"Gã khùng" nhặt rác thành Giám đốc thu gom, xử lý rác

Thứ bảy - 08/06/2024 07:22
Trước khi trở thành doanh nhân, nhiều người dân phố núi Tây Sơn gọi ông Thành là “gã khùng”, bởi người đàn ông này bắt đầu lập nghiệp bằng nghề nhặt rác ven sông,...
Gã “khùng” không chịu từ bỏ

Thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đang từng ngày khoác lên mình gam màu mới của khu đô thị đúng nghĩa, các khu nhà vườn, nhà cao tầng khang trang sáng sủa hơn sau những ngày chuyển mình khó nhọc.

Tây Sơn một thời vang bóng bởi sự tác động mạnh mẽ của Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo sầm uất hàng hoá. Giờ đây, những chiếc xe sang và đám cưới triệu đô đã chìm vào dĩ vãng. Thay vào đó, mảnh đất phía Tây Bắc Hà Tĩnh đã cho thấy sự văn minh, xanh, sạch, đẹp…

Hiện tại, rất khó để bắt gặp những bãi rác ô nhiễm nơi cửa chợ ở khu đô thị này. Các ngõ phố cũng bắt đầu cho thấy vóc dáng của một đô thị văn minh xanh - sạch - đẹp. Một trong những con người âm thầm nhưng có công rất lớn trong sự đổi thay này là ông Nguyễn Chí Thành, 65 tuổi, trú tại thị trấn Tây Sơn.

Năm 2005, sau khi xuất ngũ, ông trở về quê hương để lập nghiệp. Thấy tình trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương đáng báo động, ông Thành đã tiên phong thành lập tổ vệ sinh môi trường với số thành viên 3 người. Những người trong tổ có nhiệm vụ thu gom rác, tập kết ở một địa điểm phù hợp để xử lý. Nhiều người dân nơi đây thường gọi ông là gã “khùng” bởi ông “khởi nghiệp” bằng nghề không ai muốn. Bỏ ngoài tai những lời dị nghị ông vẫn kiên trì thực hiện với mong muốn địa phương ngày sẽ văn minh và sạch sẽ hơn. Đối với ông nghề nào cũng tốt, cũng đáng trân trọng.
 
D2024060808 1
Ông Nguyễn Chí Thành - Giám đốc HTX vệ sinh môi trường thị trấn Tây Sơn luôn tận tâm và nhiệt huyết với nghề.

Tuy nhiên, thời điểm này, kinh tế nơi đây còn khó khăn, nhiều gia đình còn thiếu cái ăn, cái mặc nên ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao nên tổ vệ sinh thành lập được thời gian thì tan rã.

Không từ bỏ mong muốn xây dựng địa phương xanh – sạch- đẹp, ông Thành vẫn kiên trì thực hiện kế hoạch của mình. Thời điểm đó ở Tây Sơn nói riêng và huyện Hương Sơn nói chung, chưa có doanh nghiệp chuyên về thu gom và xử lý rác thải. Chính vì vậy, năm 2009, ông Thành quyết định thành lập doanh nghiệp tư nhân về thu gom xử lý rác thải. Doanh nghiệp của ông là một trong những doanh nghiệp đầu tiên làm về môi trường. Tuy nhiên, vì thiếu kinh nghiệm, bất cập từ nguồn vốn và phản ứng gay gắt của người dân đã khiến doanh nghiệp phải dừng hoạt động. Không những thế, lần “khởi nghiệp” này còn khiến gia đình ông gánh thêm khoản nợ khổng lồ. Người đàn ông này phải tự mình kéo từng xe rác để kiếm tiền trả lương nhân viên.

Nhưng không vì vậy mà nản chí, năm 2011, ông Thành thành lập hợp tác xã môi trường, sau này là HTX dịch vụ vệ sinh môi trường Tây Sơn. “Năm 2011, sau khi có chủ trương chuyển đổi, được sự quan tâm từ các cấp chính quyền, các chế độ về hỗ trợ và cung cấp được đến tay hợp tác xã. Ngày đó kinh phí hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách nên như thế đã là quá tốt”, ông Thành chia sẻ

Năm 2020, dịch Covid - 19 ập đến, HTX lao đao, “gã khùng” rơi vào bế tắc trong việc chi trả lương cho nhân công. Khác với những lần trước, lần này cái giá người đàn ông này phải trả đắt hơn nhiều. Căn nhà mà gia đình đang sinh sống phải đưa đi cầm cố. Song, sự quyết tâm và vượt qua mọi khó khăn khiến người đàn ông ấy “bám trụ”, tiếp tục điều hành hợp tác xã cho đến bây giờ.

Kể về niềm an ủi lớn nhất trong những năm quyết tâm bám nghề, ông Thành xúc động nhắc đến sự hy sinh của vợ và con trai. Từ những ngày đầu, ông luôn nhận được sự ủng hộ và chia sẻ của vợ. Dù chịu nhiều thiệt thòi, bị gọi là “vợ gã khùng” nhưng người phụ nữ ấy vẫn ở bên động viên. Năm 2012, người con trai cũng theo cha trực tiếp làm việc tại khu tập kết rác. Nhưng không may mắn người con trại này hiện tại mắc bệnh u lưỡi.

Trái với sự ủng hộ từ gia đình, công tác vận động người dân hợp tác lại vô cùng gian nan. Điều khó khăn nhất đối với ông lúc này là sự đồng tình của người dân trong việc thu phí xử lý rác. Bởi không phải ai cũng đồng ý và hợp tác trong việc thu gom rác thải. Không chịu từ bỏ, cầm những văn bản, tờ trình, giấy tờ lại trên tay người đàn ông này tìm đến chính quyền xã, huyện, tỉnh để xin hỗ trợ, tìm kiếm sự giúp đỡ. Ông Thành luôn trăn trở trong việc làm thế nào để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rác thải ảnh hưởng đến môi trường.

“Không chỉ người dân, nhiều nhân viên của ông mặc cảm, tự ti do số đông có cách nhìn lệch lạc, kỳ thị với tên gọi nhân viên vệ sinh môi trường. Chính vì thế, tôi luôn bên cạnh động viên, chia sẻ và giúp đỡ họ khi gặp khó khăn. Họ là những người gắn bó đồng hành với mình. Vì vậy việc đảm bảo đời sống tinh thần và vật chất cho họ là cần thiết, công việc mới thuận lợi được”, ông Thành tâm sự.

Trái ngọt đến từ sự nỗ lực

Để thay đổi nhận thức, tạo sự đồng thuận chung của người dân, ông Thành và nhân viên đến từng nhà thu gom rác, vừa tuyên truyền, vừa vận động. Sau thời gian dài kiên trì với những hành động thiết thực, tên gọi “gã khùng” dần đi vào quên lãng. Thay vào đó là sự ghi nhận, ủng hộ và hợp tác của người dân đối với những đóng góp của ông.   

Được sự ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình từ chính quyền và nhân dân, ông ngày càng đẩy mạnh phát triển mô hình HTX.  Đến nay, HTX tạo công ăn việc làm ổn định cho 12 người lao động. Trong số đó, có không ít các hoàn cảnh khó khăn.  
 
D2024060808 2
Với sự nỗ lực, ông Thành đã nhận được nhiều bằng khen từ huyện, tỉnh về công tác sản xuất kinh doanh và làm kinh tế giỏi.

Đến nay, mô hình hợp tác xã ngày càng ổn định và đi vào quỹ đạo. Môi trường ở thị trấn ngày càng sạch sẽ, văn minh. Không dừng lại ở đó, với kinh nghiệm của bản thân, ông Thành không ngần ngại chia sẻ về quy trình và cách thức hoạt động với các địa phương xung quanh.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Thành vẫn rất tâm huyết và đam mê với nghề. Ông mong muốn sẽ có một nhà máy xử lý rác thải khoa học, chất lượng để phục vụ công việc trong thời gian tới. Để làm được điều đó, ông Thành đã không ngừng cải tiến trang thiết bị, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để rác thải được xử lý đúng và an toàn. Ngoài ra, hệ thống giếng nước, đèn và camera cũng được ông đầu tư để phòng tránh kẻ xấu đốt rác bừa bãi, gây ảnh hưởng tới đời sống và sức khỏe người dân. Với sự nỗ lực, ông Thành đã nhận được nhiều bằng khen từ huyện, tỉnh về công tác sản xuất kinh doanh và làm kinh tế giỏi.

Ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch UBND thị trấn Tây Sơn cho biết: “Ông Thành là người tâm huyết với nghề. Mặc dù có nhiều khó khăn, thử thách nhưng ông vẫn kiên trì thực hiện kế hoạch của mình. Ông có đóng góp rất lớn trong việc bảo vệ môi trường xanh-sạch- đẹp. Trong quá trình triển khai, chính quyền địa phương và hợp tác xã có sự hợp tác chặt chẽ với nhau. Phía chính quyền địa phương đã có những hoạt động hỗ trợ ông trong quá trình thu gom, đề xuất sửa và nâng cấp bãi rác thường xuyên để đảm bảo môi trường xung quanh”.

Ngọc Ánh
Nguồn Người đưa tin

Link gốc: https://www.nguoiduatin.vn/ga-khung-nhat-rac-thanh-giam-doc-thu-gom-xu-ly-rac-a666987.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây