Bức anh dự lễ tuyên dương Anh hùng vào năm 1972 được ông cất giữ cẩn thận. Ảnh: http://baohatinh.vn
|
Ông Nguyễn Tri Ân, sinh năm 1945 tại xã Sơn Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) - mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Lớn lên, chứng kiến cảnh giặc Mỹ ném bom tàn phá quê hương, khi vừa tròn 20 tuổi, Nguyễn Tri Ân đầu quân vào Tổng đội thanh niên xung phong thuộc Ty giao thông Hà Tĩnh với nhiệm vụ bốc vác gạo ở Hương Khê rồi làm đường giao thông tại Cẩm Xuyên.
Cuối năm 1967, Nguyễn Tri Ân được điều về đóng quân tại phía nam Ngã ba Đồng Lộc, phụ trách đoạn đường từ Khe Út đến ngã ba Khe Giao (thuộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).
Đồng Lộc những năm 1968 được coi là “tuyến lửa” ác liệt của cả nước khi chỉ trong vòng 6 tháng, giặc Mỹ đánh vào Ngã ba Đồng Lộc 1.863 lần, ném gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể rốc két và đạn 20 mm. Bình quân mỗi tháng, chúng đánh 28 ngày, ngày đánh nhiều nhất 103 lần bay, với trên 800 quả bom các loại. Suốt ngày đêm không lúc nào Đồng Lộc ngớt tiếng bom đạn. Đất đá bị đào đi xới lại nhiều lần, hố bom chồng chất hố bom.
Cùng một lúc chúng ném các loại bom đào, bom phá, bom bi, bom nổ chậm, bom từ trường…xuống nơi đây. Ban ngày, chúng tập trung đánh chặn các lối ra vào. Ban đêm, chúng thả pháo sáng, ném bom bi, bắn đạn rốc két, đạn 20 mm nhằm vào lực lượng ứng cứu giao thông của ta. Kẻ thù muốn biến Ngã ba Đồng Lộc thành điểm chết, hoang tàn không cho người và xe qua lại.
Trước tình hình đó, không còn lựa chọn nào khác là phải giữ huyết mạch giao thông tuyến 15A (Lạc Thiện - Khe Giao) thông suốt, Tổng đội thanh niên xung phong đã cử mỗi đại đội 3 người thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn. Nguyễn Tri Ân là một trong 3 đồng chí được lựa chọn thực hiện nhiệm vụ này.
Ông Nguyễn Tri Ân kể: “Bom ném ở đâu, lực lượng thanh niên xung phong chúng tôi có mặt ngay ở đó để san, lấp, mở đường cho xe chi viện của miền Bắc ra tiền tuyến miền Nam. Thời điểm đó, những người lính phá bom như chúng tôi không hề suy nghĩ đến sự sống - cái chết mà chỉ có một nhiệm vụ thường trực trong đầu là gỡ được nhiều quả bom để đảm bảo mạch nối giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam”.
Thời điểm đó, phương tiện kỹ thuật còn rất thô sơ nên công việc phá bom đòi hỏi sự cẩn trọng, nhanh chóng cũng như khéo léo của từng cá nhân. Chính trong khó khăn, Nguyễn Tri Ân đã có sáng kiến “hầm di động” để không bị kẻ thù phát hiện khi rà phá bom và đảm bảo an toàn tính mạng trong quá trình bom phát nổ.
Ông Ân cho biết: Hầm di động đơn giản chỉ là tấm ván kèm theo mấy thanh gỗ ghép lại để người phá bom có nơi ẩn nấp trong quá trình bom phát nổ. Nhờ đó, quá trình phá bom nhanh hơn, bớt nguy hiểm hơn. Trước đó, khi phá một quả bom, ngoài việc rà tìm kíp nổ, thanh niên xung phong phải đào hầm ngay giữa bãi bom để làm nơi trú ẩn.
Phá bom được coi là nhiệm vụ hết sức nguy hiểm khi chỉ cần sơ ý có thể đối mặt với cái chết bất cứ lúc nào. Khó khăn nhất là việc phân biệt từng loại bom với từng tính năng của nó để phá hủy, người lính phá bom phải bình tĩnh, sáng suốt mới hoàn thành nhiệm vụ...
Suốt 300 ngày đêm bám trụ ở đoạn đường Khe Út-Khe Giao, ông Nguyễn Tri Ân đã vượt qua 293 trận bom của địch, bị vùi 15 lần nhưng ông vẫn tiến lên cắm tiêu rà phá bom. Dù bom loại gì, rơi ở đâu ông đều phá được với thời gian nhanh nhất. Tổng cộng ông đã phá được 545 quả bom các loại trên chiến trường Đồng Lộc.
Ghi nhận những đóng góp của ông cùng với các lực lượng làm nhiệm vụ nối liền huyết mạch giao thông ra tiền tuyến, năm 1972, ông Nguyễn Tri Ân vinh dự và tự hào được tuyên dương Anh hùng Lao động. Giờ đây, khi tuổi đã cao, những vết thương một thời bom đạn vẫn còn hành hạ mỗi khi trái gió trở trời nhưng ông vẫn tích cực tham gia các cuộc gặp mặt, trò chuyện để tiếp lửa cho thế hệ trẻ trong hành trình xây dựng quê hương.