày đặc giữa bãi cát. Rác bị sóng biển đánh lên nằm ngổn ngang trên bờ kè, thân đê biển.
Rác bủa vây bãi biển huyện Lộc Hà sau lũ.
Có đủ các loại rác, từ cây cối gỗ mục cho đến quần áo cũ, túi ni lông, lưới cũ, mảnh xốp vỡ, vỏ nhuyễn thể, xác động vật… Nhiều loại rác đang trong quá trình phân hủy tạo thành một lớp mùn đen, bốc mùi khó chịu.
Ông Phan Huy Nam (SN 1967, xã Thạch Kim) cho biết, sau mỗi trận lũ, hiện tượng rác trôi ra, dạt vào bãi biển thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, với lượng rác như hiện tại thì quá nhiều so với những cơn lũ bình thường.
Nhiều đống rác đã phân hủy bốc mùi tra tấn người dân sống gần bãi biển.
“Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, khiến những người dân sống gần đây bị tra tấn bởi mùi hôi thối mà lượng rác nhiều đã gây khó khăn tại các bãi nuôi trồng thủy, hải sản”, ông Nam nói.
Ông Trần Đình Hưng, Chủ tịch UBND xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà) cho hay, sau mưa lũ, rác thải chủ yếu là bèo tây trôi dạt nhiều vào bờ biển địa phương. Ngoài ra, các loại rác thải sinh hoạt cũng bị cuốn theo khiến tình trạng ô nhiễm khá nặng.
“Chính quyền đã lên phương án thu gom rác thải, nhưng do thời tiết đang có mưa, nhiều loại rác thải trộn lẫn với đất cát, cần các phương tiện phù hợp để xử lý nên chúng tôi đang bố trí thời gian mới dọn sạch được”, ông Hưng nói.
Rác kéo dài hơn 12km theo tuyến đê biển từ xã Thạch Kim đến xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà).
Người dân đi nhặt các loại rác thải nhựa, ống lon để bán đồng nát.
Nhiều loại rác khó phân hủy đe dọa đến môi trường sống của sinh vật biển.
Hàng chục tấn rác bủa vây bãi biển sau lũ - 6Nhấn để phóng to ảnh
Mặc dù chính quyền địa phương đã huy động lực lượng dọn dẹp nhưng do mưa lớn, lượng rác quá nhiều nên phải mất nhiều thời gian mới xử lý được triệt để.
Tiến Hiệp
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/hang-chuc-tan-rac-bua-vay-bai-bien-sau-lu-20201112220405591.htm