Sức trẻ xẻ ngang Trường Sơn để cứu nước
Trong quá trình tổ chức Lễ tưởng niệm 50 năm ngày hy sinh của các liệt sĩ đường 20 - Quyết Thắng, ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình từng nhấn mạnh, đây là con đường của tuổi trẻ Việt Nam, nơi mà hàng vạn thanh niên xung phong (TNXP) đã "xẻ ngang Trường Sơn" đi cứu nước.
Nói "xẻ ngang Trường Sơn" đi cứu nước là bởi lẽ trên con đường chi viện cho chiến trường miền Nam, khi đến Quảng Bình, quân và dân ta đã mở tuyến đường ngang vắt qua Lào, nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn. Một phần nhằm tránh hàng rào điện tử McNamara của Mỹ tại Quảng Trị. Cũng bởi vậy, đường 20 - Quyết Thắng trở thành nơi đánh phá ác liệt của không quân Mỹ.
Lực lượng gồm bộ đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến vượt mưa bom, bão đạn để mở đường 20. (Nguồn: Báo Nhân dân - Chụp lại từ ảnh tư liệu).
Tuyến Đường 20 - Quyết thắng có chiều dài gần 125 km, bắt đầu từ Km 00 thuộc thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vượt núi đồi, khe suối đến ngã ba Lùm Bùm (huyện Ăng – Khăm, tỉnh Khăm Muộn, Lào) rồi thông với đường 9.
Tuyến đường này được khảo sát và thi công trong thời điểm chiến tranh ác liệt, bị địch đánh phá suốt ngày đêm. Đúng 17 giờ ngày 21/1/1966, mùng 1 Tết Bính Ngọ, ông Nguyễn Tường Lâm – Phó Tư lệnh Đoàn 559 đã phát lệnh nổ bộc phá mở màn chiến dịch "Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi".
Đã có hơn 8.000 chiến sĩ, cán bộ công nhân kỹ thuật thuộc Trung đoàn 4, Trung đoàn 5, Trung đoàn 10 và Trung đoàn 41 bộ đội công binh (Binh đoàn 559) cùng với công trường 20 của Bộ Giao thông vận tải bao gồm các đơn vị cơ giới, các đơn vị TNXP các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Nam Ninh với 519.280 ngày công, đào đắp 915.913m3 đất đá, bắc cầu qua khe, qua suối, mở xong tuyến đường dài gần 125 km.
Những di vật của liệt sĩ trên tuyến đường 20 - Quyết Thắng.
Sau bao ngày đêm cật lực xẻ núi, bắc cầu, ngày 5/5/1966, đường 20 - Quyết thắng thông tuyến. Vượt mưa bom, bão đạn, hàng ngàn đoàn xe cơ giới có lăn bánh để vận chuyển sức người, sức của chi viện cho chiến trường.
Nhận thấy vị trí chiến lược và tầm quan trọng của tuyến đường này, giặc Mỹ đã thường xuyên tập trung đánh phá ác liệt. Thông tin từ tài liệu của Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam được biết, đường 20 là trục ngang có mật độ bom đạn trên 1km đường thuộc loại cao nhất Trường Sơn.
Khoảng cuối tháng 11/1969, suốt 15 ngày đêm, địch sử dụng B-52 kết hợp với máy bay cường kích F-105, F-4 đánh liên tục vào trọng điểm ATP (đoạn cua chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích) và nhiều trọng điểm khác. Mỗi ngày khoảng 30 lần/B-52, khoảng 50 lần/máy bay cường kích vừa đánh bổ nhào, vừa rải thảm theo tọa độ, trút bom xuống biến toàn bộ khu vực này thành "sa mạc".
Cung đường 20 - Quyết Thắng giờ đây len lỏi dưới tán xanh của cây rừng.
Trong 15 ngày, số bom Mỹ ném xuống ATP lên đến 17.625 tấn; trung bình 1km đường là 2.203 tấn (mỗi mét dài đường chịu 2,2 tấn bom). Đây là những con số vô cùng kinh khủng đối với bất kỳ cuộc chiến nào trên thế giới.
Trong khói lửa chiến tranh, từng mét đường đã trộn lẫn máu xương, mồ hôi và nước mắt của các chiến sĩ bộ đội Trường Sơn và lực lượng TNXP. Để rồi khi đất nước yên bình, trên tuyến đường 20 - Quyết thắng những tượng đài, đền tưởng niệm, bia đá được dựng lên để khắc ghi chiến công và sự hy sinh anh dũng của các Anh hùng, liệt sĩ.
Sự hy sinh cảm động của nữ liệt sĩ, y tá ở tuổi xuân thì
Trong chuyến công tác tới vùng biên phía tây Quảng Bình, chúng tôi đã dừng chân thắp nén tâm nhang ở nhiều địa điểm trên trục đường 20 – Quyết Thắng. Thật nhiều những chuyện được kể về sự gian khổ và hy sinh, phóng viên vẫn nhớ câu chuyện về nữ liệt sĩ, y tá Nguyễn Thị Sặng.
Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống thành kính thắp nén tâm nhang tại nhà bia tưởng niệm nữ liệt sĩ, y tá Nguyễn Thị Sặng.
Anh Nguyễn Tứ Vỵ, Phụ trách Ban quản lý Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Đường - 20 Quyết Thắng cho biết, nhà bia tưởng niệm nữ liệt sĩ, y tá Nguyễn Thị Sặng hiện nay được xây dựng đối diện nơi nữ liệt sĩ này hy sinh. Người dân địa phương thường gọi địa điểm này là "Hang Y tá". Nơi đây gắn với câu chuyện về sự hy sinh cao đẹp của một nữ y tá.
Có nhiều người kể nhiều câu chuyện khác nhau về nữ Liệt sĩ Nguyễn Thị Rặng. Theo những thông tin anh Vỵ tìm hiểu được qua các tài liệu, năm 20 tuổi, liệt sĩ Nguyễn Thị Sặng cùng nhiều đồng đội quê Thanh Hóa đã viết đơn tình nguyện tham gia Thanh niên xung phong rồi thực hiện nhiệm vụ trên cung đường 20 – Quyết Thắng. Giữa năm 1972, y tá Sặng theo đoàn làm nhiệm vụ chăm sóc và chuyển tải thương binh ra Bắc điều trị. Khi đoàn nghỉ chân tại Km 18 thì chị Sặng bị sốt rất cao.
Nơi nữ y tá Nguyễn Thị Sặng hy sinh được người dân địa phương gọi là Hang y tá với tấm bia ghi lại một giai đoạn ác liệt trên cung đường 20 và sự hy sinh của nữ liệt sĩ ở tuổi xuân thì.
Biết mình không qua khỏi, để không gây cản trở đoàn hành quân, chị đã tự nguyện nằm lại và lặng lẽ hy sinh trên cánh võng cá nhân ngay cạnh hang đá bên tuyến đường 20. Một thời gian sau, thi thể chị Sặng được các chiến sĩ phát hiện và mai táng bên cạnh hang đá.
Bây giờ một ngôi đền khang trang thờ phụng chị Nguyễn Thị Sặng với tấm bia đặt tại đền ghi dòng chữ: "Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hang Y tá - Km 18 là một trong những tọa độ lửa trên đường 20 - Quyết Thắng. Nơi đây, từ năm 1966 đến năm 1973, không quân Mỹ đã tập trung đánh phá cực kỳ khốc liệt. Đại đội 211- TNXP đã kiên cường bám trụ, chiến đấu hy sinh quên mình, đảm bảo thông suốt mạch máu giao thông, chi viện kịp thời sức người, sức của cho các chiến trường, đánh thắng kẻ thù xâm lược, thống nhất đất nước. Tại hang này, ngày 20/6/1972 đã chứng kiến sự hy sinh anh dũng của nữ liệt sĩ Nguyễn Thị Sặng".