Trường THCS Kỳ Long (Thị xã Kỳ Anh) nơi thầy N.H.P. được giao nhiệm vụ làm Tổng phụ trách Đội nhưng không được hưởng phụ cấp trách nhiệm.
Để đảm bảo tính cân đối về mặt số lượng giáo viên giữa các huyện trên địa bàn, nhiều năm qua, Hà Tĩnh đã triển khai điều động hàng trăm giáo viên từ các huyện có giáo viên dôi dư đến công tác biệt phái tại huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh - nơi thiếu giáo viên đứng lớp.
Năm học 2021 - 2022, huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh tiếp nhận 18 giáo viên bậc THCS từ các huyện Đức Thọ, Hương Sơn, Can Lộc, Thạch Hà, Hương Khê (thuộc các bộ môn Toán - Tin, Toán - Lý, Âm nhạc, Công nghệ) đến công tác.
Từ khi có chủ trương đến nay, ngoài chế độ tiền lương theo quy định, các giáo viên tham gia công tác biệt phái được hỗ trợ số tiền mỗi tháng bằng 01 lần lương cơ sở (tương đương 1.490.000 đồng - PV). Đến thời điểm hiện tại, huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh đã chi số tiền này cho 18 giáo viên huyện ngoài tham gia biệt phái tại đây. Trường nào sớm thì đã giải quyết đến tháng 5/2022, trường muộn thì mới đến tháng 3/2022.
Tuy nhiên gần đây, trước khi bàn giao công việc để nghỉ hè theo quy định, toàn bộ giáo viên huyện ngoài đi công tác biệt phái tại huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh đều nhận được thông báo truy thu số tiền hỗ trợ này kể từ tháng 1/2022.
Trao đổi với PV Infonet, một thầy giáo đi biệt phái tại huyện Kỳ Anh cho biết: “Vừa rồi tôi có nhận được thông báo đòi lại số tiền đã hỗ trợ 1.490.000 đồng/tháng trong thời gian 5 tháng, tương đương 7.500.000 đồng. Họ giải thích rằng, phần chi đó chỉ áp dụng đến hết năm 2021, sang năm 2022 thì cắt, các nhà trường chi sai nên bắt buộc phải thu lại. Sắp tới Hội đồng nhân dân tỉnh họp, nếu được thì sẽ trả lại cho giáo viên”.
“Tại sao Phòng Tài chính, Kho bạc, Phòng Giáo dục Kỳ Anh và các trường không nắm được quy định của Nghị quyết? Hỗ trợ cho chúng tôi rồi giờ đòi lại. Chúng tôi đã nghèo về vật chất, giờ lại còn bị làm tổn thương thêm về tinh thần”, người thầy bày tỏ sự bức xúc.
Theo thầy giáo này, việc huy động một lần số tiền 7.500.000 đồng để trả lại không phải là chuyện dễ, đặc biệt với giáo viên mới ra trường thì phải dùng cả tháng lương cũng không đủ trả. Thậm chí có một thầy giáo đi biệt phái không may bị tai nạn giao thông qua đời.
Lãnh đạo huyện Hương Khê gặp mặt và tặng quà cho 5 giáo viên đi công tác biệt phái tại huyện Kỳ Anh năm học 2021 – 2022.
Về vấn đề này, một Hiệu trưởng có giáo viên đến biệt phái cho biết: “Về nguyên tắc, mình chi sai thì phải thông cảm với giáo viên để thu hồi trả lại ngân sách cho nhà nước. Nếu sắp tới HĐND tỉnh họp, đồng ý duy trì hỗ trợ giáo viên biệt phái thì nhà trường sẽ thanh toán lại cho họ”.
“Nghị quyết 96/2018/NQ-HĐND tỉnh có từ năm 2018, do chủ quan nên trong quá trình chi hỗ trợ, kế toán cũng như Hiệu trưởng không nghĩ đến mốc thời gian được quy định trong đó. Hơn nữa khi đưa hồ sơ lên thì Kho bạc cũng cho duyệt nên không phát hiện ra, nếu Kho bạc kiểm soát chi mà ngăn lại thì không để xảy ra như vậy”, vị Hiệu trưởng phân trần.
Cũng theo vị Hiệu trưởng này, đây là đối tượng được ưu tiên nên khi có lương là nhà trường chuyển chế độ hỗ trợ ngay để động viên họ. Giá xăng dầu tăng cao, đi lại hàng trăm cây số, được hỗ trợ gần 1.500.000 đồng chẳng thấm vào đâu, giờ truy thu trường cũng rất áy náy.
Ngoài việc chạy đôn chạy đáo vay tiền hoàn trả cho nhà trường như các giáo viên khác, thầy giáo N.H.P. đi biệt phái tại Thị xã Kỳ Anh còn mang nhiều tâm sự khó giải toả. Sau khi vào nhận công tác, thầy P. được giao làm Tổng phụ trách Đội nhưng không có quyết định giao nhiệm vụ và không được nhận phụ cấp trách nhiệm. Hơn nữa, số tiền hỗ trợ xe buýt 400.000 đồng/tháng, đến nay thầy P. mới nhận được đến tháng 12/2021.
“Suốt một năm học, tôi “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” để đưa phong trào Đội đi vào nề nếp mà không có bất kỳ chế độ gì. Thế mà cuối năm, nhà trường còn yêu cầu thanh toán 400.000 đồng tiền điện thắp sáng tại phòng nội trú nơi tôi ở”, thầy P. tâm sự.
“Biết rằng chế độ biệt phái là được chi trả theo quy định, tuy nhiên chẳng nhẽ giáo viên biệt phái trước đây thì được hỗ trợ, còn chúng tôi đi biệt phái cách nhà 120km thì không được”, thầy P. buồn rầu nói.
Liên quan đến thông tin mà thầy P. phản ánh, ông Lê Xuân Lâm, Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Long (Thị xã Kỳ Anh) cho biết: “Tiền xe buýt hỗ trợ giáo viên biệt phái đợt 1 đã cấp đầy đủ rồi, còn đợt 2 thì trên chưa cấp về nên phải chờ, khi nào có thì sẽ chuyển cho giáo viên”.
“Trước đây trường có 1 giáo viên làm Tổng phụ trách Đội nên tính phụ cấp 0,1 kèm trong bảng lương, còn thầy P. là giáo viên biệt phái nên nhà trường không tính trong lương được. Phải có quyết định điều động ai đó làm Tổng phụ trách Đội thì Ủy ban mới cấp nguồn đó về”, ông Lâm lý giải.
Nói về việc cấp nguồn phụ cấp trách nhiệm cho giáo viên Tổng phụ trách Đội, một kế toán nhiều năm kinh nghiệm cho hay: “Theo quy định, đầu năm các nhà trường phải lập quỹ tiền lương (trong đó có hệ số lương và các loại phụ cấp) gửi Phòng Giáo dục và UBND huyện/thị, sau đó Phòng Tài chính sẽ dựa trên bảng lương để cấp kinh phí. Khi có sự thay đổi nhân sự thì kế toán trường phải lập báo cáo tăng/giảm để chuyển phụ cấp từ người cũ sang người mới”.
Trường THCS Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh) cùng rất nhiều trường học trên địa bàn phải truy thu tiền hỗ trợ đã phát cho giáo viên biệt phái.
Xét về hoàn cảnh giáo viên biệt phái, họ đã chấp nhận xa gia đình, vợ con, có người phải di chuyển hàng trăm cây số đến trường, khó khăn đủ bề, việc hỗ trợ họ ngoài chia sẻ một phần về chi phí đi lại thì đây còn là chủ trương mang ý nghĩa nhân văn nhằm động viên các thầy cô yên tâm công tác.
Link gốc: https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/doi-thuong/ha-tinh-hang-chuc-giao-vien-tai-mat-khi-bi-truy-thu-tien-ho-tro-biet-phai-412689.html