Nói lời hãy giữ lấy lời

Thứ bảy - 10/06/2017 13:21
Từ chuyện chàng ca sĩ giữ lời hứa cạo trọc đầu, lại nghĩ đến hứa hẹn của các Bộ trưởng về chuyện liên kết 4 Nhà, làm sao giữ lời hứa để nông dân không phải “trôi nổi” theo thương lái?
Ca sĩ Tuấn Hưng đã có lời thách đố với đội tuyển U23 Việt Nam: “Nếu thua Thái Lan, tôi sẽ cạo đầu”. Lời tuyên bố làm sốt cộng đồng mạng, giới truyền thông trong nước và cả Thái Lan.

Tuấn Hưng không phải là người ngờ nghệch với “thể lực” bóng đá nước nhà, nam ca sĩ lại rất thích và mê bóng đá và quá hiểu trong lịch sử của bóng đá nước nhà ở SEA Games, thì tấm huy chương vàng vẫn chỉ là giấc mơ. Nhưng Tuấn Hưng vẫn thách đố và có lẽ ai cũng hiểu đó là lời kích lệ của ca sĩ với đội bóng nước nhà.

Tuấn Hưng cạo đầu như đã hứa ngay tại Berlin

Những người quan tâm đến sự kiện này đều hồi hộp chờ đợi, bán tín bán nghi về lời hứa của Tuấn Hưng. Tuy nhiên, cộng đồng chưng hửng khi thấy chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi tiếng còi của trọng tài kết thúc trận đấu vang lên: U23 Việt Nam thua 3-1, thì Tuấn Hưng vẫn mái tóc vuốt keo cùng vợ bay vút sang Đức, rồi đùng đùng đòi Tuấn Hưng phải giữ lời hứa.

Một người như Tuấn Hưng, tôi tin anh không nuốt lời, với ca sĩ- những người của công chúng thì điều mất lớn nhất đối với họ là sự quay lưng của cộng đồng. Mất fan hâm mộ là  mất tiếng tăm, tiền bạc.

Trong cuộc sống đã bao người phải trả giá cho “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, chỉ vì những lời hứa hão huyền.

Và Tuấn Hưng cạo đầu như đã hứa với dư luận.

Chỉ là một lời thách đố, không ảnh hưởng đến bất cứ cá nhận nào, không làm tổn thương đến ai, nên việc nói lời, giữ lời của Tuấn Hưng được cộng đồng mạng bày tỏ là…không thất vọng.

Còn lời hứa liên kết 4 nhà của các Bộ trưởng bao giờ thực hiện, để người dân bớt khóc ròng?

Bất chợt tôi nhớ đến lời hứa của những bộ trưởng ngay tại phiên chất vấn kỳ họp Quốc hội thứ 9 này. Ba bộ trưởng: Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học công nghệ đều bị đại biểu chất vấn về trách nhiệm với vấn đề nóng bỏng của người nông dân, đó là đầu ra cho nông sản.

13 năm, kể từ ngày Thủ tướng ký quyết định (số 80/2002) liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà nước, nhà doanh nghiệp) để giải bài toán đầu ra cho nông sản, sao nay vẫn…mỗi nhà một nẻo.

Người nông dân cần nhà khoa học để hướng dẫn nâng cao năng suất sản lượng, bảo quản nông sản; cần nhà nước, doanh nghiệp để tìm đầu ra, bao tiêu nông sản; định hướng, quy hoạch…thế nhưng người nông dân vẫn loay hoay với trồng cây gì, nuôi con gì.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) truy trách nhiệm của bộ trưởng về điệp khúc “được mùa mất giá”: “Là người đứng đầu của ngành nông nghiệp, bộ trưởng nói gì với người nông dân để họ yên tâm?”.

Câu trả lời của bộ trưởng là: Tình hình không đến mức “không sáng sủa” như đại biểu nêu. Bộ trưởng dẫn chứng 10 mặt hàng chủ lực thì 5 lên (hồ tiêu, hạt điều, sắn, rau quả), 5 xuống (gạo,cao su, cà phê, tôm, cá tra). Và cái lo lớn nhất của bộ trưởng Phát vẫn là tiêu thụ, khó nhất là chết biến.

“Tình hình không đến mức không sáng sủa”, nhưng vì sao người nông dân ở Quảng Ngãi, Quảng Nam phải cầu cứu các tổ chức tình nguyện. Và nhờ đó mà người nông dân không trắng tay ở vụ dưa hấu này. Tỉnh Bắc Giang, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT đang nỗ lực tìm đường ra cho vải thiều...Dường như bộ trưởng Phát thấy “sáng sủa” với mặt hàng xuất khẩu, còn thị trường trong nước thì bỏ ngỏ cho thương lái.

Trong khi người nông dân cần lắm trợ giúp của các nhà khoa học thì tình trạng “đề tài nằm trong ngăn kéo” mà Bộ trưởng Bộ KHCN tiết lộ…thêm phần thất vọng cho người nông dân.

Giá dưa hấu ở ruộng là 2.000 đồng/kg, đến chợ truyền thống là 12.000 đồng và vào siêu thị là 20.000 đồng, nguyên nhân được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nêu ra là “câu chuyện kết cấu hạ tầng lưu thông hàng hóa”.

Câu trả lời của ba bộ trưởng liên quan đến bài toàn giải đầu ra cho nông sản thế là rõ rồi nhé. Nông sản Việt không chết trên chính thị trường nội địa mới lạ.

Sáng ngày 13.6, có mặt tại thị trấn Chũ- Thủ phủ vải thiều Bắc Giang mới thấy câu nói của ông Trưởng phòng NNPTNT huyện Lục Ngạn là đúng: Vải thiều loại ngon nhất mà người dân vẫn gọi là hàng hoa thì thương lái Trung Quốc mua hết. Người ở Hà nội thì chỉ được ăn vải loại 3, 4 thôi. Giá một kg vải loại 3 ở thị trấn Chũ dao động từ 6.000 đồng-8.000 đồng/kg, về đến Hà Nội giá đến tay người tiêu dùng gấp 3 lần.

Thị trấn Chũ cách Hà Nội ngót nghét trăm cây số và giá đẩy lên gấp ba lần. Người nông dân trồng vải sạch theo chương trình để xuất khẩu, thì nay ngóng chẳng thấy đầu ra khi tỉ lệ xuất khẩu “nhỏ giọt” như cà phê phin.

Rõ ràng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước, ngành công thương vẫn phó mặc cho tư thương thì làm sao phận người nông dân không “trôi nổi” theo thương lái?

Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) chia sẻ: Ba năm trước, tôi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về đầu ra cho nông sản, nhất là hành tím ở Sóc Trăng, bộ trưởng có hứa sẽ đưa ra giải pháp tiêu thụ, đến nay kết quả không như lời hứa. Vì vậy, lần này tôi sẽ đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương làm rõ những việc đã hứa...

Còn theo Đại biểu Nguyễn Thái Học ( Phú Yên),  kỳ họp nào cử tri cũng bức xúc với tình trạng được mùa, mất giá. Thế nhưng, kỳ này họ bức xúc hơn bởi nói mãi không thấy giải pháp hữu hiệu.

Bên cạnh đó, Đại biểu Quốc hội khóa X Mùa Thị Mỷ (Lai Châu) từng phát biểu rằng, dường như nhiều bộ trưởng đã đổi họ thành họ Hứa rồi thì phải.

Xin mượn tâm trạng của đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) thay cho lời kết: Tôi muốn chất vấn làm rõ bộ nào là chủ trì trong phối hợp 4 nhà, cứ loay hoay thế này nông dân còn khổ.

Theo Lê Nguyễn Khám phá

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây