Sự thật chuyện về vị “thần đa hiển linh” ngồi sau xe nữ sinh

Thứ sáu - 09/06/2017 20:43
Thời gian gần đây, người dân tại huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) truyền tai nhau về việc uống nước dừa với đường phèn ngừa bệnh đột qụy. Thông tin này bắt nguồn từ một nữ sinh trung học phổ thông, nữ sinh này cho rằng đã gặp vị thần bên cây đa cổ thụ và được vị này mách bảo bài thuốc trên.

Từ những lời đồn thổi

Chuyện về nữ sinh gặp thần đa giáng trần cứu thế  bắt đầu từ xã Tân Thanh (nơi gốc đa ngự trị), sau đó lan nhanh đến các xã lân cận như: Tân Hào, Tân Lợi Thạnh, Thạnh Phú Đông, Hưng Nhượng... Câu chuyện là đề tài bàn tán của người dân, gây xôn xao cả một vùng quê. Tìm gặp vài người dân tại địa phương, chúng tôi gợi ý muốn tìm hiểu về câu chuyện thần đa, người dân hứng thú, tranh nhau kể như người trong cuộc, không vấp một lời.

Theo như lời đồn, vào thời điểm cuối tháng 7, khi trời nhá nhem tối, có một ông lão tóc bạc, lưng còng, tay chống gậy (độ trên 80 tuổi), đứng bên đường xin quá giang. Ông lão vẫy tay xin, lạ thay, người qua kẻ lại không ai ngó ngàng tới. Trên đường đạp xe đi học về, thấy vậy, có một nữ sinh thương cảm chở ông lão về nhà. Trên đường đi, hai ông cháu trò chuyện huyên thuyên. Ông lão bảo, ông đứng từ sáng đến chiều mà không ai cho ông quá giang, ông khen nữ sinh này tốt bụng, hiền lành. Đặc biệt, ông lão nói về hiện trạng nhiều người chết do đột qụy, để ngừa được bệnh này chỉ có cách uống nước dừa với đường phèn.

Miếu cây đa nằm trên Hương lộ 11.

Chỉ là những câu chuyện thất thiệt

Bà Trần Thị Phụng (50 tuổi,  ấp 6, Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm) cho biết: "Miếu cây đa là nơi linh thiêng, nó gắn liền với phong tục làng xã, người dân đừng  quá đồn thổi, suy diễn làm nhiều người hoang mang, gây mất hình ảnh nơi thờ cúng". Theo bà Phụng, nước dừa uống với đường phèn cũng không có gì mới lạ, bà hay làm cho con cháu uống, giải nhiệt vào mùa nóng. Đồn thổi việc uống nước này ngừa bệnh… đột quỵ, e rằng có người làm uống rồi ỷ lại, không giữ gìn sức khỏe, làm việc quá sức thì nguy cơ đột quỵ còn cao hơn.

Theo như lời người dân kể, ông lão dặn nữ sinh rất kỹ càng cách làm món nước uống này. Cách làm tương đối đơn giản, một trái dừa Tam quan dác mặt, bỏ vào đó một gam đường phèn, để nguyên trái dừa trên bếp đun nóng, khi nào đường tan hết có thể dùng. Lạ ở chỗ, ông lão dặn, một gia đình ít hay nhiều thành viên thì chỉ được uống duy nhất một trái, phải uống chung, không được rót ra ly. Kỳ lạ hơn, khi nữ sinh này hỏi nhà ông lão ở đâu, ông bảo cứ chạy thẳng, khi nào tới ông sẽ bảo dừng. Khi xe vừa đến cây đa cổ thụ, không nghe giọng ông lão, xe nhẹ tênh, nữ sinh này quay lại phía sau thì không thấy ông lão đâu nữa...

Câu chuyện được nhiều người suy diễn, đồn thổi trở nên ly kỳ hơn. Ông Lê Phước (60 tuổi) sống gần cây đa cổ thụ cho rằng, biết được chúng sinh đang gặp tai ương, nên “thần đa” hóa thân thành ông lão đi đường, tìm người hạp tuổi, truyền lại thuốc thần để cứu nhân độ thế. Nói về việc không ai cho ông lão quá giang ngoài nữ sinh này, ông nói, thần tiên không phải ai cũng nhìn thấy, có lẽ nữ sinh này có duyên với thần đa!

Phía sau lời đồn

Chuyện thần đa và  nước dừa ngừa bệnh đột qụy chưa kịp xác định thực hư, tại gốc đa lại mở ra câu chuyện khác. Nhiều người lợi dụng sự tín ngưỡng, tôn sùng của người dân đối với cây đa, họ bày ra chiêu trò oái ăm. Theo phản ánh của chị T.T.V., cứ cách vài ba hôm, khi đi chợ ngang qua cây đa, chị lại thấy nhiều người ăn mặc xuề xòa, hầu hết đều viện lý do được thần đa báo mộng đến đây để cứu nhân độ thế, có người xem bói toán, có người bán thuốc. Đặc biệt, có người lạ đến đây đốt nhang, vái lạy, cầu cơ, xin số đề. Điều này đã làm mất đi hình ảnh trang nghiêm nơi thờ cúng, gây bức xúc trong người dân.

Lời đồn quá ly kỳ, có người thêm mắm thêm muối làm người kể lẫn người nghe phải nổi da gà, gây ra nhiều câu chuyện dở khóc dở cười. Theo tâm lý chung, dù tin đồn là thần hay ma, người ta vẫn sợ. Nhiều người nhát gan không dám đi ngang qua đây, họ đi đường vòng, mặc kệ xa hơn 3-4km. Học sinh đi học về buổi chiều, nhớ đến câu chuyện người lớn kể, cắm đầu cắm cổ chạy bạt mạng, có em trượt bánh xe, té rách cả quần áo, trầy xước tay chân. Em rất sợ khi qua nơi này, dù biết người trong cây đa không phải ma, mà là thần, em Lưu Thị Kim Tuyến (ngụ ấp 8, xã Tân Lợi Thạnh) ngây ngô nói.

Tuy nhiên, những người khốn khổ nhất là các cụ già xin đi quá giang. Từ sau lời đồn thổi, hễ thấy người cao tuổi đứng bên đường xin quá giang, hiếm có ai giúp đỡ. Anh Nguyễn Văn Lâm (ngụ xã Thạnh Phú Đông) cho biết, một hôm trời mưa lâm thâm, anh chạy xe ngang qua cây đa, thấy bà cụ đưa tay xin quá giang, định mời bà lên xe, nhưng nghĩ lại những mẩu chuyện đang được đồn thổi, sợ quá nên anh bỏ chạy luôn. Qua ngày hôm sau, uống cà phê với bạn bè ở chợ Cái Mít (xã Thạnh Phú Đông), một bà cụ đến mời anh mua vé số, lúc đó anh mới nhận ra là người đứng dưới gốc đa trú mưa anh gặp. Không nhận ra anh, nhưng anh vẫn cảm thấy lương tâm mình cắn rứt.

Ông Nguyễn Văn Châu (76 tuổi, ấp 1B,xã Thạnh Phú Đông).

Tìm lời giải

Do người dân suy nghĩ, hoang tưởng

Nói về những câu chuyện đồn thổi xung quanh cây đa, ông Nguyễn An Toàn, Phó chủ tịch xã Tân Thanh cho biết, người dân sợ hãi khi đi ngang qua đây là do chính bản thân họ suy nghĩ, hoang tưởng. Những vụ tai nạn giao thông xảy ra gần gốc đa, họ đỗ thừa do cây đa gây nên. Nhưng thực chất, nguyên nhân là do chính họ lái xe không an toàn. Đây là cây đa cổ thụ, đã có từ lâu đời, gắn bó với đời sống tinh thần của người dân.  Đồng thời, đây cũng là nơi chứng kiến những thăng trầm của lịch sử dân tộc. Người dân cần tôn trọng, không nên suy diễn những câu chuyện dị đoan, gây mất hình ảnh đẹp nơi đây.

Để làm rõ hơn về lời đồn đại, chúng tôi lần theo nguồn tin ít ỏi, tìm gặp nữ sinh mà người dân nhắc đến. Em tên L.K.T., hiện là cựu học sinh trường THPT Phan Văn Trị (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Cởi mở, vui tính, em kể cho chúng tôi nghe sự thật về lời đồn. Việc em gặp và cho một ông lão quá giang là có thật. T. cho biết: "Ông lão tỏ ra khá hiểu biết về các bệnh khi nói chuyện với em. Sau đó, ông lão và em bàn khá nhiều về bệnh đột qụy. Không biết nói đùa hay nói thật, ông lão dặn em nên uống nước dừa với đường phèn để ngừa bệnh này. Khi chở ông lão đến gốc cây đa, ông bảo đã đến nhà, em cho ông xuống đấy. Khi em chạy được một đoạn thì quay lại nhìn nhưng không thấy ông nữa. Khi đó, em nghĩ ông lão là ma nên rất hoảng loạn. Về đến nhà em khóc và xin gia đình nghỉ học vì không dám đi học ngang cây đa nữa”. 

Câu chuyện thần hồn nát thần tính của T. nhanh chóng đến tai nhiều người, bị  tam sao thất bản, trở thành đề tài bàn tán khắp nơi, nhà nào nhà nấy thi nhau uống dừa Tam quan với đường phèn. T. tâm sự: "Trong thời gian đó, rất nhiều người từ trong đến ngoài xã tìm đến tận nhà em, hỏi kỹ càng cách pha chế, cách đun nước dừa thế nào cho hiệu quả. Mặc dù, em đã giải thích là do em bị hoa mắt, trời sẫm tối, ông lão đi về nhà mà em không nhìn thấy. Nhưng, nhiều người vẫn không tin, nằng nặc nhờ em chỉ  bí kíp. Khi em đi học không có ở nhà, họ sẵn sàng ngồi đợi từ sáng đến chiều. Vào lớp, bạn bè tò mò, nài nỉ em thuật lại câu chuyện. Em bất ngờ trở thành tâm điểm chú ý của nhiều bạn, đi đến đâu cũng thấy bạn bè chỉ trỏ bàn tán. Khi đó, em cảm thấy rất ngại.

Đến thăm các cụ cao niên sống ở gần cây đa, chúng tôi được nghe các cụ kể nhiều mẩu chuyện ly kỳ xung quanh cây đa cổ thụ. Các cụ thú thật, bản thân chỉ nghe ông bà xưa kể lại, những bậc tiền bối hiểu rõ nhất về lịch sử cây đa đã qua đời hết. Họ cho rằng, khó trách người dân suy diễn, đồn thổi vụ  thần đa, vì cây đa vốn được người dân tôn kính, xem là nơi linh thiêng từ xưa đến nay. Theo các cụ phỏng đoán, cây đa hơn 400 năm tuổi, gắn bó lâu đời với người dân nơi đây, đi qua bao thăng trầm của lịch sử mà vẫn sừng sững, uy nghi. Vụ việc gì liên quan đến cây đa đều được cho là bí ẩn, huyễn hoặc. Với những cụ chiến binh từng chiến đấu tại đây, sự kính nể và tấm lòng thành càng được tỏ rõ.

Từng chiến đấu phá ấp chiến lược tại xã Tân Thanh vào năm 1964, ông Nguyễn Văn Châu (76 tuổi, ấp 1B, xã Thạnh Phú Đông) kể lại, xưa, bom giặc Mỹ đánh phá ngày đêm, bộ đội nấp dưới gốc cây đa này đều sống sót.  Họ tin rằng, “thần đa” đã giang rộng cánh tay che chở cho họ.   

Theo Túc Anh (Dân trí)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây