Theo nhiều chuyên gia, đã đến lúc phải nói không với bạo lực học đường và phục hồi các giá trị tích cực trong môi trường sư phạm nhất là sau những vụ việc như vụ hai nữ sinh ở Nghệ An đánh lộn, cào nhau rách mặt.
Những ngày qua mạng xã hội xôn xao việc một nữ sinh ở Nghệ An đã bị một nữ sinh cùng trường cào cấu dẫn tới mặt chi chít vết xước.
Theo thông tin được chia sẻ, nữ sinh bị cào xước mặt là em L.T.H (học sinh lớp 8, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, Nghệ An).
H. bị chi chít vết thương trên mặt
Báo cáo ban đầu của nhà trường cho hay, sự việc diễn ra sau khi hết tiết 4, chuẩn bị vào học tiết 5 ngày 24/3 tại Trường PT DTBT THCS Thạch Ngàn.
Vào thời điểm trên, 2 em L.T. N. (lớp 9A2) và L.T. H. (lớp 8A1) xảy ra xô xát, cào cấu mặt nhau. Phát hiện sự việc, nhà trường đã yêu cầu các em này làm bản tường trình và tự kiểm điểm.
Qua trình bày của học sinh, N. và H. đều có em gái học lớp 6A3 cùng trường. Do 2 em gái xảy ra mâu thuẫn nên H. đã đến và xô đẩy em gái của N.
Để “bảo vệ” em gái của mình, N. đã chạy lại cầu thang nhắc nhở H. Sau đó, 2 bên xảy ra xô xát. Kết quả Lưu Thị H. bị cấu nhiều hơn, trên mặt có nhiều vết sưng đỏ.
Sau khi xác minh rõ sự việc, nhà trường đã đến làm việc, trao đổi với cả 2 gia đình, đồng thời báo cáo sự việc với chính quyền địa phương, Phòng GD&ĐT huyện Con Cuông.
Về phía các em học sinh cũng đã nhận sai, xin lỗi nhau và tự hứa trước gia đình sẽ không vi phạm nữa.
Hai gia đình tự thỏa thuận, theo đó, gia đình em Lữ Thị N. có trách nhiệm trước sự việc khiến cho em H. bị tổn thương ở mặt. Nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên phía em N. mới chỉ đưa 300 nghìn tiền mua thuốc cho H. Thấy không thỏa đáng, gia đình em H. đã đăng hình ảnh, thông tin sự việc lên mạng xã hội, gây xôn xao dư luận.
Theo cô Nguyễn Phương Chi – nguyên Giảng viên khoa Tâm lý (ĐH Sư phạm Hà Nội 2), để ngăn chặn bạo lực học đường thì vai trò của gia đình và nhà trường là hết sức quan trọng.
“Rất nhiều học sinh khi bị bạn đe dọa, đánh đập đã không dám chia sẻ nửa lời với bố mẹ vì trong những trường hợp như thế bố mẹ không đứng về phía các em mà còn mắng nhiếc khiến các em không tìm được tiếng nói chung với bố mẹ.
Điều đầu tiên, bố mẹ phải sẵn sàng lắng nghe tâm sự của con để đứa trẻ thấy rằng gia đình là chỗ dựa, là nơi mọi thứ con đều có thể nói ra, đều có thể tâm sự. Có như vậy đứa trẻ mới sẵn sàng chia sẻ những vấn đề mà con gặp trong cuộc sống.
Từ đó khi con thấy mình bị đe dọa, có nguy cơ bị hành hung ngay lập tức con sẽ chia sẻ với bố mẹ. Như vậy, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc bảo vệ con trước bạo lực học đường”, cô Chi cho hay.
Không chỉ cô Chi mà nhiều người khác cũng cho rằng để hạn chế bạo lực học đường nhà trường cần tăng cường hơn nữa giáo dục đạo đức thông qua bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường cho các em. Nhà trường là nơi dạy cho các em sống có trách nhiệm, biết yêu thương và sẻ chia cuộc sống với các bạn khác.
Theo cô Chi, hiện nay, chúng ta đang dạy học sinh cách chống bạo lực học đường, xử lý với bạo lực nhưng lại quên mất việc dạy học sinh biết giá trị yêu thương, tôn trọng lẫn nhau.
“Nhà trường cũng nên giúp cho các em nhận thức được hậu quả của bạo lực học đường cũng như có những quy định nghiêm khắc về việc nếu các con vi phạm sẽ bị xử lý ra sao để răn đe những hành động bạo lực.
Cùng với đó, nhà trường có thể tổ chức buổi tuyên truyền, các giờ hoạt động ngoại khóa hoặc lồng ghép nội dung về bạo lực học đường trong các giờ dạy môn khác. Một thực tế mà ít ai quan tâm là hiện nay các học sinh đều quan tâm đến các video đánh hội đồng trên mạng vì tò mò, tất nhiên cổ vũ đánh nhau hoặc xem các clip bạo lực học đường xuất phát từ suy nghĩ “cho vui” nhưng lại không nhận thức được hậu quả nghiêm trọng mà nạn nhân phải chịu đựng sau khi bị bạo lực học đường”, cô Chi nói.
Link gốc: https://infonet.vietnamnet.vn/chuyen-de/van-hoa-hoc-duong/vu-nu-sinh-nghe-an-bi-cao-rach-mat-chung-ta-dang-quen-mat-viec-day-hoc-sinh-biet-gia-tri-yeu-thuong-280292.html