Chiều 31/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Nghìn lẻ một kiểu bạo lực
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) cho biết, có những hành vi bạo lực gia đình cụ thể, rất dễ nhận biết; nhưng cũng có những hành vi không nghĩ đó là bạo lực gia đình mà lại gây khủng hoảng về tâm lý, tinh thần... thực tế đó cũng là biểu hiện của bạo lực.
"Chồng đi làm về nhà nhưng im lặng suốt, không nói gì cả, hoặc suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp, chu đáo; rồi "giận cá chém thớt", giận dỗi vô cớ... cũng là hành vi bạo lực gia đình, làm cho đối tượng bị tác động khủng hoảng về mặt tâm lý" - bà Dung lấy ví dụ và cho rằng những hành vi này diễn ra khá phổ biến nhưng rất khó nhận biết, nhất là văn hóa người Việt không muốn vạch áo cho người xem lưng, xấu chàng thì hổ thiếp...
Bà Phan Thị Mỹ Dung (Ảnh: Quochoi.vn).
Theo bà Dung, để Luật Phòng chống bạo lực gia đình có hiệu quả thì giải pháp đó là sự chia sẻ, tư vấn để giải tỏa tâm lý. Những người bị khủng hoảng về mặt tâm lý, tinh thần trong gia đình cần phải chia sẻ được với Hội Phụ nữ, bác sĩ tư vấn, người già thì có Hội Người cao tuổi...
"Chính nạn nhân phải tự chia sẻ, làm sao để cho những đối tượng đó mạnh dạn nói tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình với những người xung quanh" - bà Dung cho hay.
Vai trò của cộng đồng nhìn từ vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến chết
Tại tổ TPHCM, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết nêu vấn đề phòng ngừa bạo lực gia đình và cho rằng vai trò của cộng đồng là rất quan trọng, tuy nhiên theo đánh giá của bà Tuyết có tình trạng nơi làm tốt, nơi làm chưa tốt.
Chứng minh cho ý kiến nêu ra, bà Tuyết dẫn lại trường hợp bé gái 8 tuổi ở quận Bình Thạnh - TPHCM bị bạo hành đến chết xảy ra mới đây. Bà Tuyết cho biết các hộ gia đình xung quanh đã nghe bé gái khóc rất nhiều lần nhưng họ không quan tâm xem tại sao. Cô giáo của bé cũng biết nhưng không quan tâm nhiều.
"Nếu như nhận được sự quan tâm của cộng đồng nhiều hơn, vai trò từ phía trường học được phát huy tốt hơn thì có thể trường hợp bé gái 8 tuổi đã không xảy ra đáng tiếc" - bà Tuyết nói và cho rằng hiện trong cộng đồng biết có bạo lực gia đình nhưng vẫn có quan điểm "đó là việc riêng của nhà người ta, việc riêng của hai vợ chồng nhà họ, họ dạy con không liên quan tới hàng xóm và họ không có trách nhiệm".
Bà Văn Thị Bạch Tuyết (Ảnh: Quochoi.vn).
Bà Tuyết một lần nữa nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong việc phòng ngừa bạo lực gia đình và cho rằng cần thay đổi quan điểm, nhận thức trong cộng đồng phải tốt hơn. Trong nhóm giải pháp, cần có quy định khung về vai trò của cộng đồng.
Về vai trò của công an xã, bà Tuyết cho rằng lực lượng này có vai trò rất quan trọng, nhưng khi nhận tin báo lực lượng phải có mặt ngay để ngăn chặn, giải quyết; còn nếu xảy ra rồi mới có mặt thì chỉ giải quyết được hậu quả.
Đối với việc cấm tiếp xúc, bà Tuyết cho biết trong điều kiện người bị bạo lực có thể bị thương, bị sang chấn tâm lý, gặp rất nhiều khó khăn nhưng chính họ lại phải ra khỏi nhà, thậm chí ngôi nhà đó do chính họ sở hữu hoặc do chính họ là người phải bỏ tiền thuê, còn người thực hiện hành vi bạo lực được ở lại trong ngôi nhà đó.
"Đối tượng bị bạo hành là phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người già ở trong cùng một nhà với người bạo hành nên việc cấm tiếp xúc là rất khó. Khi cấm tiếp xúc thì các đối tượng bị bạo hành phải rời khỏi nhà để không phải ở chung với đối tượng bạo hành, như vậy thiệt thòi vẫn rơi vào phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người già…" - bà Tuyết bày tỏ băn khoăn về biện pháp cấm tiếp xúc.
Nêu quan điểm về việc bảo vệ người bị bạo hành, nữ đại biểu đoàn TPHCM đề nghị các thành viên trong Ủy ban Pháp luật, các đại biểu thuộc khối viện kiểm sát, tòa án cần nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành liên quan tới quyền con người, liên quan tới việc trục xuất người khác ra khỏi nhà. Việc này nhằm kiến nghị với Quốc hội quy định trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình và các luật khác có liên quan, hướng tới mục tiêu là bảo vệ người yếu thế.
Trong dự thảo luật, một trong các hành vi được quy định là bạo lực gia đình có việc cưỡng ép vợ hoặc chồng mang thai, lựa chọn giới tính thai nhi. Tuy nhiên, bà Tuyết bày tỏ sự khó hiểu về hành vi "cưỡng ép vợ hoặc chồng mang thai, phá thai", theo bà điều này có thể xảy ra trường hợp người chồng không muốn có con nhưng người vợ ép buộc phải có con. Bà Tuyết cho rằng nếu quy định hành vi "cưỡng ép vợ hoặc chồng mang thai, phá thai" là bạo lực gia đình thì cần viết lại điều luật rõ ràng.
Dự kiến, ngày 14/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Link gốc: https://dantri.com.vn/xa-hoi/chong-suot-ngay-khen-hang-xom-xinh-dep-cung-la-bao-luc-gia-dinh-20220531165637344.htm