Tư tưởng nhà Phật trong thơ Nguyễn Đăng Độ

Thứ ba - 30/05/2023 06:43
Thơ Nguyễn Đăng Độ không chỉ mang ý, mang tình mà còn mang tâm. Tâm thành của người đứng trước Phật, trong ngần như hạt sương mai mà thấu suốt cả vũ trụ, như hồ thu phẳng lặng mà thăm thẳm tận cõi nào, như ngọn gió vô hình mà thổi mát muôn loài vạn vật…
D2023053005 1

Đạo Phật là một đề tài lớn với thơ ca Việt Nam, bởi đạo Phật có lịch sử gắn bó lâu đời với dân tộc ta, và những triết lí của nhà Phật cũng hết sức gần gũi với con người như thể đó là tính cách, là ứng xử, là hơi thở vậy. Thơ ca luôn luôn phản ánh đời sống của con người, đặc biệt là đời sống tâm hồn. Và chắc chắn, người Việt là dân tộc vốn rất trọng phần hồn, phần tâm linh.

Ở một số trường hợp tiêu biểu trong sáng tạo nghệ thuật, đạo Phật đã được nâng lên thành tư tưởng Phật giáo. Khi nghiên cứu nền văn học dân tộc, chúng ta không thể bỏ qua nền văn học viết về Phật giáo và những tư tưởng Phật giáo trong thi ca. Một số cái tên quan trọng trong đề tài này như Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi. Văn học đương đại xuất hiện những tác giả - tác phẩm đặc biệt quan tâm và có những góc nhìn mang tư tưởng của nhà Phật, trong đó phải kể đến bài thơ Lễ chùa Quan Âm của Nguyễn Đăng Độ.

Nếu chỉ là sự biểu đạt lại những tư tưởng Phật giáo thì có lẽ chúng ta sẽ không có nhiều điều để nói thêm, tuy nhiên, thơ Nguyễn Đăng Độ, bên cạnh sự sáng tỏ của tư tưởng Phật giáo thì anh còn đem đến một mĩ cảm riêng cho những quan niệm, tư tưởng đã có. Nhờ sự mĩ cảm ấy mà tư tưởng nhà Phật nhiều khi vốn tưởng cao siêu trừu tượng đã dễ dàng thấm vào tâm thức bạn đọc. Từ “thấy” đến “thấm” rồi “ngộ” là một quá trình mà thậm chí bao người đi một đời không hết. Nhưng thơ ca, bằng khả năng diễn tả và tri ngộ của mình mà có thể làm được những điều như thế.

Bối cảnh của bài thơ được bắt đầu bằng ngày lễ vía Quan Âm, một ngày lễ trọng đại của đạo Phật:

Hôm nay ngày vía quan âm

Hương thơm một nén thành tâm dâng ngài


Đó là một sự bắt đầu vô cùng giản dị, nhẹ nhàng và tinh khiết. Khi những câu thơ cất lên, tôi cảm giác như có một bông hoa vừa khẽ nở trong tâm hồn mình; một làn hương thanh khiết vừa xoa dịu những sân si; một dòng suối mát trong vừa chảy qua những nỗi niềm bức bối… Và đặc biệt, bối cảnh ấy lại càng hài hòa hơn trong những câu thơ lục bát. Dường như, nhịp điệu, thể phách của lục bát vừa vặn phù hợp để chuyển tải những tư tưởng và thẩm mĩ của người viết trong bài thơ này. Lục bát là thể thơ đã ăn sâu, bắt rễ vào cơ tầng văn hoá Việt Nam. Lục bát chính là cội nguồn, là niềm tự hào của cả nền văn học Việt Nam. Có thể nói, việc lựa chọn hình thức lục bát cho bài thơ mang đậm tư tưởng Phật giáo của Nguyễn Đăng Độ là sự lựa chọn “kinh điển” mang đến sự tối ưu trong việc tác giả muốn tôn vinh những giá trị gốc rễ trong tâm thức cũng như trong nền văn hoá Việt.

Sau nhiều cuộc cách mạng thơ ca, nhiều sự biến đổi thăng trầm của mỗi giai đoạn với rất nhiều quan niệm, phong cách… nhưng sau cùng, những gì đọng lại và đi được với thời gian vẫn là sự giản dị, sâu lắng và gợi mở. Ở thơ Nguyễn Đăng Độ bạn đọc sẽ gặp những yếu tố này:

Người đi lễ mặt sáng ngời

Ánh nhìn rạng rỡ muôn nơi rộng dài


Không để bạn đọc phải hoài công vào những ngôn từ khó hiểu, xa xôi, Nguyễn Đăng Độ như một hoạ sĩ nghiêm cẩn, dụng công và tỉ mỉ phác lên từng nét để dần tạo nên bức tranh vô cùng sinh động, đầy màu sắc, và đặc biệt là gợi ra được không khí, cái thần của ngày vía Quan Âm. Hình ảnh những người đi lễ mang khuôn mặt sáng ngời, tưởng như chỉ là một nét miêu tả thuần tuý hiện thực, nhưng nhà thơ không phải là người copy hiện thực vào trang viết. Thơ là khi nhà thơ đem những điều vốn dĩ thường hằng vào trang viết và khiến nó có thông điệp, hàm ý sâu xa.
 
D2023053005 2
Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ
 
Ẩn sau sự thuần tuý ấy là những vỉa tầng sâu xa của tâm linh tôn giáo. Những gương mặt sáng ngời thể hiện niềm tin, sự kính ngưỡng với Quan Thế Âm Bồ Tát, đồng thời đó cũng là sự suy tôn cái thiện, cái đẹp. Những gương mặt sáng ngời với đôi mắt rạng rỡ nhìn được xa trông được rộng ấy chính là nhờ vào đức hạnh từ bi mà Quan Thế Âm Bồ Tát phát tâm bồ đề.

Nụ cười trong thơ Nguyễn Đăng Độ cũng chính là vẻ đẹp tinh thần trong Phật giáo - sự sảng khoái, nhẹ nhàng, giải thoát… như nụ cười đầy đạo vị của ngài Ca Diếp, của Phật Di Lặc. Nụ cười ấy trong thơ đã mang đầy đủ nghĩa hàm ẩn để gợi đến những câu chuyện lớn hơn, tư tưởng lớn hơn cái thông thường mà ta thấy. Vậy nên, có thể nói Nguyễn Đăng Độ đã có những câu thơ chân thực nhưng chứa đựng cái nhìn siêu thực. Cái nhìn ấy chính là đôi mắt xanh, là sợi chỉ đỏ để bạn đọc có thể neo vào để đi trên cây cây cầu liên tưởng. Khi nhà thơ nói được điều lớn lao một cách dung dị nhất, gần gũi nhất là khi nhà thơ có được tư tưởng cho sáng tạo nghệ thuật của mình.

Thơ Nguyễn Đăng Độ không chỉ mang ý, mang tình mà còn mang tâm. Tâm thành của người đứng trước Phật, trong ngần như hạt sương mai mà thấu suốt cả vũ trụ, như hồ thu phẳng lặng mà thăm thẳm tận cõi nào, như ngọn gió vô hình mà thổi mát muôn loài vạn vật… Sự tâm thành sáng trong mà sâu sắc ấy càng được đẩy lên cao hơn khi trước Phật người không mong cầu cho bản thân mình mà nghĩ đến muôn dân, muôn loài, nghĩ đến đất nước xã tắc:

Chắp tay đứng trước phật đài

Cầu cho quốc thái muôn loài an yên

Cầu cho nhẹ bước chân thiền

Tu tâm tích đức muộn phiền xả buông


Trước Phật dường như con người không giấu được mình. Nhân tâm con người ra sao thì trước Phật sẽ hiện diện như vậy. Những câu thơ như những mong cầu tưởng cũng là lẽ thường tình như bất cứ ai khi đến cửa Phật sẽ đều chắp tay để xin Phật. Thế nhưng, khi chúng ta đọc chậm lại, ngẫm lâu hơn sẽ thấy, ở đó chứa đựng mĩ học của tư tưởng Phật giáo. Trước hết, đó là cái đẹp của đạo vị - đó là cái đẹp có thần, có hồn mà Phật giáo đánh giá rất cao.

Cái đẹp đạo vị trong thơ Nguyễn Đăng Độ ấy là không thiên về những cảnh vẻ bề ngoài mà anh hướng đến sự thiện lành của tâm đức, của nhân vị tính: cầu cho quốc thái dân an, nhẹ bước chân thiền, tu tâm tích đức, buông xả muộn phiền… Bên cạnh đó, thơ Nguyễn Đăng Độ cũng toát lên vẻ đẹp đạo đức của con người Phật giáo và vẻ đẹp trong tu tập. Nhà thơ luôn lấy yêu thương làm bản vị, làm nền tảng, thước đo cho mọi giá trị. Nhà thơ đã loại bỏ được những tham, sân, si của con người mà ít ai tránh được. Nếu xem thơ chính là bản diện của người thì thơ Nguyễn Đăng Độ cho thấy anh đã hướng đến sự thuần thiện, từ bi, hỉ xả - một cốt cách đẹp minh chứng cho vẻ đẹp của Phật giáo. Điều này là vô cùng ý nghĩa, bởi tôn giáo không thể tự đẹp nếu không có con người tôn giáo.

Thơ ca như dòng suối nhỏ nhưng mạch nguồn là vô tận, tuôn cho đời sự yêu thương mát trong vô ngần. Từng cặp lục bát như quấn quyện, như nâng đỡ và đẩy ý thơ, tình thơ dâng lên:

Trái tim đầy ắp yêu thương

Tấm lòng thanh sạch thiện lương an bình

Cõi đời muôn nỗi nhục vinh

Khi về cõi Phật thân mình có chi


Nếu ở hai khổ thơ trước là sự giới thuyết về đạo Phật và con người có Phật tính thì ở đây Nguyễn Đăng Độ đã thực sự dấn sâu vào cõi Phật bằng những tư tưởng của Phật giáo. Những yêu thương, nhân ái trong hồn thơ anh luôn hiện diện trong từng nhịp thơ, ý thơ, câu thơ. Khi những yêu thương ăm ắp trong tim là khi con người đã sẵn sàng để cho đi, để cảm hoá, giải thoát. Lúc này, những tư tưởng lớn đã được chuyển hoá bằng những hành động đẹp đẽ nhân văn, bằng lời ăn tiếng nói chân thành mộc mạc… Và dù là hành động hay lời nói thì cũng thể hiện sự thiện lương, thanh sạch. Như câu tục ngữ “ở hiền gặp lành”, sự yêu thương vô điều kiện sẽ đem đến cho con người thanh thản, an yên.
 
D2023053005 3

Tư tưởng vô thường của Phật giáo đã in đậm trong thơ Nguyễn Đăng Độ. Đạo lí vô thường là bài học lớn mà nhà thơ gửi gắm trong thơ, trong đó phải kể đến sự vô chấp. Con người cần có cái nhìn vô chấp để được tự do, thanh thản vì sau tất cả những vật chất hữu hình thì cảm giác/cảm nhận của chúng ta về đời sống này mới là quan trọng. Ấy cũng là khi ta đã ngộ.

Cõi đời muôn nỗi nhục vinh

Khi về cõi Phật thân mình có chi


Những triết lí lớn lao, sâu sắc ấy qua thơ Nguyễn Đăng Độ như qua một lần được chuyển hoá để đến gần hơn với tâm thức của chúng ta. Những vinh nhục ở đời rồi cũng gió thổi mây bay. Thế thì điều quan trọng, điều còn lại trong mỗi chúng ta vẫn là những yêu thương sâu nặng. Nhẹ nhàng, tinh tế, lịch lãm nhưng cũng đầy sức nặng là phong cách viết quen thuộc của Nguyễn Đăng Độ. Những câu thơ của anh vừa như ca dao thủ thỉ tâm tình, vừa như tục ngữ đúc rút sâu xa, thấm nhuần bao nhiêu mưa nắng cuộc đời, bao thăng trầm được mất để rồi chưng cất nên… Và bởi đã đủ hiểu, đủ thấu nên thơ anh cứ nhẹ nhàng thấm vào tâm thức chúng ta những lời gan ruột:

Xin đừng tính toán vân vi

Hương thơm cửa Phật vơi đi nỗi niềm

Hào quang cửa Phật chỉ đường

Thế gian cũng chỉ vô thường mà thôi…


Câu thơ như hoa lá nở trong hồn ta, như mây trắng nhẹ trôi trên bầu trời vòi vọi, như chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa tâm hồn cho ánh sáng ùa vào. Hình ảnh hương thơm cửa Phật như một gợi dẫn chân thực nhất về Phật tánh mà có lẽ chúng ta không cần phải tô vẽ thêm. Chỉ cần trong tâm có Phật thì mọi sự sẽ đều không còn nặng nề. Đến đây, Nguyễn Đăng Độ làm tôi nhớ đến lời của Quốc sư Trúc Lâm nói với vua Trần Thái Tông rằng: Nếu vua muốn thành Phật chỉ cần tâm hướng về Phật chứ không cần phải lên núi hay vào chùa để tìm, “Sơn bản vô Phật. Duy tồn hồ tâm” (Núi vốn không Phật. Chỉ ở trong tâm). Và sau tất cả, chính là đạo vô thường. Câu thơ cuối bài như mang đến cho chúng ta sự đốn ngộ.

Thơ luôn có cách riêng để nói lên những điều quan trọng, lớn lao. Bài thơ của Nguyễn Đăng Độ chính là bản hoà âm tuyệt vời của tôn giáo (cụ thể ở đây là Phật giáo) kết hợp với nghệ thuật ngôn từ để tôn vinh tư tưởng Phật giáo, ở đây chính là tình yêu thương con người, hướng đến tâm Phật.

Phải chăng, chính bởi bản hoà âm tuyệt vời mà bài thơ đã tạo nên ấy mà nhạc sĩ Cao Tâm đã nắm bắt, cảm nhận và phổ nhạc để âm nhạc tiếp tục chắp cánh cho thơ. Ca sĩ Trần Khánh Trâm đã thể hiện rất thành công ca khúc này. Đây là một sự kết hợp tài hoa của nhiều yếu tố thơ, nhạc và sự trình hiện. Thể thơ lục bát nguyên mẫu vốn rất khó phổ nhạc. Bởi người phổ dễ đi vào lối quen của âm điệu khi chạy theo cái khuôn 6 - 8. Điều lo sợ của mỗi nhạc sĩ chuyên nghiệp khi phổ nhạc cho thơ là phải chạy theo nhịp điệu thơ, thì ở trường hợp này, nỗi lo ấy đã bị xoá nhoà khi nhạc sĩ nâng hồn ca khúc lên mà vẫn giữ lại ý tứ sâu sắc của bài thơ. Sự quán tuyệt trong ý niệm chung về cõi Phật từ bi, buông bỏ sân hận, tị hiềm nhỏ nhặt để tìm thấy sự bình thản trong tâm hồn đã được ca khúc truyền tải trọn vẹn. Giọng hát của Trần Khánh Trâm đã chuyên chở được giai điệu và cái thần của ca khúc. Giọng hát dày, khi trầm du dương, lúc lắng sâu ngay cả khi lên nốt cao bằng sự xử lí dày dặn, đã làm cả khúc dễ đồng điệu với người nghe.

Trong tổng phổ chung, ca từ và giai điệu bài hát như mở ra một không gian mênh mông của trí tưởng. Nơi ấy thênh thang sắc cảnh mây trời. Con người chan hòa dưới vòng tay bao dung của Phật. Như được mẹ hiền chở che. Như được lượng thứ lầm lỗi, lọc gạn bao nhiễu phiền để lòng trở nên thanh tịnh. Lòng từ bi ấy như toả lan và cộng hưởng, để con người dang mở lòng mình hơn. Dưới Phật đài con chắp hai tay. Cầu cho nhân loại hết khổ đau. Dưới bóng Phật, tình thương, lòng trắc ẩn của con người như được khơi dậy. Giai điệu bài hát du dương, bắt nhịp nhẹ nhàng như người phật tử đã buông bỏ chấp niệm, thành tâm hướng Phật, sẵn sàng trải rộng lòng để chia sớt. Bởi vậy, khi nghe ca khúc này, ta như nghe tiếng kinh chiều giữa một cánh đồng cỏ xanh bạt ngàn, khẽ khàng như lời mẹ hiền từ bên con, những lời trí, lời thành gõ vào thành quách lòng mình để ta thức ngộ...

Một trong những điểm hay của ca khúc, là sự thành công của khâu hoà âm phối khí khi tác giả tinh tế đưa giai điệu thiền, và đặc biệt là tiếng tiêu vào với những đoạn giang tấu dìu dặt mênh mông. Nó tạo cảm giác của hoài cổ, vừa như là chất dẫn để người nghe bước vào không gian của trầm dịu, thành thản nhẹ nhõm.

Phần điệp khúc của ca khúc là những kính ngưỡng với Quán Thế Âm Bồ Tát. Người có lòng vô lượng từ bi, cứu khổ cứu nạn chúng sinh, đưa con người thoát ra những u minh kiếp người. Tẩy xoá những toan tính bẩn chật mà đối đãi chân thành, thiện tâm với nhau. Phần điệp khúc cũng là một nhắn gửi sâu sắc, để con người buông bỏ tham, sân, sắc, dục, giác ngộ từ tâm mà tích công đức, thoát tai ương.

Nghe bài hát, chúng ta như thấy mình được nhẹ lòng hơn, được vỗ về sau bao xô bồ mỏi mệt, được chậm lại để nhìn ngắm chính mình trong chiếc gương soi vô hình độ kiếp. Tiết tấu bài hát vừa phải, như cái cách khiêm cung, từ tốn cúi của người nơi cõi Phật. Soi vào bóng Phật, để mỗi người, mỗi phật tử thấy mình bé nhỏ, thấy mình nên tự có những điều chỉnh để nhẹ lòng hơn, để biết bao dung, thứ tha và yêu thương nhiều hơn.

Trong những ngày tháng 5 ý nghĩa này, được đọc bài thơ Lễ chùa Quan Âm của Nguyễn Đăng Độ, được nghe ca khúc phổ thơ từ bài thơ này tôi chợt yêu hơn đời sống này bởi ý nghĩ mình vừa được sống rất nhiều kiếp, có được rất nhiều trải nghiệm và bài học ý nghĩa. Thơ Nguyễn Đăng Độ sẽ đem đến cho mỗi bạn đọc ít nhiều sự giác ngộ bằng chính công đức vô lượng mà tác giả thể hiện qua thơ.
TS. Nguyễn Hải Phương
Theo Daibieunhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây