Con nhà nghèo dễ trầm cảm hơn con nhà giàu

Thứ bảy - 10/06/2017 17:32
Số tiền cha mẹ kiếm được ảnh hưởng đến kết nối não và tác động đến sức khỏe tâm thần của trẻ em.
Nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành The American Journal of Psychiatry đã chỉ ra mối liên hệ giữa số tiền các bậc phụ huynh kiếm được và sự kết nối trong não trẻ.

Nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Washington St Louis (Mỹ) đã phân tích các bản MRI scan (chụp cộng hưởng từ) của 105 trẻ em, độ tuổi từ 7 - 12 tuổi. Qua đó, họ phát hiện ra cấu trúc kết nối não của trẻ sinh trong gia đình nghèo khác với các bạn sinh ra trong gia đình giàu có hơn.

Cấu trúc liên kết não ở trẻ em nghèo ảnh hưởng tiêu cực đến việc học cũng như điều chỉnh mức độ căng thẳng và cảm xúc - Ảnh: UN

Mức độ giàu nghèo trong trường hợp này được đo dựa vào tài khoản của thành viên trong gia đình và thu nhập hàng năm của họ. Quan trọng nhất là các cấu trúc não này ảnh hưởng đến việc học cũng như điều chỉnh mức độ căng thẳng và cảm xúc của trẻ.

Trưởng nhóm nghiên cứu Deanna Barch cho biết: “Nghiên cứu trước đây từng cho thấy giải phẫu não trẻ nhà nghèo có điểm khác biệt. Kích thước vùng hồi hải mã (liên quan đến hoạt động lưu giữ thông tin và hình thành ký ức trong trí nhớ dài hạn và khả năng định hướng trong không gian) và hạch hạnh nhân (nơi xử lý các yếu tố gây cảm xúc) thường thay đổi đối với trẻ lớn lên trong điều kiện nghèo đói.

Trong nghiên cứu này chúng tôi tìm ra cách các cấu trúc ấy kết nối với phần còn lại của não thay đổi theo hướng ít hiệu quả trong việc điều tiết cảm xúc và căng thẳng”.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra trẻ em sống ở điều kiện nghèo giai đoạn mầm non có nhiều khả năng bị trầm cảm lúc 9 - 10 tuổi hơn các em đồng niên được nuôi dưỡng ở gia đình giàu.  

Nếu muốn thay đổi “con đường” tiềm năng dẫn từ đói nghèo đến rối loạn cảm xúc, hãy tăng thu nhập dù chỉ một chút - Ảnh: Sun News

Từ trước, người ta đã biết rằng nhà khó khăn thì trẻ có nguy cơ cao với các bệnh tâm thần và ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập. Tuy nhiên, họ chưa rõ cụ thể tại sao tồn tại liên kết này. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng đó là kết quả của các yếu tố môi trường như dinh dưỡng kém, việc phải tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá cũng như các chất độc khác và cơ hội giáo dục bị hạn chế.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra “con đường” tiềm năng dẫn từ đói nghèo đến rối loạn cảm xúc. Các em nhà nghèo có hồi hải mã và hạch hạnh nhân liên kết với các phần khác của não yếu kém hơn.

Bên cạnh đó, nếu nghiên cứu trước đây khẳng định dù hai vùng hồi hải mã và hạch hạnh nhân ở trẻ em nhà nghèo đều nhỏ hơn nhưng sự thay đổi vật lý này sẽ đảo chiều nếu các em được cha mẹ nuôi dưỡng đúng đắn. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu mới đây lại không tìm thấy bằng chứng về sự đảo chiều cần thiết nói trên khi kết nối não đã bị ảnh hưởng.

Dù vậy điều đó không có nghĩa là chúng ta không làm được gì. Có một hướng khắc phục dựa theo kết quả nghiên cứu chưa từng có ở Mỹ công bố năm ngoái.

Nó đã cho thấy chỉ cần tăng một chút thu nhập hàng năm ở các gia đình nghèo đã có thể làm nên hiệu quả đáng kinh ngạc.

Cụ thể, dự án theo dõi sức khỏe tâm thần của trẻ em gia đình thu nhập thấp được thực hiện tại Bắc Carolina.

Sau đó, một phần tư số gia đình này được nhận thêm 4.000 USD/người/năm. Sau hai thập niên, nghiên cứu phát hiện rằng chỉ cần tăng một chút thu nhập thì con trẻ trong các gia đình nghèo tự nhiên có cảm xúc tốt hơn, hành vi tốt hơn và tinh thần cũng tốt hơn so với các bạn.

Deanna Barch khuyên: “Rất nhiều điều có thể thúc đẩy sự phát triển của não bộ và cải thiện cảm xúc tích cực. Nghèo đói không đẩy trẻ em vào quỹ đạo định trước nhưng nó khiến chúng ta phải nhớ rằng những trải nghiệm quá sớm trong cuộc sống đang ảnh hưởng đến sự phát triển và chức năng của não.

Nếu chúng ta muốn can thiệp, chúng ta phải làm điều đó sớm để có thể thay đổi quỹ đạo phát triển của con theo hướng tốt nhất có thể”.

Theo Tạ Ban khám phá

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây