Khoảng hơn chục hộ dân có nhà trên đường Lương Định Của (quận 2, TP.HCM) vẫn cố bám trụ giữ nhà, giữ đất không di dời vì cho rằng đất của mình không nằm trong ranh giới quy hoạch của khu đô thị Thủ Thiêm. Con đường Lương Đình Của một đầu bị chặn, ngày nắng cũng như mưa, đường luôn trong tình trạng ngập nước, ô nhiễm trầm trọng
Những đoạn may mắn không bị ngập thì rác thải, xà bần bủa kín hai bên đường. “ Đường này ô nhiễm khủng khiếp. Nước tù đọng lâu ngày cộng với rác thải nên chỉ cần lội chân xuống nước là về nhà ngứa, nổi mẫn đỏ khắp chân”, người phụ nữ tên Hương nói.
Khu vực không có rác thải thì xà bần, đất đổ khắp nơi, nhiều nhà dân chỉ còn một lối đi rất nhỏ. Cây, cỏ xung quanh nhà các hộ dân cố bám trụ không chịu giải tỏa đi để nhường cho dự án Thủ Thiêm mọc như “rừng”. Ngoài ra, theo người dân, an ninh trật tự của khu vực này cũng không được đảm bảo thường xuyên xảy ra tình trạng trộm, cắp.
Những ngày qua, trời mưa lớn khiến khu vực này như hồ chứa nước ô nhiễm. Lối vào của nhà dân nước bủa vây khắp nơi, bốc mùi hôi thối.
Người dân sống mòn mỏi vì nhà bị yêu cầu giải tỏa để nhường chỗ cho dự án Thủ Thiêm
Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, có nhà bị yêu cầu giải tỏa cho biết, gia đình sống gần cả 100 năm ở khu Thủ Thiêm, giờ đòi giải tỏa gia đình tôi đi đâu trong khi cả gia đình gần rất đông người.
Ngay giữa trung tâm TP.HCM và chỉ cách quận 1 có 5 phút đi xe máy mà dân chúng tôi ở đây chỉ khác gì sống ở một ốc đảo hoang. Từ khi gia đình yêu cầu giải tỏa nhà để nhường đất cho dự án, cuộc sống sinh hoạt gia đình bị đảo lộn hoàn toàn. Ở đây chỉ làm bạn với cây cối rậm rạp, ruồi muỗi…”, bà Cúc nói.
Nước ngập tràn vào nhà triền miên. Trẻ nhỏ cũng sống cùng nước ngập ở khu đô thị Thủ Thiêm
“Nước ngập quanh năm nên nhiều căn nhà xuống cấp. Khu vực trước đây là có bệnh viện, khu nhà tập thể, người dân đông đúc lắm nhưng giờ thì thôi, không biết nói gì nữa. Trước đây nước ngập rồi rút nhanh nhưng giờ nhà như cái ao vì xung quanh toàn công trình cao ốc. Trẻ con thì thích chạy đùa trong nước nhưng người dân ở đây thì chỉ biết nói và cười trong nước mắt”, một thanh niên chia sẻ.
Một số căn nhà người dân không chịu giải tỏa trở thành điểm “vui chơi” cho trẻ em
Bên cạnh những căn nhà lụp sụp, xuống cấp phía xa là những tòa nhà, cao ốc đang nên hình trong khu đô thị Thủ Thiêm
Việc di chuyển của người dân trên đường ở khu vực này luôn trong tình trạng “bơi” trong nước ô nhiễm
“Mười mấy năm nay tôi đã quen với cảnh nhà thành ao rồi. Nước giờ đâu có chỗ thoát nên ô nhiễm nghiêm trọng. Cả nhà tôi bị lở loét mấy kẽ chân do lội nước ngập thường xuyên”, anh Bùi Huy Hoàng (32 tuổi) cho biết.
Những công nhân làm trong các công trình xây dựng khu đô thị Thủ Thiêm khi về tới nhà trọ đều trong tình trạng xách giày để khỏi bị ướt
Căn nhà một trệt, một lầu của cụ bà Nguyễn Thị Giáp (78 tuổi, đường Lương Định Của, phường Bình An) nằm khuất sau một căn nhà khác đã bị giải tỏa với những bức tường nham nhở. Cụ Giáp cho biết hơn chục năm qua đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng cầu cứu và chứng mình rằng phần đất của mình không nằm trong diện quy hoạch Thủ Thiêm và kiên quyết không tái định cư.
Bà Nguyễn Thị Vinh cho biết nhà cũng không nằm trong quy hoạch Thủ Thiêm và kiên quyết không đồng ý giải tỏa. “Tôi bệnh tật phải mang nạng. Giờ cũng không biết tương lai sắp tới như thế nào. Thôi thì tới đâu hay tới đó”, bà Vinh nói trong nấc nghẹn.
Tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1, khu đô thị Thủ Thiêm rộng 657 ha được kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á. Hiện, khu đô thị Thủ Thiêm đã giải phóng hơn 99% mặt bằng. Còn hơn 100 hộ dân khiếu nại vì cho rằng đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch theo quyết định của Thủ tướng năm 1996 nhưng vẫn bị giải tỏa.
Tác giả bài viết: Dương Thanh
Nguồn tin: Dân Việt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn