Tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Ảnh: Sở Y tế Hà Nội.
Biến chứng do mắc sởi
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì mắc bệnh sởi. Cụ thể, bệnh nhân N.V.T. (nam, 56 tuổi ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nhập viện tại khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp của Bệnh viện trong tình trạng khó thở, sốt cao, phát ban ở vùng đầu, mặt và cổ sau chuyển biến suy hô hấp cấp.
Khai thác tiền sử cho thấy, 10 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi và sung huyết vùng kết mạc mắt. Bệnh nhân tự mua thuốc hạ sốt, giảm đau ở hiệu thuốc gần nhà về uống nhưng không thấy có cải thiện. Sau 6 ngày tự uống thuốc điều trị tại nhà, bệnh nhân vẫn đau đầu, sốt cao, người mệt nhiều, khó thở, sung huyết kết mạc mắt gây khó chịu nhiều và xuất hiện ban đỏ ở vùng đầu, mặt sau lan xuống vùng cổ, ngực. Bệnh nhân đến khám ở cơ sở y tế tuyến dưới và được chuyển đến Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương).
Khi nhập viện, bệnh nhân vẫn sốt cao, phát ban, tiêu chảy nhiều, bội nhiễm nhiễm trùng. Sau 1 ngày nhập viện, tình trạng bệnh nhân tiếp tục chuyển biến nặng hơn với tình trạng suy hô hấp cấp. Bệnh nhân ngay lập tức được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực can thiệp hỗ trợ thở ô xy lưu lượng cao và được chẩn đoán mắc sởi biến chứng suy hô hấp tiến triển nhanh ở người lớn. Các triệu chứng bệnh sởi được xác định rõ ràng, xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh sởi.
Cùng với biến chứng viêm phổi do virus sởi gây ra kèm theo tiêu chảy, biểu hiện nhiễm trùng của bệnh nhân cũng có xu hướng tăng. Sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo, giảm sốt, mức độ tiêu chảy giảm nhiều, mức độ suy hô hấp đã được cải thiện rõ rệt, các chỉ số đã về mức ổn định, ban nổi toàn thân.
BS Phạm Văn Phúc - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết: “Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch, do virus sởi gây nên, lây qua đường hô hấp. Sởi có các biểu hiện sốt, phát ban đặc trưng, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc mắt, tiêu hóa. Sởi dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong bao gồm viêm phổi, viêm não. Bệnh sởi ở người lớn ít khi xảy ra. Người lớn mắc bệnh sởi thường gặp ở các đối tượng có yếu tố nguy cơ là những người chưa bao giờ tiêm vaccine phòng sởi; người có suy giảm miễn dịch sởi theo thời gian; những người có bệnh nền và bệnh suy giảm miễn dịch; điều trị hóa chất, ung thư…”.
Dịch sởi vẫn diễn biến phức tạp
Thời gian qua, dịch sởi có diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước. Đơn cử, từ đầu năm đến nay, tại TPHCM đã ghi nhận 3 trường hợp trẻ tử vong vì bệnh sởi. Bất chấp những nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát của ngành y tế, dịch bệnh vẫn tiếp tục gia tăng, chưa có điểm dừng ở khu vực các tỉnh phía Nam.
Tuần qua, tổng số ca mắc sởi tại TPHCM là 141 ca, tăng 18% so trung bình 4 tuần trước, trong đó có 82 ca điều trị nội trú và 59 ca điều trị ngoại trú (tăng 90%). Bên cạnh đó, số ca bệnh từ các tỉnh khác điều trị tại 4 bệnh viện trên địa bàn thành phố cũng gia tăng với 298 ca, tăng 41% so trung bình 4 tuần trước, trong đó có 236 ca điều trị nội trú.
Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, tình hình bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn. Theo số liệu giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, trong 10 tháng đầu năm 2024, Hà Nội đã ghi nhận 36 trường hợp sởi xác định. Số mắc gia tăng nhanh trong 2 tháng gần đây với 13 trường hợp mắc tháng 9 và 20 trường hợp mắc tháng 10. Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh đều chưa được tiêm phòng vaccine sởi, trong đó có một số trường hợp mắc bệnh do lây nhiễm trong bệnh viện.
Không chỉ dịch sởi, theo BS Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC thì hiện nay, thời tiết bước sang giai đoạn giao mùa Thu – Đông, đây là thời điểm các loại virus, vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển và hoạt động mạnh, gây nguy cơ dịch bệnh phát triển mạnh như sởi, viêm não Nhật Bản, cúm mùa, tay chân miệng…
“Các dịch bệnh mùa thu đông không chỉ chực chờ cơ hội để tấn công hệ miễn dịch non nớt của trẻ em, mà người cao tuổi cũng là một đối tượng rất dễ mắc bệnh. Do tuổi càng cao, khả năng thích ứng của cơ thể với sự thay đổi của thời tiết, môi trường ngày càng suy giảm; hệ miễn dịch không còn đủ sức chiến đấu với các tác nhân gây bệnh; thêm vào đó là những căn bệnh mãn tính khiến cơ thể suy yếu, nguy cơ ‘’bệnh chồng bệnh’’ và diễn tiến nặng tăng cao” – BS Chính cho biết.
Chuyên gia khuyến cáo, trong bối cảnh này, người dân không nên chủ quan với bất kỳ căn bệnh nào, mà hãy chủ động trang bị cho bản thân và gia đình những kiến thức phòng bệnh hiệu quả trong mùa thu đông.
“Trong những phương pháp phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết giao mùa, cân bằng dinh dưỡng, vận động thường xuyên và tiêm phòng vaccine đầy đủ, đúng lịch là 3 phương pháp phòng bệnh đặc biệt quan trọng mà người dân cần lưu tâm.
Trong đó, tiêm phòng vaccine đầy đủ và đúng lịch là biện pháp hiệu quả nhất để làm giảm tỉ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh truyền nhiễm. Tiêm vaccine nhằm kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu để chống lại bệnh truyền nhiễm. Đến nay, đã có gần 30 căn bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh, 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa vaccine vào sử dụng phổ cập cho người dân. Nhờ có vaccine, 2,5 triệu trẻ không bị chết do bệnh truyền nhiễm hàng năm. Không ốm đau, bệnh tật cũng đồng nghĩa với việc giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm thời gian và công sức của gia đình."