Tối 8/9, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết vừa ký kết quy chế phối hợp với 10 tỉnh miền Trung khác, gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển.
Việc ký kết phối hợp giữa các tỉnh nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm, khai thác bất hợp pháp nguồn lợi thủy sản, vi phạm vùng biển nước ngoài, đối với tàu cá và thuyền viên của tỉnh này trong hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển của tỉnh kia.
11 tỉnh từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa sẽ phối hợp quản lý tàu thuyền.
Theo quy chế, UBND các tỉnh thống nhất chỉ đạo sở, ngành, đoàn thể có liên quan, tăng cường tuyên truyền sâu rộng văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương về việc không đánh bắt thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài và trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là Luật Thủy sản 2017 cho ngư dân. Đồng thời, tuyên truyền cho ngư dân biết ranh giới vùng biển Việt Nam với các nước, nhất là khu vực chưa phân định, chồng lấn, nhạy cảm...
Các tỉnh có nhiệm vụ thống kê, giám sát số lượng tàu cá đang hoạt động trên biển cũng như việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu. Đồng thời, giám sát việc tàu cá chấp hành cập cảng chỉ định, chống khai thác bất hợp pháp và cập cảng bốc dỡ thủy sản không đúng quy định.
Việc phối hợp còn giúp truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt được.
11 tỉnh sẽ cùng phối hợp, hỗ trợ tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá, thuyền viên hoạt động khai thác thủy sản có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài; trong đó, chú trọng tàu cá, thuyền viên trong danh sách được đề nghị tăng cường hỗ trợ kiểm tra, kiểm soát.
Ngoài ra, các tỉnh thực hiện việc quản lý, kiểm soát tàu cá của các tỉnh khác đến hoạt động cũng giống như tàu cá của tỉnh nhà và có trách nhiệm trong quản lý, tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở không để tàu cá của các tỉnh khác đến hoạt động đánh bắt thủy sản vi phạm pháp luật, kể cả đánh bắt thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài.
Các tỉnh thống nhất chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng làm tốt việc tuần tra kiểm soát, đăng ký, kiểm chứng phương tiện xuất, nhập bến tại các đồn biên phòng, trạm kiểm soát biên phòng; kiên quyết xử lý không cho tàu cá xuất bến khi không có đủ giấy tờ, trang thiết bị theo quy định…
Việc quản lý, xử lý tàu cá vi phạm sẽ thắt chặt.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh - cho biết, hiện toàn tỉnh có 2.784 tàu cá, trong đó có 439 tàu dài 12-15m, hoạt động tại vùng lộng; 96 chiếc dài từ 15m trở lên làm các nghề câu, vó, mành, vây, lồng bẫy, chụp mực... 2.249 tàu còn lại các các tàu nhỏ dưới 12m, chiếm hơn 80%, làm nghề rê, câu, hoạt động ven bờ trong tỉnh.
“Tàu cá toàn tỉnh đều đánh dấu, vẽ biển số theo quy định, trong đó hơn 90% tàu cá đã có giấy phép khai thác thủy sản. Sản lượng khai thác thủy sản hàng năm đạt gần 39.000 tấn. Việc các tỉnh phối hợp với nhau sẽ giúp việc quản lý tàu cá cũng như truy xuất nguồn lợi thủy hải sản đánh bắt đầy đủ, chính xác hơn”, ông Hoàng nói.
Đại diện Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cho biết thêm, trong 8 tháng đầu năm, tại các cảng cá trên toàn tỉnh có 6.365 lượt tàu cá cập cảng; 6.404 lượt tàu cá rời cảng. Sản lượng thủy sản qua cảng là 2.290 tấn. Thu 6.029 nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản đối với các tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 mét trở lên. Ngành chức năng cũng tổ chức 124 đợt tuần tra, kiểm soát trên biển, phát hiện, xử lý 24 vụ/27 tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), xử phạt hành chính hơn 500 triệu đồng.