Nhạc sĩ Ngọc Châu lừng danh quãng những năm 1990, cùng với những tuyệt phẩm về mùa xuân, hầu như phủ sóng khắp nơi nơi. Giai điệu đẹp, lời ca mơ màng lắng đọng. Đến giờ và tôi tin là mãi sau này, mỗi khi Tết đến xuân về dứt khoát chúng ta sẽ nhớ đến và dứt khoát sẽ phải nghe Lời thì thầm mùa xuân, Chiều xuân….
Chúng ta sẽ luôn được gặp nhạc sĩ Ngọc Châu mỗi khi Xuân về
Tôi có quan hệ gì với Ngọc Châu? Thực ra, chúng tôi chỉ là lũ trẻ cùng lứa, từng ở khu văn công Mai Dịch thời những năm 197x - 198x. Châu ở bên khu ca múa nhạc. Tôi ở bên khu nhà hát chèo.
Thời đó, khu văn công vắng vẻ lắm. Giữa các khu nhà là bãi cỏ, là ao thả cá, thậm chí cả cánh đồng lúa bát ngát và những hàng phi lao. Trẻ con hầu hết là con em văn nghệ sĩ nên chơi với nhau, toàn những trò chơi xưa cũ như lội ao mò ốc, câu cá, xúc tôm… những trò mà ngày nay thậm chí về quê xa lắc cũng chẳng còn.
Trẻ con thời đó thường gọi nhau kèm tên bố mẹ, chẳng hạn tôi là Hùng “Thạnh” – Thạnh là tên bố tôi. Trần Lực là Lực “Bảng” – giáo sư Trần Bảng là bố Trần Lực... và Châu được gọi là Châu “Dậu” vì mẹ của Châu là nghệ sĩ ưu tú Vũ Dậu. Cô Vũ Dậu thời đó là ca sĩ lừng danh bởi giọng nữ trung ấm áp, với những ca khúc bất hủ như Lá đỏ.
Châu thuộc lứa đàn em nên chơi với ông em tôi, chứ tôi không để ý gì. Chỉ nhớ ấn tượng về Châu là giữa đám trẻ nghịch ngợm, Châu có vẻ hiền lành, chậm. Tầm tuổi 12, 13 gì đó Châu vào trường nhạc, còn ông em tôi thì vô trường múa. Thỉnh thoảng gặp Châu phóng xe đạp từ trong khu ca múa nhạc ra, tóc chải ngôi từ ngày đó, và đeo kính cận cũng từ ngày đó. Anh em chào nhau. Thời gian đó cũng ngắn ngủi vì gia đình cô Vũ Dậu chuyển về khu tập thể Thành Công, Giảng Võ. Sau này có thời gian cô Dậu mở tiệm vàng ngay ngã tư Giảng Võ - Láng Hạ….
Rồi tôi đi lính, lên biên giới, rồi lại đi Tây, nghiên cứu học hành… Quãng năm 1990 tôi về nước thì Châu cũng bắt đầu nổi tiếng. Nghe những bài hát Thì thầm mùa xuân, Chiều xuân… ông em tôi lại nhắc: Bài của Châu “Dậu” đấy, nhớ Châu “Dậu” không?” Năm 1998 tôi biên kịch bản Chuyện nhà Mộc, Trần Lực đạo diễn và làm hậu kỳ phim ở phòng kỹ thuật của Sở Văn hóa, ngay Bờ Hồ.
Có lần tôi lên chơi, Trần Lực bảo: "Thằng Châu nó làm bài hát phim, hay lắm, nghe nhé!”. Và lần đầu tôi nghe Cô Tấm ngày nay ở đó. Đúng là hay, từ giai điệu lời ca, rất hợp với không khí của phim. Về sau, bài hát Cô Tấm ngày nay thành bài hát nổi tiếng, độc lập, tách ra khỏi phim và có đời sống riêng. Nói về nhạc phim, không phải nhạc sĩ nào cũng làm được như vậy.
Lần khác rẽ qua Sở thì tình cờ gặp Châu đang hòa âm nhạc cho phim. Anh em chào nhau, rồi nhắc lại thời xa vắng ở khu văn công Mai Dịch, hồ hởi vui vẻ hẹn hò hôm nào anh em gặp nhau. Nhưng cái hôm nào chẳng xảy ra. Với tôi, Châu là gã đàn em, là bạn của em mình thôi. Ngoài ra, việc của Châu và việc của tôi cũng chẳng có gì chung nên tôi chẳng để ý…
Bỗng sáng nay nhận tin Châu đã từ giã trần gian sang cõi khác, tôi bỗng thấy bàng hoàng chống chếnh. Ký ức xưa dội về, hình ảnh thằng em với quả thủ cấp khá to, tóc chải lệch, kính cận hiền lành… mới ngày nào mà như mới hôm qua. Vậy mà giờ đây đã ra người thiên cổ!
Vẫn biết đời là vô thường, thế gian là cõi tạm, mọi thứ quanh ta tưởng như mãi mãi, bỗng chốc hóa hư vô nhưng tôi vẫn cứ bâng khuâng chống chếnh vẫn cứ bàng hoàng và tự hỏi: Sao lại thế được chứ, vậy là cậu ấy đã không còn nữa thật sao? Nhưng sự thật là như vậy! Cậu ấy từ giã thế gian nhưng cậu ấy đã để lại cho đời những ca khúc thuộc hàng bất hủ và đó là sự an ủi. Chúng ta sẽ luôn được gặp cậu ấy mỗi khi Xuân về…
Nhạc sĩ Ngọc Châu sinh ngày 16/9/1967. Anh mất lúc 7h20' ngày 17/03 tại Bệnh viện 108 (Hà Nội) do suy tim giai đoạn cuối.
Lễ viếng nhạc sĩ Ngọc Châu diễn ra lúc 12 - 13h ngày 19/03 (nhằm ngày 17/2 Âm lịch) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, sau đó đưa đi an táng tại quê nhà Ngọc Lâu, Phú Xuyên, Hà Nội.
Theo Vietnamnet.vn
Link gốc: https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/nhac/bien-kich-do-tri-hung-chia-se-ki-niem-ve-nhac-si-ngoc-chau-823479.html