Một đống “vật liệu” rất lớn đã được tập kết về sân vận động.
Theo thông tin phản ánh, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã tìm về thôn Bắc Thượng, xã Thạch Đài. Tại hiện trường, phía Nam của sân vận động đã được nâng cấp thành sân bóng chuyền với diện tích san lấp khoảng 800m2. Vật liệu được đổ vào đây là rác thải từ các công trình xây dựng gồm gạch đá lẫn lộn, thậm chí có cả vải rách, cột biển đường...
Phía Bắc sân vận động, một đống “vật liệu” rất lớn đã được tập kết về đây. Có rất nhiều dây dợ, rễ cây, cành cây, gỗ vụn. Đặc biệt là chai, lọ nhựa, nắp đậy của cốc nhựa sử dụng một lần và bao bì nilon - loại chất liệu không bị phân hủy trong đất. Quan sát bằng mắt thường có thể thấy rằng đây là chất thải được thu gom từ một bãi rác nào đó trên địa bàn.
Một số chỗ bị trũng, nước từ đống chất thải này chảy ra tạo thành vũng, có màu đen quánh, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa đến cuộc sống người dân và mỹ quan làng xóm.
Ông Trần Xuân Q, 65 tuổi, một người dân sống gần sân vận động phản ánh: “Họ đổ vào đây không thiếu thứ gì từ mẻ chai, dây dợ cho đến rễ cây, cái gì cũng có cả”.
Rất nhiều dây dợ, rễ cây, cành cây, gỗ vụn. Đặc biệt là chai, lọ nhựa, nắp đậy của cốc nhựa sử dụng một lần và bao bì nilon - loại chất liệu không bị phân hủy trong đất.
Bà Hoàng Thị H. bức xúc: “Không hiểu tại sao lại chở rác thải về đổ tại sân vận động. Đây là loại chất thải sinh hoạt chưa qua xử lý nên bốc mùi hôi thối nồng nặc. Theo thời gian, loại này sẽ ngấm vào lòng đất, gây ô nhiễm nguồn nước, đe dọa trực tiếp đến đời sống của người dân chúng tôi. Yêu cầu cán bộ thôn cho vận chuyển ra khỏi địa bàn”.
Để tìm hiểu thực hư vụ việc, phóng viên đã đến gặp trưởng thôn Bắc Thượng, xã Thạch Đài. Chia sẻ với chúng tôi, ông Trương Quang Sơn cho biết: “Mặt bằng của sân rất thấp, cứ sau mỗi trận mưa là bị ngập, con em trong thôn không có chỗ chơi. Để nâng được sân thì rất tốn kém mà tiền thì không có, huy động người dân góp để mua đất biên hòa về đổ là không thể”.
“Kế hoạch của thôn là lấy loại đất xấu, gạch đá xây dựng thải loại về, rồi nhờ một số con em có máy múc đào hố đổ xuống xong lấy đất mặt lấp lên. Thời gian vừa qua do thời tiết không thuận lợi, trời mưa kéo dài nên máy chưa triển khai được. Một số bà con ban đầu chưa biết, tưởng dùng đất đó làm mặt sân nên không đồng tình”, ông Sơn nói thêm.
Một số chỗ bị trũng, nước từ đống chất thải này chảy ra tạo thành vũng, có màu đen quánh, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa đến cuộc sống nười dân và mỹ quan làng xóm.
Cũng theo ông Sơn, nguồn đất được chở về từ khắp nơi nên không kiểm soát được. Từ đất đào móng nhà, đất phong hóa, gạch đá thải từ các công trình xây dựng. Tóm lại là đất không ai sử dụng được nữa, đất đẹp thì người ta đem bán chứ họ đâu có cho mình.
Trao đổi về việc vô hình dùng sân vận động trở thành bãi chứa rác thải, gây ô nhiễm môi trường, ông Sơn cho biết: “Chúng tôi không còn cách nào khác, đành phải chấp nhận. Mới đầu nhìn cũng phản cảm, có thể ảnh hưởng mỹ quan nhưng sau khi lấp lên rồi thì không sao, không độc hại gì cả”.
Phía Nam của sân vận động đã được nâng cấp thành sân bóng chuyền với diện tích san lấp khoảng 800m2. Vật liệu được đổ vào đây là rác thải từ các công trình xây dựng gồm gạch đá lẫn lộn, thậm chí có cả vải rách, cột biển đường...
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Trương Quang Anh - Chủ tịch UBND xã Thạch Đài xác nhận: “Hôm trước tôi có nghe người dân phản ánh nên đã gọi điện cho trưởng thôn, họ giải thích là chỉ dùng để độn một lớp phía dưới, sau đó dùng cát phủ lên mặt trên để nâng cấp sân vận động. Việc này do các thôn tự chủ động chứ xã không có chủ trương”.
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương sớm có biện pháp để trả lại môi trường trong sạch cho người dân thôn Bắc Thượng, không vì cái lợi trước mắt mà "biến" sân bóng thôn thành bãi chứa rác bất đắc dĩ.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.