"Hạ nhiệt" giá xăng dầu, cách nào ?

Thứ năm - 28/10/2021 07:13
Việc giá xăng dầu tăng mạnh và tăng liên tục đang gây áp lực quá lớn lên đà phục hồi kinh tế

Ngày 27-10, đại diện Bộ Tài chính cho biết chi phí sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt sẽ có biến động sau khi giá xăng dầu tăng.

Người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn kép

Theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ chiều 26-10, giá xăng E5 RON 92 tăng lên mức 23.110 đồng/lít, xăng RON 95 lên 24.338 đồng/lít, là mức giá cao nhất trong vòng 7 năm qua.

Giá xăng dầu tăng mạnh tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), người dân. Theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, chi phí xăng dầu chiếm đến 40% giá cước vận tải hàng hóa. Phần lớn các DN vận tải đều ký hợp đồng với khách hàng cho cả năm nên khó thay đổi giá cước khi chưa kết thúc hợp đồng.

Trong khi đó, tài xế Lê Khắc Tiến đã vay ngân hàng mua ôtô chạy Grab gần 2 năm nhưng vẫn chưa thể trả được nợ. Gần nửa năm qua, xe nằm một chỗ do giãn cách xã hội, nay được chạy trở lại, ông Tiến chưa kịp mừng thì giá xăng liên tục tăng cao. Tương tự, ông Đoàn Văn Dũng chạy xe công nghệ giao hàng, tính toán mỗi ngày, ông mất thêm 20.000 đồng tiền xăng do tăng giá.
 
320211028004
Người dân đổ xăng tại một cây xăng trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, DN vận tải tuyến Hà Nội - Lào Cai, cho biết nay vừa tái khởi động một số lượng nhỏ xe thì giá xăng, dầu liên tục tăng cao. Lượng hành khách đang ít, trong khi đó các chi phí phòng chống dịch cao, thêm giá nhiên liệu tăng phi mã, DN vận tải khó cầm cự.

Còn theo ông Trần Hoàng Minh (ngụ quận 1, TP HCM), ôtô của gia đình trước đây đổ xăng đầy bình chỉ khoảng 700.000 đồng thì nay phải gần 1 triệu đồng. Ông đang cân nhắc chuyển qua đi xe máy cho đỡ tốn kém.

"Kinh nghiệm của tôi là hễ xăng tăng thì 10 ngày, nửa tháng vật giá cũng sẽ lên. Cứ tưởng hết giãn cách thì giá cả hàng hóa sẽ xuống nhưng không, hầu như cái gì cũng tăng từ đường, dầu ăn, nước giặt… mỗi món lên 5.000-10.000 đồng" - chị Nguyễn Thị Thúy (ngụ TP Thủ Đức, làm tóc tại quận 1) than thở.

Theo Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng từ 59,08% đến 76,03%, trong khi giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 40,23% đến 52,59%.

Quỹ Bình ổn giá đã chi liên tục với mức chi từ 100- 2.000 đồng/lít. Kỳ điều hành ngày 26-10, nếu không thực hiện tăng chi Quỹ Bình ổn giá đối với xăng E5RON92 và xăng RON95, giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 1.859- 2.527 đồng/lít. Tuy nhiên, Quỹ Bình ổn giá đang dần "đuối sức", không thể liên tục "xả" để kiềm chế giá xăng xầu. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 26-10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết liên Bộ Tài chính - Công Thương đã phải liên tục chi từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với mức chi hơn 9.000 tỉ đồng. Trong khi đó, các DN xăng dầu như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đến trước thời điểm 16 giờ ngày 26-10 đã âm 262 tỉ đồng, Tổng Công ty dầu Việt Nam (PVOil) cũng âm gần 700 tỉ đồng.

