Dị nhân “bốn chân” ở Cao Bằng

Thứ sáu - 09/06/2017 20:44
Trong căn nhà vẻn vẹn 10m2 tiêu điều, xơ xác, người đàn ông sống “lê lết” với căn bệnh bại liệt đã nửa đời người.
Căn bệnh biến ông Lâm Văn Sạch (năm nay đã 67 tuổi) thành một người sống cuộc sống của một con… rùa ở vùng thâm sơn, cùng cốc Ca Liệng, xã Thụy Hùng, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.

Đi “bốn chân” đã nửa đời người

Đang nhoài người “đánh vật” với những bậc đá gập ghềnh, lởm chởm, sắc nhọn áng chừng 20 – 30 phân để xuống khe suối lấy nước, thấy có khách lạ ghé thăm, ông Lâm Văn Sạch dừng lại ngóc đầu lên nhìn khách y như một con rùa: “Đợi tôi một chút để tôi xuống suối lấy nước”. Nói xong hai tay, hai chân ông bò xuống khe suối nhỏ cách nhà khá xa.

 Khi di chuyển cả hai tay, chân đều phải chống xuống đất để đi nên người ta ví ông như dị nhân "bốn chân".

Sau khi lấy nước về, ông mời khách vào nhà, lăn khúc gỗ mục mà hôm qua ông vừa vào rừng kéo về để ngồi. “Thấy lạ lắm không, chắc cũng lạ lắm hả?", ông Sạch bật ra câu hỏi như đoán được suy nghĩ và cái nhìn ngạc nhiên của khách.

Rót bát nước mời khách, khi câu chuyện trở nên thân mật, chợt ông hướng ánh mắt về nơi xa xăm vô định kể về bản nhạc buồn cuộc đời mình.

Ông Sạch vốn sinh ra trong gia đình người Mông, tại huyện Phục Hòa, Cao Bằng. Ngay từ khi sinh ra, bệnh tật đã làm bạn với ông như thể duyên nợ. Trong một lần bố ông mật phục được một con gấu vào ăn ngô, đã thịt con gấu đó cho con ăn với hi vọng sức khỏe sẽ được cải thiện. Nhưng ngày hôm sau, cơ thể ông nóng ran, sốt liên tục một thời gian dài. Nằm li bì trên giường quá lâu nên đôi chân ông không còn đi lại bình thường được nữa.

Năm tháng trôi đi ông chỉ nằm được một chỗ, mọi sinh hoạt đều dựa cả vào cha mẹ. Cha mẹ ông cũng không thể chăm sóc được ông cả đời. Khi cậu bé Sạch được hơn 10 tuổi, người cha đã mất do bệnh tật, rồi 2 năm sau người mẹ cũng đi theo chồng bỏ lại ông bơ vơ một mình.

Ông Sạch rót nước mời khách và kể chuyện cuộc đời mình.

Trước hoàn cảnh éo le, một người họ hàng ở xã Thụy Hùng, nơi ông đang ở hiện tại, đã xin cho ông mảnh đất để trú thân tại vùng núi Ca Liệng này.
Bà con trong bản làm giúp ông một căn nhà nhỏ để ở tạm. Mang tiếng là căn nhà nhỏ nhưng nó chỉ là một túp lều không vững chãi, xiêu vẹo, nhỏ bé khép nép bên những cây gỗ rừng tồn tại từ đó đến bây giờ.

Nghẹn ngào trước sự thăm hỏi của tôi, nước mắt ông rỉ ra lúc nào không biết: "Ấy vậy mà đã gần nửa đời người, chưa bao giờ tôi đứng được cao hơn 1 mét, cả tay, chân phải chống xuống đất để bò đi nay đã chai sạn". Đôi mắt ông hất lên phía trên để quan sát: "Nhiều khi tôi thèm cảm giác được đứng, được đi như bao người bình thường khác. Nhưng số phận đã an bài như vậy, thôi thì cứ mặc kệ, sống được ngày nào hay ngày đó”.

Nhìn đôi tay thay đôi chân toe toét những vết sẹo, ông Sạch rầu rầu cho biết: “Đường xuống khe suối dốc quá, tôi không giữ được thăng bằng nên bị ngã lăn lông lốc như khúc gỗ lao xuống xuống suối, cả người bầm tím. Không thuốc thang, đau lắm những cũng cố chịu, rồi cũng khắc khỏi ấy mà”.
Lối đi xuống khe suối chỉ khoảng hơn 200 mét, nhưng ông Sạch phải mất hơn 30 phút di chuyển, lưng còng không gánh được nước, ông cho nước vào chai Cô Ca loại 1,5 lít. Mỗi lần như thế, ông lấy được 2 bình đeo vào sau lưng gùi về. Để thuận tiện trong việc di chuyển ông làm hai cái ghế nhỏ vừa hai tay để khi đi, ông Sạch dùng hai cái ghế để lót tay, thuận tiện cho việc chống tay đi lại.

Địa hình núi đá lởm chởm gây khó khăn trong việc đi lại của ông nhưng hàng ngày ông vẫn cần mẫn vào rừng kiếm những que củi khô, rau rừng, xuống khe suối lấy nước… để tự nuôi sống bản thân mình, không phải phụ thuộc vào ai.

Tuổi già sức yếu, bệnh tật, lại cộng thêm đôi tay, chân bại liệt nên khi trái gió, trở trời, cơ thể ông lại đau nhức. Đặc biệt là đôi chân của ông, hơi tí nó lại lại tím tái, run lên bần bật. Không tiền chạy chữa bệnh tật nên ông cũng không biết mình bị mắc chứng bệnh gì mà chỉ biết rằng khi ai đó gặp ông đều chào ông là “bác bốn chân”.

Anh Hà Văn Thiện - Trưởng thôn Ca Liệng cho biết: “Ông Sạch là một trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tay chân đều bị liệt, đi chuyển phải dùng cả tay và chân để bò đi và đường đi lối lại của nhà ông cũng rất khó khăn. Hàng năm xóm vẫn giúp đỡ ông nhưng cũng chỉ được phần nào”.

Người đàn ông sống trong bóng tối

Một điều mà ai gặp đều dễ nhận thấy ở người đàn ông ở cái tuổi “toan về già” này là ánh mắt buồn, hằn sâu trong đó là sự cô đơn, trống vắng tình cảm gia đình. Vì ở cái tuổi của ông lẽ ra giờ đã được an nhàn hưởng tuổi già, vui vẻ cùng con cháu nhưng với ông điều đó quá xa vời. Vì vậy mà khi có ai ghé hỏi thăm, ông đều tranh thủ nói, cười rất nhiều. Ông bảo, sống một mình ông thèm lắm được nghe giọng người khác để được an ủi phần nào.

 Thỉnh thoảng ông Sạch lại ngồi trước sân nhà mình ngóng người qua lại để trò chuyện.

Cuộc sống vẫn trôi đi “lùi lũi” trong những chuỗi ngày dài đằng đẵng, sức khỏe cùng vơi cạn dần nhưng hàng ngày ông vẫn phải tự mình kiếm củi, rau rừng, nước… Ông sống cùng căn bệnh bại liệt bên mái nhà che được nắng mà chẳng thể che được hết mưa.

Căn nhà nhỏ của ông Sạch, là nơi trú mưa, nắng cho bọn trẻ lên chăn trâu. Nó như một nhịp cầu nối ông với bọn trẻ. Ông chỉ biết nhìn bọn trẻ rồi thầm cảm ơn những tiếng cười, vui đùa bên ông giúp ông vơi bớt đi được phần nào tình cảm gia đình, nhưng ông cũng hiểu rằng niềm vui ấy chẳng được bao lâu bởi khi trời tối, lũ trẻ lại đi về, bỏ lại ông lầm lũi với đêm tối.

Ông Sạch chia sẻ: “Tôi mừng, thỉnh thoảng lại có người ghé vào thăm hỏi, hay có đoàn từ thiện từ ngoài thành phố vào hỗ trợ quần áo, gạo… và giúp sửa lại mái nhà, nhóm lửa nấu cơm ăn cùng. Những lúc như thế cũng có cảm giác như một đại gia đình mà tôi luôn mơ ước”.

Khi được hỏi ông sợ nhất điều gì? Ông cho biết sợ nhất bóng tối, nhà xa không có tiền kéo được dây điện nên khi màn đêm buông xuống, tất cả lại chìm vào bóng đêm. Nhà ông chỉ có một ánh đèn lẻ loi sáng. Cuộc sống khó khăn, lại thêm thiếu thốn tình cảm gia đình, nhiều khi ông nghĩ quẩn “có lẽ chết đi sẽ nhẹ nhàng hơn”.

Cuộc sống của ông chỉ dựa vào chút ít tiền trợ cấp xã hội là 340 nghìn đồng/1 tháng. Với số tiền ít ỏi đó cũng chỉ đủ để mua được ít gạo cho một tháng ăn.

Người đàn ông mà tôi gặp tên Sạch ấy không có ước mong gì cao sang chỉ mong được có điện thắp sáng, có bữa cơm thịt để ăn và trở lại quê cũ một lần để được thăm viếng cha, mẹ sinh thành ra ông. Ông cũng mong được nói chuyện với mọi người để vơi bớt sự cô đơn, sầu tủi của ông trong những ngày tháng cuối đời.

Mặt trời dần lẩn khuất sau những ngọn núi cao vút vùng Ca Liệng, cũng là lúc tôi xin phép ông để trở ra thành phố. Trong lòng tôi không khỏi khắc khoải về hình ảnh người đàn ông với dáng người lom khom, nhỏ bé, tật nguyền tứ chi, cuộc sống của ông sẽ như thế nào khi ông sắp ở cái tuổi gần đất xa trời?
Mọi sự giúp đỡ của độc giả xin gửi về:
1. Ông Lâm Văn Sạch, thôn Ca Liệng, xã Thụy Hùng, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.
2. Tòa soạn Báo điện tử Kiến Thức
Địa chỉ: Số 465 Hoàng Hoa Thám, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Số điện thoại: (04) 62.765.887; (04) 62.765.886. Hotline: 0974.974.104
Số tài khoản ngân hàng: 126.10.000.119.106 tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Ba Đình (Hà Nội). Chủ tài khoản: Báo điện tử Kiến Thức.
Xin vui lòng ghi cụ thể tên người được hỗ trợ hoặc tên bài báo có nhân vật được hỗ trợ. Kienthuc.net.vn cam kết chuyển tận tay.

Theo Trung Kiên (Kiến thức)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây