Trời mưa vẫn thảm nhựa đường là sai quy trình xây dựng |
Cụ thể, theo báo cáo của Lãnh đạo Ban quản lý công trình, Tư vấn giám sát và Nhà thầu trong ngày 5/9, Công ty 478 bắt đầu rải bê tông nhựa từ 6 giờ 30 phút đoạn Km0+700 về Km0+006. Đến 18hcùng ngày, khi chiều dài đoạn thảm chỉ còn khoảng 20m từ Km0+006 - Km0+026 thì việc thi công tạm dừng để nhà thầu tính toán chính xác khối lượng thảm còn lại. Bê tông nhựa được sản xuất tại trạm trộn của Công ty CP XDCTGT 484 ở thị xã Hồng Lĩnh các đó 32km. Trong suốt thời gian thi công từ 6h30 phút đến 18h việc thảm bê tông nhựa diễn ra bình thường (thời tiết bình thường; công tác điều hành, chỉ đạo thi công đúng quy trình; thiết bị và vật liệu bê tông nhựa đảm bảo…).
Quá trình thảm đoạn còn lại với 22 tấn bê tông nhựa được triển khai lúc 19h10 phút, khi xe vận chuyển chuyến thảm cuối cùng đổ vào máy rải thi công được một nửa xe thảm thì trời bắt đầu mưa, khi đó ban chỉ huy tại công trường đã hội ý nhanh và đưa ra các phương án để xử lý cho thi công tiếp và cam kết việc tiếp tục thi công nếu không đảm bảo chất lượng thì Nhà thầu sẽ tự nguyện phá bỏ để thi công lại (cụ thể có biên bản xử lý kỹ thuật do các thành viên lập tại hiện trường lúc 19h 20 phút). Đến khoảng 19h40 thì công việc thảm mặt đường cuối cùng đã hoàn thành, lúc này trời đổ mưa to hơn.
Cũng theo Phó Giám đốc Bùi Đức Đại thì tại cuộc họp các bên liên quan đều đánh giá việc thi công rải thảm bê tông nhựa mặt đường khi trời mưa là sai quy trình, quy phạm hiện hành (mục 8.2, mục 8.6.12 TCVN 8819:2011), bê tông nhựa sẽ không đảm bảo chất lượng. Bản thân nhà thầu và các bên chưa chủ động theo dõi, tiên lượng được thời tiết để quyết định thi công thảm bê tông nhựa và lựa chọn chiều dài đoạn rải phù hợp dẫn đến vụ việc trên.
Trên cơ sở đó giải pháp được Lãnh đạo Sở GTVT cùng các bên liên quan đưa ra là chủ đầu tư công trình là UBND Tp Hà Tĩnh phải chỉ đạo Ban QLDA khắc phục triệt để các sai phạm trong quá trình thi công:
Cụ thể, nhà thầu phải bóc bỏ toàn bộ phần diện tích mặt đường bê tông nhựa thi công khi trời mưa và thi công lại theo đúng yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, đảm bảo chất lượng công trình trước khi đưa vào sử dụng. Cùng đó, các đơn vị chức năng sẽ kiểm tra,thí nghiệm lại toàn bộ chất lượng thi công đoạn mặt đường đã rải thảm bê tông nhựa và chất lượng các hạng mục khác đã thi công trên tuyến, nếu hạng mục nào không đảm bảo chất lượng thì kiên quyết xử lý. Đối với UBND thành phố Hà Tĩnh cần xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân các đơn vị cố ý vi phạm công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, thi công không tuân thủ quy trình thi công, chỉ dẫn kỹ thuật áp dụng cho dự án.
Cùng với các giải pháp trên, Sở GTVT cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, thành lập đoàn kiểm tra theo quy định có thành phần Sở GTVT tham gia để kiểm tra trình tự thực hiện thủ tục xây dựng cơ bản; năng lực của các tổ chức, các nhân liên quan; hồ sơ khảo sát, thiết kế, dự toán và đánh giá lại chất lượng thi công toàn bộ các hạng mục công trình trên tuyến, trong đó có chỉ định đơn vị kiểm định, thí nghiệm độc lập.
Cũng trong chiều 10/9, phóng viên Báo GTVT đã liên lạc (bằng tin nhắn) cho Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Trần Minh Kỳ và Chánh văn Phòng UBND tỉnh để tìm hiểu thông tin liên quan đến việc xử lý vụ việc đối với các cá nhân tập thể vi phạm trong vụ việc này nhưng chỉ nhận được câu trả lời…bận họp(!?)
Báo Giao thông sẽ còn tiếp tục thông tin xử lý vụ viêc
Công trình nâng cấp đường 26/3 do UBND TP Hà Tĩnh làm chủ đầu tư Công trình được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3321/QĐ-UBND ngày 20/12/2007, được triển khai từ tháng 6/2012 với quy mô chiều dài tuyến 2.046,9m, bề rộng nền đường 35m, bề rộng mặt đường 14m với tổng mức đầu tư 110,183 tỷ đồng, trong đó kinh phí xây lắp 51,165 tỷ đồng. |
Theo Tuấn Anh (Gia thông vận tải)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn