F0 tăng dù đã tiêm vắc-xin, vì sao?

Thứ ba - 23/11/2021 14:16
Nhiều địa phương có ca nhiễm trong cộng đồng gia tăng, trong đó tỉ lệ người đã tiêm vắc-xin khá cao. Ngành y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không được chủ quan

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 8-5 đến nay, tỉnh này ghi nhận hơn 6.800 ca mắc Covid-19, trong đó có 36 ca tử vong. Trong 14 ngày qua, toàn tỉnh có hơn 1.800 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.400 ca trong cộng đồng, chiếm 77,4%. Tỉ lệ ca mắc trong cộng đồng tăng lên 84,7% trong 7 ngày qua và 86,8% trong 3 ngày gần đây nhất.

Trong số người mắc Covid-19, 80% đã tiêm vắc-xin

Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk nhận định tình hình dịch trên địa bàn đang rất phức tạp. Các chùm ca bệnh trong cộng đồng đều không rõ nguồn lây. Việc truy vết gặp khó khăn do lượng người tiếp xúc nhau rất đông. Bên cạnh đó, các chùm ca bệnh tại các buôn đồng bào dân tộc thiểu số vẫn xuất hiện liên tục...

Điều đáng lo ngại là thời gian gần đây, F0 tăng ở mức rất cao, dù đã tiêm vắc-xin. Đến ngày 19-11, tỉ lệ người trên 18 tuổi ở Đắk Lắk tiêm vắc-xin mũi 1 đạt 89,11%, mũi 2 là 11,23%. Trong khi đó, tỉ lệ người mắc Covid-19 đã tiêm vắc-xin mũi 1 và mũi 2 chiếm đến 80% trường hợp nhập viện điều trị.

Bác sĩ Trần Thuận, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Búk, cho biết 95% dân số trên 18 tuổi của huyện đã tiêm mũi 1; dự kiến đến hết tháng 11, tỉ lệ tiêm mũi 2 đạt 80% dân số. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp do ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, nhiều người chủ quan, lơ là.

Tại một số buôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số, dù phát hiện nguồn lây, truy vết sớm nhưng số ca mắc vẫn cao. Thậm chí, có những buôn phát hiện hơn 1/3 người dân mắc Covid-19. Điều này chứng tỏ người dân không tuân thủ quy định 5K trong phòng chống dịch, dẫn đến nguy cơ tái nhiễm bệnh sau khi tiêm vắc-xin.

Còn theo bác sĩ Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, người tiêm vắc-xin rồi nhưng vẫn mắc bệnh cao một phần do chỉ mới tiêm mũi 1 chưa đủ 14 ngày. Tuy nhiên, qua khảo sát tại tỉnh, người đã tiêm 2 mũi vắc-xin cũng mắc bệnh khá cao, trong đó có cả các trường hợp chuyển biến nặng. "Vì người dân nghĩ tiêm vắc-xin rồi sẽ không mắc Covid-19 dẫn đến chủ quan, khiến dịch lây lan trong cộng đồng. Chúng tôi đề nghị cần tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng chống dịch Covid-19" - ông Nay Phi La nhấn mạnh.
 
20211123012
Tổ chức tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đắk LắkẢnh: CAO NGUYÊN

Không được chủ quan

Không riêng tỉnh Đắk Lắk, tỉ lệ F0 là người đã tiêm vắc-xin cũng có chiều hướng tăng tại nhiều địa phương.

Đến nay, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 1.983 ca mắc Covid-19. Riêng trong sáng 22-11, tỉnh này ghi nhận 88 ca mắc. Ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, thông tin hầu hết trường hợp mắc mới trên địa bàn tỉnh trong những ngày gần đây đều xuất phát từ những người ngoài tỉnh đến địa phương, trong đó nhiều ca F0 chưa rõ nguồn lây. Đáng lo ngại là trong số những người cho kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, có hơn 40,3% đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.

Lý giải về việc mặc dù nhiều người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin nhưng số ca mắc Covid-19 vẫn tăng, ông Nguyễn Đức Thuận khẳng định nguyên nhân chủ yếu là do những người từ địa phương khác tới chưa tuân thủ tốt 5K; không thực hiện xét nghiệm, cách ly y tế theo quy định, đi nhiều nơi rồi mới khai báo y tế… Để hạn chế tình trạng này, Sở Y tế kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng triển khai chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền... để người dân nâng cao ý thức, nghiêm chỉnh thực hiện các quy định về phòng chống dịch.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Thuận, cùng với yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức xét nghiệm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động 3 ngày/lần, UBND tỉnh vẫn yêu cầu thực hiện nghiêm quy định tại Văn bản số 8.403/UBND-VX3, ban hành ngày 18-11, đó là chỉ cho phép vào tỉnh đối với người có chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ).

Theo các chuyên gia y tế, người dân vẫn có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc-xin nên tuyệt đối không được chủ quan. PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - cảnh báo người đã tiêm đủ liều vắc-xin vẫn có thể bị nhiễm, tức là người mang virus nhưng không triệu chứng hoặc nhẹ. Đây là nguồn lây cho người khác, trong đó có trẻ em là đối tượng chưa được tiêm vắc-xin hoặc người chưa tiêm đủ liều vắc-xin. Do đó, kể cả khi đã tiêm vắc-xin, người dân vẫn phải tuân thủ các biện pháp dự phòng khác. Đặc biệt là sử dụng khẩu trang, không tụ tập đông người và giữ khoảng cách.

Cho phép điều trị F0 tại nhà, nơi làm việc

Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk dự báo trong thời gian tới, với số ca mắc mới trung bình 1 ngày từ 130-170 trường hợp, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đạt đỉnh vào cuối tháng 11 và nửa đầu tháng 12, tổng số ca mắc tích lũy có thể đạt 8.000 - 10.000 ca.

Trước tình hình trên, ngày 21-11, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch, cho phép thí điểm quản lý và chăm sóc sức khỏe F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng bệnh nhẹ tại nhà, nhằm giảm tải việc nhập viện điều trị. UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh lựa chọn một số địa phương có đủ điều kiện thực hiện thí điểm.

Ngày 22-11, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời quản lý, điều trị F0 tại nhà, nơi làm việc, áp dụng từ ngày 25-11. Đối tượng áp dụng là F0 có triệu chứng nhẹ, đã tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin sau 14 ngày hoặc là trẻ em trên 1 tuổi, người lớn dưới 50 tuổi, không có bệnh nền hoặc có nhưng đã được điều trị ổn định, không mang thai.

C.Nguyên - B.Ngọc

CAO NGUYÊN - ĐÌNH THI - NGỌC DUNG
Theo nld.com.vn

Link gốc: https://nld.com.vn/thoi-su/f0-tang-du-da-tiem-vac-xin-vi-sao-20211122221924854.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây