Những ngày qua liên tiếp các Sở GDĐT trong cả nước đã đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm theo quy định mới.
Sở GDĐT TP HCM đã yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT. Sở này cũng thông báo ngưng tiếp nhận hồ sơ xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm kể từ ngày 30/9/2019.
Còn Sở GDĐT tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh chưa làm hồ sơ xin cấp phép dạy thêm học thêm; các phòng GDĐT chưa cấp phép dạy thêm, học thêm năm học 2019-2020.
Hay Sở GDĐT TP Đà Nẵng cũng ra thông báo về việc tạm dừng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp phép dạy thêm, học thêm.
Trước đó, ngày 26/8/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT về việc công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.
Lý do được đưa ra là các điều này đã hết hiệu lực theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Đầu tư ngày 26/11/2014.
Thời điểm hết hiệu lực là ngày 01 tháng 7 năm 2016.
Cụ thể, các điều hết hiệu lực trong Thông tư số 17 gồm: Điều 6: Tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; Điều 8: Yêu cầu đối với người dạy thêm; Điều 9: Yêu cầu đối với người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; Điều 10: Cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm; Điều 11: Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; Điều 12: Hồ sơ cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm; Điều 13: Trình tự, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; Điều 14: Thời hạn, gia hạn, thu hồi giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; Đình chỉ hoạt động dạy thêm, học thêm.
Như vậy, có thể nói từ sau ngày 01/7/2016 tới nay, các trường hợp được cấp phép dạy thêm, học thêm trên cả nước đều là "trái phép" vì tới thời điểm này, Bộ GDĐT vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn việc cấp phép dạy thêm, học thêm./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn