Bộ NN-PTNT đề xuất các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai

Thứ sáu - 27/11/2020 08:50
Sáng 27/11, tại Quảng Trị, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai tại các tỉnh miền Trung.
T2020112704 1
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Định Nguyễn.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, tình trạng ngập lụt, úng xảy ra ở nhiều địa phương đã gây ảnh hưởng nặng đến các công trình thủy lợi, đặc biệt là hệ thống kênh mương dẫn nước và công trình thủy lợi nội đồng, cụ thể tại 9 địa phương bị ảnh hưởng nặng (từ Nghệ An đến Bình Định) như sau: khoảng 745 km kênh mương các loại bị sạt, trôi, bồi lấp; hơn 300 trạm bơm, 800 cống và 340 công trình thủy lợi khác (cầu máng, công trình tạm, đê bao nội đồng...) bị hư hỏng.

Một trong các giải pháp mà Bộ NN-PTNT đang gấp rút thực hiện, đề xuất Chính phủ về các nội dung:

Tập trung, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; rà soát quy hoạch thủy lợi các lưu vực sông  và quy hoạch hệ thống thủy lợi khu vực miền Trung thích ứng với điều kiện mưa lũ, hạn hán cực đoan và biến đổi khí hậu.

Ưu tiên bố trí kinh phí trong giai đoạn đầu của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và dự phòng ngân sách hàng năm của địa phương và Trung ương cho công tác phòng chống thiên tai.

Bố trí nguồn vốn vay ODA để tập trung khắc phục hậu quả thiên tai; đầu tư nâng cao năng lực ứng phó thiên tai và hạ tầng phục vụ sản xuất bền vững.
 
T2020112704 2
Lũ lớn trên sông Hiếu gây ngập diện rộng tại khu vực xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: TTXVN.

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ:

- Chỉ đạo Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ mua bù, mua tăng hàng dự trữ quốc gia theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại công văn số 7419/BNN-KH ngày 27/10/2020 và công văn số 7769/BNN-KH ngày 09/11/2020. Trường hợp không kịp, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho ứng trước để cấp cho các địa phương khôi phục sản xuất theo đúng lịch thời vụ.

- Sớm cấp kinh phí hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-TTg để khôi phục sản xuất cho các tỉnh miền Trung bị thiệt hại bởi thiên tai.

- Ban hành Nghị quyết của Chính phủ về công tác khắc phục hậu quả thiên tai để giải quyết một số vấn đề trước mắt cũng như lâu dài đã bộc lộ sau đợt thiên tai vừa qua.

- Bổ sung nguồn lực đầu tư hạ tầng cho vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, đáp ứng quy định về điều kiện nuôi trồng thủy sản và phòng chống thiên tai. Đầu tư xây dựng hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đảm bảo an toàn, đủ công suất tránh trú bão cho tàu cá; hạ tầng hệ thống giám sát, thông tin tàu cá.

- Chỉ đạo các Ngân hàng Nhà nước có cơ chế chính sách về vay vốn ưu đãi, khoanh nợ, giãn nợ, giảm nợ cho người dân bị thiệt hại để có thể sớm khôi phục sản xuất.

- Xem xét xây dựng chính sách dự trữ đối với giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và cấp phát cho người dân nuôi trồng thủy sản khi bị thiệt hại trên 70% do thiên tai.

- Sớm hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh để khắc phục cấp bách cơ sở bị thiệt hại, nhất là các công trình đê điều, thủy lợi, chống sạt lở bờ biển (Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã có Tờ trình số 175/TTr-TWPCTT ngày 05/11/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ).
 
T2020112704 3
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị hỗ trợ di dời người dân đến nơi an toàn đợt mưa lũ vừa qua.

- Bố trí kinh phí: (1) để triển khai thực hiện 05 dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo tại văn bản số 8130/BNN-PCTT ngày 24/11/2020;

(2) Ưu tiên nguồn lực xây dựng các công trình thủy lợi cấp nước, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh;

(3) Sửa chữa khẩn cấp các hồ chứa đang bị hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn;

(4) Nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, sửa chữa công trình trên kênh; khôi phục công trình ở các địa phương bị ảnh hưởng của đợt mưa lũ lớn vừa qua; hỗ trợ kinh phí mua hóa chất xử lý nước hộ gia đình; xây dựng, nâng cấp các bể chứa nước hộ gia đình, các công trình cấp nước tập trung nông thôn; đầu tư mới các công trình cấp nước tập trung nông thôn ở những vùng thường xuyên bị xảy ra thiên tai lũ, ngập lụt, úng.

Quảng Trị: Thiên tai gây thiệt hại nông nghiệp hơn 3.000 tỷ đồng

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Quảng Trị gánh 4 đợt lũ chồng lũ, 3 cơn bão, khiến 3 người chết, 56 người mất tích, hàng chục người bị thương. Thiệt hại về nông nghiệp là khoảng 3.000 tỷ đồng. Hơn 1.600ha đất bị bồi lấp, trong đó 1.500ha bị thay đổi hiện trạng cần khôi phục để sản xuất vụ đông. Nguồn giống cây trồng, vật nuôi bị thiếu hụt nghiêm trọng. Ô nhiễm môi trường khiến nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra.
 
T2020112704 4
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị: Tỉnh phải gánh 4 đợt lũ chồng lũ, 3 cơn bão chỉ trong một thời gian ngắn.

Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, UBND tỉnh đã đôn đốc từng vùng, từng địa phương khẩn trương khắc phục. Vụ sạt lở vùi lấp hàng chục cán bộ, chiến sỹ tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 Hướng Hóa (Quảng Trị) là sự kiện rất đau xót, song tỉnh đã phối hợp với quân đội mau chóng khắc phục.

Tỉnh cũng thành lập đoàn công tác phối hợp với các địa phương để đánh giá tình hình, ổn định lại sản xuất nông nghiệp.

Đối với những vùng đất bị vùi lấp bởi lớp mặt chủ yếu là cát mịn như đất trồng lúa nước (tại xã Triệu Giang - Triệu Phong - Quảng Trị), cần phân loại để tiếp tục trồng lúa hoặc chuyển sang cây trồng cạn. Trường hợp lớp cát vùi lấp có độ sâu dưới 20cm: có thể cày vùi cát, san phẳng sau đó tiếp tục cày, bừa kỹ đất để trồng lúa nước.

Trường hợp lớp cát vùi lấp có độ sâu 20 - 50cm, địa hình trũng, không thể chuyển sang trồng cây trồng cạn cần cải tạo để tiếp tục trồng lúa nước sau khi thu gom và chuyển lớp cát mịn ra khỏi ruộng; cày lật đất, kết hợp khử độc và cải tạo đất.

Trường hợp lớp cát vùi lấp sâu >50cm, cần cải tạo để chuyển sang trồng cây trồng cạn sau khi đã dọn vệ sinh bề mặt; cày sâu (> 30 cm), kết hợp khử độc và cải tạo đất.

Miền Trung gánh chịu đợt thiên tai chưa từng thấy trong lịch sử

Khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Kể từ trung tuần tháng 9 đến trung tuần tháng 11, miền Trung của chúng ta chịu đợt thiên tai chưa từng thấy trong lịch sử. Chỉ gần 2 tháng mà phải hứng chịu 9 cơn bão, xen vào đó là 2 đợt áp thấp. Đây là hiện tượng dị thường.

Chưa năm nào trong nhiều đợt quan trắc gần đây lại có số cơn bão dồn dập, dị thường như vậy. Mưa lớn cũng ở mức chưa từng thấy trong lịch sử. Ở Quảng Trị, ở Thừa Thiên - Huế có những điểm đo được hơn 4.000mm. Đây là điều vô cùng bất thường.

Bão, mưa, gió lớn, thủy triều, hướng gió thay đổi, gây thiệt hại vô cùng lớn về người và vật chất. Sơ bộ đánh giá 249 người gồm nhân dân và chiến sĩ đã thiệt mạng, thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỷ đồng.

Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt. Chưa bao giờ trong các kỳ họp Quốc hội, vấn đề biến đổi khí hậu được đề cập liên tục. Thủ tướng cũng chỉ đạo quyết liệt công tác khắc phục hậu quả sau bão.

Thủ tướng đã thành lập đoàn chỉ đạo tiền phương ngay từ khi bão mới vào Biển Đông. 6 tỉnh miền Trung cùng quân khu 5, quân khu 4, các thành phần kinh tế cũng tích cực ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ". Kết thúc từng cơn bão, áp thấp, mưa lớn, Thủ tướng đã chỉ đạo cụ thể đến các Bộ, ngành, địa phương bằng các biện pháp cụ thể.

Đánh giá thiệt hại, thì nông nghiệp là lĩnh vực bị tổn thương lớn, lâu dài. Thủy sản, chăn nuôi, lâm nghiệp đều bị thiệt hại và cần biện pháp khôi phục.
 
T2020112704 5
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường kiểm tra tuyến đê kè biển Nhân Trạch, ngày 14/11/2020. Ảnh: N.Tâm.

Từ giữa tháng 9/2020, bão, lũ đã xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung với quy mô rộng lớn, cường độ rất mạnh, gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” chưa từng có trong nhiều năm qua đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân trên địa bàn.

Theo báo cáo của các địa phương, các cơn bão, lũ từ cuối tháng 9/2020 đến giữa tháng 11/2020 đã làm 1.531 ngôi nhà bị sập đổ; 239.341 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính trên 30.000 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề.

Tổng diện tích đất nông nghiệp bị vùi lấp khoảng 2.624 ha. Độ sâu vùi lấp, đặc điểm lớp phủ bề mặt tại các điểm bị vùi lấp rất khác nhau và phần lớn lớp đất vùi lấp được phân thành tầng rõ rệt, do đó phải căn cứ vào hiện trạng của từng điểm cụ thể để có giải pháp khôi phục phù hợp.

Gần 43.000 con gia súc, trên 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi, trong đó thiệt hại nặng nề nhất là tỉnh Quảng Bình: 18.755 con gia súc, 897.994 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 1.250 tỷ đồng cho 09 tỉnh gồm: Hà Tĩnh: 150 tỷ đồng, Quảng Bình: 150 tỷ đồng, Quảng Trị: 210 tỷ đồng, Thừa Thiên - Huế: 170 tỷ đồng, Quảng Nam: 250 tỷ đồng, Nghệ An: 50 tỷ đồng, Quảng Ngãi: 150 tỷ đồng, Bình Định: 70 tỷ đồng và Kon Tum: 50 tỷ đồng.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và Bộ Nông nghiệp và PTNT kêu gọi các tổ chức quốc tế (ADB, WB, JICA, AHA, UNDP...) và một số nước (Hoa Kỳ, Hàn Quốc...), đã hỗ trợ tiền và một số hàng hóa thiết yếu với tổng trị giá trên 21,53 triệu USD (tương đương 500 tỷ đồng).

 
Văn Việt - Công Điền - Dương Châu - Đinh Tùng

Theo Nongnghiep.vn

https://nongnghiep.vn/khac-phuc-hau-qua-thien-tai-tai-mien-trung-d278758.html
 Từ khóa: Quảng Trị, Bộ NN-PTNT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây