Nghệ An: Khám phá rừng lim nghìn tuổi độc nhất xứ Nghệ

Thứ bảy - 05/05/2018 07:37
Nằm cách trung tâm huyện Yên Thành khoảng 7km về phía Bắc, khu rừng già nguyên sinh gần 20 ha ở xã Hậu Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) được xem là khu rừng nguyên sinh “độc nhất vô nhị” xứ Nghệ.

"Lá phổi" của dân làng.

Một cây lim xanh có độ tuổi hàng trăm năm.

Đặt chân đến núi Tháp Lĩnh, dễ dàng nhận thấy khu rừng lim xanh này còn giữ nguyên nét hoang sơ. Càng tiến sâu vào khu rừng càng chứng kiến nhiều cây lim xanh cổ thụ, thân, cành bám nhiều rêu mốc, buôn tán cây rộng trở nên uy nghi, hùng vĩ.

Những cây lim có tuổi đời hàng trăm năm, đường kính 2 - 3 người ôm không xuể. Ngoài cây lim, còn có nhiều cây trai, gụ, trâm, trắc, dạ hương… tạo nên một không xanh gian hoang sơ, kì bí thu hút mọi tầm mắt.

Trong rừng có hàng nghìn cây lim cổ thụ.

Dân làng nơi đây không ai biết rừng lim núi Tháp Lĩnh có từ bao giờ. Những người cao tuổi nhất trong làng cũng chỉ được nghe kể lại rằng, từ thưở ông bà họ đi chăn trâu, cắt cỏ, rừng lim đã có rồi.

Cụ ông Mai Huy Định kể lại: “Theo thời xa xưa tu tạo, các bậc tiên linh nhận thấy đây là vùng đất sơn thủy hữu tình, có núi Tháp Lĩnh linh thiêng, nên đã khai dân lập ấp ở đây. Nguyên sinh vùng đất đã có rất nhiều cây lim nhỏ, được sự chăm sóc, bảo vệ cẩn thận nên rừng lim phát triển tốt, tồn tại cho đến bây giờ.

Những tán cây tỏa mát cả một vùng rộng lớn.

Hiện nay, trong rừng có hơn một nghìn cây lim xanh lớn nhỏ, có rất nhiều cây đường kính lớn, được xem là “báu vật” còn sót lại trong khu rừng nguyên sinh ở xã đồng bằng này”.

“Người dân sống ở đây cũng không rõ những cây lim xanh cổ thụ bao nhiêu tuổi, mà vẫn thường gọi rừng lim xanh nghìn tuổi. Bởi các cụ cao niên trong xã lớn lên đã thấy rừng lim xanh đứng sừng sững giữa vùng đất này rồi”, cụ Định cho biết thêm.

Đứng trên đỉnh núi Tháp Lĩnh, buông tầm mắt nhìn về phía Đông là biển cả bao la. Biển và trời hòa quyện một màu xanh nên thơ và hùng vĩ. Ở phía Tây, con đường Sen – Yên Thành nối liền với Quốc lộ Hồ Chí Minh trông như một dải lụa mềm ôm lấy xóm làng.

Thân cây lim nhiều người ôm không xuể.

Ông Lại Văn Ngân (SN 1961) hơn 10 năm bảo vệ núi Tháp Lĩnh chia sẻ: “Tôi gắn bó rất lâu với công việc bảo vệ rừng lim nguyên sinh cho xã . Ngày nào không lên với rừng lim là tôi nhớ da diết, bảo vệ rừng lim là trách nhiệm của mỗi người dân nơi đây”.

Sự tồn tại hàng nghìn cây lim xanh ở núi Tháp Lĩnh như một minh chứng cho sức sống kỳ diệu, gắn kết bền chặt, tinh thần lao động hăng say của người dân trong vùng. Bên cạnh đó, núi Tháp Lĩnh được xem là “lá phổi” duy nhất còn tồn tại nơi đây.

Chốn “cấm sơn”

Rừng lim nghìn tuổi được xem là chốn "cấm sơn"

Từ xa xưa, theo nhiều người dân nơi đây núi Tháp Lĩnh được xem là chốn “cấm sơn”. Theo tích sử kể lại: “Từ xa xưa dân làng đã đặt ra hương ước: “Hễ ai chặt một cây ở núi Tháp Lĩnh thì bị phạt và phải trồng lại 10 cây”. Chính vì những niêm luật khắt khe nên rừng lim núi Tháp Lĩnh mới tồn tại đến bây giờ”.

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Luyến – Chủ tịch UBND xã Hậu Thành cho biết: “Hiện trong rừng có hơn một ngàn cây lim lớn nhỏ, núi Tháp Lĩnh không chỉ được ví như “lá phổi” không riêng của xã Hậu Thành mà nó còn tạo không khí trong lành, cung cấp nguồn nước, thảm thực vật ... cho một không gian rộng lớn trong vùng.

“Để bảo tồn được rừng lim xanh nghìn năm tuổi đến muôn đời, xã Hậu Thành đã trích ngân sách 1,3 triệu đồng/tháng thuê người bảo vệ núi Tháp Linh và Đền Cả. Công tác chăm sóc, bảo vệ khu rừng lim xanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do không có kinh phí”, ông Luyến trăn trở.

Bảo vệ rừng lim là trách nhiệm của mỗi người dân nơi đây.

Với những người dân quê lúa nơi đây, rừng lim “nghìn tuổi” là một báu vật, là niềm tự hào của quê hương. Sự trường tồn của nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Việc bảo vệ chăm sóc rừng lim nghìn tuổi là trách nhiệm của mỗi người dân nơi đây.

Theo Nguyễn Tú Dân trí

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây