Vừa làm vừa cách ly tại chỗ
Do đã tiếp xúc F0, chị Võ Thị Hồng (công nhân Cty CP In số 7 KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM) chủ động tự cách ly, theo dõi sức khỏe và luôn giữ khoảng cách với mọi người trong khi làm việc.
“Đã hơn 5 ngày từ khi tiếp xúc ca mắc COVID-19, tôi xin vào Cty ở lại để hạn chế tiếp xúc với người xung quanh nhưng vẫn đảm bảo công việc. Sau thời gian test lại, thấy vẫn âm tính, tôi mới yên tâm trở về gia đình”, chị Hồng nói.
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Đào tạo và phát triển nhân lực Việt Nam nhận xét, các F0, F1 có sức khỏe ổn định đi làm là hoàn toàn khả thi. Việc tạo điều kiện F0, F1 đi làm cũng giúp NLĐ được chọn lựa cơ hội làm việc, giữ tinh thần thoải mái, bớt sự mặc cảm; giúp DN có nguồn lao động ổn định sản xuất. |
Từ lâu, Cty CP In số 7 vẫn cho công nhân là F1 làm việc trực tiếp với điều kiện tuân thủ các điều kiện phòng dịch. Ông Trương Hoàng Tâm, Chủ tịch Công đoàn cho biết, Cty bố trí khu vực dành riêng cho F0, F1 để người lao động (NLĐ) ở lại ngay trong DN.
“Nhiều công nhân là F0, F1 lo ngại về nhà trọ sẽ lây cho người thân, do đó Công đoàn và Đoàn Thanh niên Cty đề xuất thực hiện chương trình cách ly tại DN”.
Nơi điều trị cho F0, cách ly F1 được trang bị đầy đủ giường, chiếu, mền, quạt, máy nước nóng lạnh, dung dịch rửa tay, xà phòng diệt khuẩn, máy đo SpO2, máy đo thân nhiệt, thuốc điều trị…. NLĐ là F0 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng nếu có nhu cầu cách ly sẽ được bố trí tại Cty. Cty còn ký hợp đồng với một phòng khám đa khoa quốc tế để thăm khám và tư vấn cho người lao động.
Đơn vị này vẫn duy trì xét nghiệm nhanh sàng lọc mỗi tuần để phát hiện sớm các ca mắc COVID-19 nhằm hạn chế thấp nhất dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Cty còn bố trí máy khử khuẩn trước Cty, NLĐ chấp hành 5K, khi có các triệu chứng nghi ngờ nên đến phòng y tế Cty để thăm khám ngay.
Theo Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm, gần như tất cả DN tại TPHCM, tỷ lệ tiêm vắc xin đạt trên 85%. Do đó, hầu hết NLĐ là F1 trên địa bàn đã có thể đi làm ngay. Tất nhiên, các đối tượng phải tuân thủ nghiêm quy tắc 5K, đặc biệt là khẩu trang, khử khuẩn. Tính đến thời điểm hiện tại, người lao động là F0 trên địa bàn vẫn cần tuân thủ tuyệt đối quy định của Bộ Y tế về việc cách ly từ 7 đến 14 ngày. |
Cty 3D Hub Global (quận Tân Phú) cũng lập khu ở riêng cho F1 để duy trì sản xuất. Bà Lý Thanh Phong, Giám đốc điều hành cho biết: “Từ khi TPHCM mở cửa trở lại, Cty vẫn phát hiện nhiều ca F0, F1. Nhưng do đã được tiêm vắc xin đầy đủ nên F0 đều có triệu chứng nhẹ, nghỉ ngơi 5-7 ngày và đa số có xét nghiệm âm tính. Để không ảnh hưởng đến sản xuất, Cty cho F1 làm việc ở khu riêng để không ảnh hưởng đến nhà máy”.
Cty CP In số 7 có khu vực dành riêng cho công nhân F0, F1 ở lại tại doanh nghiệp Ảnh: U.P
Cty TNHH gỗ VAM Furniture (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) có 250 nhân viên nhưng khoảng 50% số cán bộ, nhân viên từng mắc COVID-19, đặc biệt trong thời gian gần đây, số lượng nhiễm tăng nhanh. Để không thiếu lao động, đảm bảo sản xuất, VAM vẫn bố trí F1 làm việc với sự quản lý chặt chẽ.
“Thực tế cho thấy có rất nhiều ca mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Do không còn điều tra dịch tễ và truy vết các ca mắc nên việc phân biệt F0, F1 hiện nay không mang lại nhiều ý nghĩa.
Khi dịch bệnh không còn quá nguy hiểm, tỷ lệ mắc COVID-19 trong cộng đồng cao thì chúng ta chỉ nên quan tâm và bóc tách đúng người bệnh (F0) ra khỏi cộng đồng. Với những người tiếp xúc gần F0, chúng ta nên để họ tiếp tục làm việc để đảm bảo ổn định cuộc sống cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh.
Như vậy, cho phép F1 làm việc không chỉ là giải quyết các vấn đề cho sản xuất mà còn là xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay”, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Cty VAM Furniture nhìn nhận.
Không lơ là phòng, chống dịch
Chia sẻ với PV báo Tiền Phong, ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Cty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.Food) khẳng định: “F1 vẫn có thể đi làm nhưng với F0, chúng tôi khuyến khích ở nhà. Cty có chính sách lương, phụ cấp đầy đủ cho các trường hợp F0. Hơn nữa, khi F0 tự cách ly tại nhà, họ khai báo y tế với địa phương còn được hỗ trợ thuốc men, và quan trọng nhất là hạn chế được sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng”.
Để đảm bảo an toàn sản xuất trong giai đoạn có nhiều ca mắc trong cộng đồng, V.Food vẫn duy trì việc giữ khoảng cách, ngoài khẩu trang, NLĐ sử dụng tấm chắn giọt bắn, thường xuyên phun xịt, khử khuẩn để hạn chế thấp nhất việc lây lan dịch bệnh.
“Hiện, bộ phận tài xế, giao hàng… mắc nhiều hơn nhân viên tại nhà máy. Chúng tôi vẫn liên tục tuyển lao động để bù vào số lao động nghỉ việc cũng như điều trị bệnh”, ông Thiện nói thêm.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch công đoàn Cty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (KCN An Hạ, huyện Bình Chánh) cho biết, từ sau Tết, tình trạng công nhân mắc COVID-19 vì biến chủng mới Omicron có chiều hướng tăng. Hơn 1.000 NLĐ tại DN được test nhanh mỗi tuần; nếu phát hiện F0 sẽ được cho nghỉ và Cty cấp thuốc theo hướng dẫn của cơ quan y tế, riêng người lao động là F1, nếu test âm tính vẫn được làm việc bình thường.
“Tôi cho rằng NLĐ là F1 cần đi làm để bảo đảm lực lượng lao động vì hiện nay DN đang rất thiếu nhân công. Nếu một người F0, tất cả người xung quanh đều là F1 phải cách ly thì DN không biết xoay xở ra sao. Theo tôi, nên bố trí cho F1 làm việc bình thường nhưng được theo dõi sức khỏe thường xuyên và có biện pháp phòng dịch COVID-19 khi làm việc ở xưởng”, ông Hùng đề xuất.
Liên quan đến việc cho F0 đi làm, ông Trương Hoàng Tâm cho rằng, đối với cán bộ quản lý, khối văn phòng… thì F0 vẫn có thể làm việc trực tuyến nhưng đối với khối sản xuất trực tiếp thì khó hơn vì nó liên quan đến điều kiện của từng đơn vị, không dễ bố trí khu vực riêng để F0 làm việc, chưa kể ảnh hưởng đến tâm lý của những người khác.
“Đối với F0 không triệu chứng trong khối sản xuất trực tiếp, Cty cho phép nghỉ ngơi 5 ngày, sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ quay lại làm việc”, ông Tâm cho biết.
Mới đây, Hiệp hội các DN KCN TPHCM (HBA) có văn bản kiến nghị gửi Bộ Y tế cho F1 là công nhân được đi làm, thậm chí F0 không có triệu chứng vẫn có thể đến nhà máy làm việc.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA cho rằng, trường hợp công nhân được xác định là F0 tại nhà máy, có nguy cơ các tổ sản xuất đó hoặc dây chuyền sản xuất đó sẽ thuộc diện F1. Nếu F1 nghỉ hết thì nhà máy không có lao động làm việc trong khi các DN hiện nay thiếu lao động rất trầm trọng.
Từ đó, HBA kiến nghị khi có F0 tại nhà trọ hoặc tại nhà máy, các đối tượng có nguy cơ F1 chỉ cần thực hiện 5K, báo cơ quan y tế có trách nhiệm và báo DN. Kết quả xét nghiệm nhanh âm tính, công nhân vẫn được đi làm nhưng phải ở vị trí sản xuất giãn cách giữa người với người trên 2m. Sau 5 ngày, công nhân F1 vẫn âm tính được lao động trở lại bình thường.
Link gốc: https://tienphong.vn/doanh-nghiep-cho-f0-f1-di-lam-phai-an-toan-post1423940.tpo