Thu giữ 1000 bộ xét nghiệm COVID-19 không rõ nguồn gốc
Ngày 28/2, Công an tỉnh Thái Bình cho biết, đơn vị vừa phát hiện, thu giữ 1.000 bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Công an thu giữ số bộ xét nghiệm COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, tại đường thuộc thôn Diệc, xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà, Thái Bình, lực lượng chức năng đã phát hiện Hoàng Thị Hiền (SN 1988, trú tại xã Tân Hòa) đang có hành vi bán 100 bộ sinh phẩm xét nghiệm (trên bao bì sản phẩm in chữ nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Tại thời điểm kiểm tra, Hoàng Thị Hiền không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Tại Cơ quan điều tra, Hiền khai do nhận thấy nhiều người có nhu cầu cần mua sinh phẩm xét nghiệm COVID-19, Hiền đã mua 1 thùng (số lượng 1.000 bộ) giá trên 70 triệu đồng với mục đích bán kiếm lời...
Trước đó, tại nhiều địa phương trên cả nước như: Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên, Sơn La,…, lực lượng công an, quản lý thị trường cũng đã liên tiếp phát hiện các vụ vận chuyển, kinh doanh, test nhanh, thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Chế tài nào xử lý hành vi kinh doanh test nhanh, thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc?
Dước góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Tiến Thủy - Văn phòng luật sư Việt Lý, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, nếu cơ quan chức năng phát hiện ra những loại hàng hóa không có nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ thì trước tiên số hàng hóa này sẽ bị niêm phong, thu giữ. Việc làm này nhằm tiến hành làm rõ nguồn gốc, chất lượng,… để xử lý. Tùy vào từng trường hợp mà sẽ xử phạt hành chính hoặc là truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, đối với hành vi là mua bán các loại hàng hóa nói chung mà không rõ nguồn gốc thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 98 năm 2020 của Chính phủ.
Theo đó, hàng hóa mà không rõ nguồn gốc, không chứng minh được nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ, hành vi này sẽ bị phạt 100 triệu đồng đối với cá nhân và phạt đến 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Trong quá trình xác minh mà cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy đây là hàng hóa được vận chuyển trái phép qua biên giới và giá trị hàng hóa từ 20 triệu đồng trở lên khi tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội buôn lậu theo quy định tại Điều 188 - Bộ luật hình sự với chế tài có thể cao nhất lên đến 20 năm tù.
- Đối với những loại kit test nhanh COVID-19, nếu cơ quan chức năng xác định là hàng giả về nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã, chất lượng, bao bì... thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 192 - Bộ luật hình sự năm 2015 về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả. Với khung hình phạt như bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Cao nhất lên đến 15 năm tù.
- Đối với những loại thuốc điều trị COVID-19, nếu cơ quan chức năng xác định được hành vi buôn lậu hoặc là sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh. Theo quy định của pháp luật, người có hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh COVID-19 có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Cụ thể, theo Điều 194 Bộ Luật hình sự 2015, người buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh có thể bị xử phạt tù thấp nhất là 2 năm tù, cao nhất có thể là tù chung thân hoặc tử hình.
Cũng theo luật sư Nguyễn Tiến Thủy, đối với những trường hợp cá nhân bán trên mạng xã hội, quảng cáo hàng xách tay hoặc là họ tự mua đi bán lại thì những hành vi này cũng là những hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nghiệm hình sự.
Test xét nghiệm nhanh, thuốc điều trị COVID-19 là những hàng hóa được quản lý theo quy định của pháp luật và việc sản xuất, vận chuyển hoặc mua bán những loại hàng hóa này là loại hàng hóa đặc thù. Bởi vậy, phải tuân thủ các quy định của Luật dược; Luật Khám, chữa bệnh cũng như các văn bản pháp luật chuyên ngành khác có liên quan.
Luật sư Nguyễn Tiến Thủy nói.
Link gốc: https://suckhoedoisong.vn//buon-ban-test-nhanh-thuoc-dieu-tri-covid-19-khong-ro-nguon-goc-bi-xu-ly-ra-sao-169220228143203544.htm