Sử dụng công cụ thuế

Bên hành lang Quốc hội ngày 27-10, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhận định giá xăng dầu tăng cao như hiện nay sẽ đẩy các mặt hàng khác tăng giá, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phục hồi kinh tế. Do đó, nhà nước có thể can thiệp về thuế, phí trong cơ cấu giá như duy trì thuế nhập khẩu hay thuế về môi trường ở mức hợp lý. Bộ Công Thương cần phát huy vai trò đánh giá được mức độ thay đổi của thế giới và nguồn cung trong nước, từ đó có thể dự báo được giá xăng dầu trong tương lai. Ngoài ra, Bộ Tài chính là đơn vị đề xuất các chính sách về thuế, phí như thế nào để "hạ nhiệt" giá xăng dầu.

Vậy Việt Nam có nên tăng khai thác trong nước hay không? Ông Cường cho rằng vào thời điểm giá quá thấp thì khai thác vừa phải để duy trì công suất, bù đắp được chi phí vận hành nhưng thời điểm giá tăng cao thì không nên hạn chế mức khai thác. Tuy nhiên, không phải vì thế mà tăng công suất một cách quá mức vì điều này chưa chắc hiệu quả cao, tăng chi phí không cần thiết, tạo ra sự cạn kiệt nguồn tài nguyên không bền vững.

Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên Cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), lưu ý ngoài công cụ quỹ Quỹ Bình ổn giá, cần xem xét giảm thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu, trong đó có thuế bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc giảm thuế này sẽ gây áp lực lên nguồn thu ngân sách. Mặt khác, để giảm thuế cần trình cấp có thẩm quyền xem xét nên không thể quyết trong ngắn hạn.

Để "hạ nhiệt" giá xăng dầu, đại diện Bộ Công Thương cho hay đã kiến nghị một số biện pháp, trong đó đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét, cân nhắc giảm các loại thuế, phí của mặt hàng xăng dầu, khi cơ cấu thuế đang chiếm hơn 40% giá thành xăng dầu.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay các dự báo đều cho rằng giá xăng dầu trên thế giới sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm, do đó phải có dư địa để điều chỉnh. Theo đại diện Bộ Tài chính, các cơ quan có thẩm quyền sẽ bám sát diễn biến, tính toán và kiến nghị chính sách báo cáo cấp có thẩm quyền để giảm tối đa tác động tiêu cực tới quá trình phục hồi kinh tế, hoạt động sản xuất của DN và đời sống của người dân.

Giá dầu trên đà tăng không phanh

Tập đoàn Tài chính toàn cầu Goldman Sachs (Mỹ) dự báo giá dầu Brent sẽ lên đến 110 USD/thùng vào năm tới, tăng 30% so với mức hiện tại khoảng 85 USD/thùng.

Giá dầu Brent hôm 27-10 có lúc giảm 1,3% xuống 85,27 USD/thùng sau khi đóng cửa ở mức cao nhất trong 7 năm vào phiên hôm 26-10. Theo hãng tin Reuters, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 1,7% xuống 83,21 USD/thùng sau khi tăng 1,1% ở phiên trước đó.

Ông Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu cấp cao của Công ty Kinh doanh và Nghiên cứu năng lượng độc lập Rystad Energy (Na Uy), nhận định cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn chưa thể lắng xuống, xu hướng giá tăng trên thị trường dầu vẫn chiếm ưu thế trong tháng 11 và 12 năm nay do nguồn cung không tăng kịp nhu cầu và do Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Các nước Sản xuất dầu liên minh (OPEC+) không tăng sản lượng mạnh hơn. Thị trường than đá và điện tại Trung Quốc đã hạ nhiệt phần nào sau khi chính phủ can thiệp hỗ trợ nhưng giá năng lượng vẫn tăng trên thế giới do nhiệt độ giảm trong mùa đông sắp tới.

X.Mai
MINH CHIẾN - NGUYỄN HẢI - NGỌC ÁNH
Theo nld.com.vn
 
Link gốc: https://nld.com.vn/kinh-te/ha-nhiet-gia-xang-dau-cach-nao--20211027215109299.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây