Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Tĩnh Trần Việt Hà trả lời tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XVIII. Ảnh: Tr. Hoa
Chiều 14/7, kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII các đại biểu tập trung vào các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn.
Theo đó, có 41 ý kiến, kiến nghị trên 5 lĩnh vực gửi đến kỳ họp, gồm: kinh tế, nông nghiệp nông thôn, đô thị (9 ý kiến, kiến nghị); tài nguyên và môi trường (8 ý kiến, kiến nghị); đầu tư, giao thông, xây dựng và các chương trình, dự án (5 ý kiến, kiến nghị); văn hóa, xã hội (11 ý kiến, kiến nghị) và các lĩnh vực khác (8 ý kiến, kiến nghị) đã được cử tri gửi tới UBND tỉnh để giải quyết.
Mở đầu là phần trả lời chất vấn của ông Trần Việt Hà, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Tĩnh về các nội dung: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; công tác thu hồi, xử lý đối với các dự án triển khai chậm hoặc không triển khai; việc triển khai chủ trương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược; giải pháp đảm bảo đời sống sản xuất đối với người dân 6 xã ảnh hưởng bởi dự án mỏ sắt Thạch Khê.
Trong đó, ông Trần Việt Hà nhấn mạnh về nội dung dẫn đến 6 tháng đầu năm 2022 Hà Tĩnh chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, nhất là phần vốn ngân sách tỉnh quản lý.
Người đứng đầu Sở KH&ĐT cho biết: Giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm của Hà Tĩnh đạt hơn 2.600 tỷ đồng, bằng 32,6% kế hoạch. Tuy đạt tỷ lệ cao so với bình quân chung của cả nước (gần 28%) nhưng nhìn chung vẫn chưa đạt yêu cầu, còn nhiều nhóm nguồn vốn và dự án triển khai chậm, giải ngân thấp.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân chậm, ông Trần Việt Hà đã chỉ rõ một số nội dung: Về nguyên nhân khách quan sau khi dự án được bố trí kế hoạch vốn hàng năm thì mới bắt đầu triển khai được công tác lựa chọn nhà thầu, tư vấn lập thiết kế thi công dự toán theo quy định hướng dẫn đến những tháng đầu năm chưa có khối lượng hoàn thành để thanh toán.
Cụ thể, đầu năm 2022 tỉnh bố trí vốn khởi công mới là 54 dự án trong tổng số 105 dự án. Đối với các dự án ODA ngoài việc thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật trong nước còn phải xin ý kiến của các nhà tài trợ về nhiều nội dung theo cam kết dẫn đến mất nhiều thời gian, nhiều công đoạn.
Ngoài ra, các tháng đầu năm tình hình thời tiết có mưa nhiều, giá vật tư, vật liệu, nhiên liệu tăng cao, dịch Covid – 19 bùng phát sau Tết Nguyên Đán ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công của các dự án.
Về nguyên nhân chủ quan: Các chế tài kỷ cương trong xây dựng đầu tư chưa thực hiện một cách nghiêm túc, chỉ đạo tham mưu, phân bổ vốn chưa đánh giá đầy đủ tính chất của các dự án; Một số địa phương, đơn vị chưa quyết liệt; vai trò trách nhiệm của người đứng đầu chưa cao; công tác phối hợp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc chưa tốt; năng lực, trình độ của một số ban quản lý dự án còn hạn chế, chưa từng xuyên đôn đốc các nhà thầu triển khai thi công, hoàn thiện các thủ tục để thanh quyết toán.
Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ, quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều bất cập; kiểm đếm, áp giá, đền bù còn nhiều khó khăn; hồ sơ lưu trữ về đất đai chưa đảm bảo, một số địa phương đơn vị chưa tập trung cao độ trong công tác giải phóng mặt bằng, nhân lực bố trí còn mỏng, nguồn vốn hạn hẹp; quy trình bồi thường, tái định cư còn nhiều bước nhưng tổ chức thực hiện còn lúng túng, thiếu cương quyết…
Tại phiên chất vấn, ông Trần Việt Hà cũng đưa ra các giải pháp trong thời gian tới. Thứ nhất, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai kế hoạch đầu tư công, thực hiện nghiêm khắc các chế tài kỷ luật đối với các đơn vị chủ đầu tư chậm tiến độ, vi phạm nhiều lần. Kiên quyết cắt giảm điều chuyển kế hoạch vốn và không giao kế hoạch vốn, nhiệm vụ cho chủ đầu tư và nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, lấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công là tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ.
Thứ hai, tập trung chỉ đạo hoàn thành thủ tục đầu tư, đấu thầu. Yêu cầu các công trình đến ngày 30/9/2022 phải hoàn thành công tác đấu thầu và khởi công. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc lập rõ tiến độ cho từng dự án và yêu cầu các đơn vị phải có bản cam kết về tiến độ đối với từng dự án để làm cơ sở kiểm tra, giám sát, quản lý.
Thứ ba, huy động cả hệ thống chính trị thực hiện nhanh và kịp thời các công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án lớn, trọng điểm. Tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, chỉ đạo xử lý cương quyết, cưỡng chế và bảo vệ thi công đối với các trường hợp không chấp hành.
Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII diễn ra trong 2 ngày 14-15/7.
Link gốc: https://nhadautu.vn/giai-ngan-dau-tu-cong-o-ha-tinh-dat-ty-le-thap-d67850.html?fbclid=IwAR2_vSb0RK0I2J5Ez3A7ieSCJNqdu6gh09o39a0fw_fOcKATxEL46X6ZC-U