Tham dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh và lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; tỉnh Hà Tĩnh cùng đông đảo con em Nghi Xuân đang sinh sống trên mọi miền Tổ quốc.
Nghi Xuân là một vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử, văn hóa vùng; là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh. Quá trình lịch sử, huyện Nghi Xuân có nhiều tên gọi và địa giới hành chính khác nhau. Năm Kỷ Sửu (1469) niên hiệu Quang Thuận thứ 10, vua Lê Thánh Tông định lại bản đồ cả nước, tên huyện Nghi Xuân cùng địa giới huyện được hoạch định từ đó.
Trải qua 550 năm hình thành và phát triển, địa danh Nghi Xuân trường tồn với những tên đất, tên người làm rạng rỡ non sông như Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân Văn hóa thế giới, Danh nhân Văn hoá Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, Thánh sư Địa lý Tả Ao, Giáo sư khảo cổ học Hà Văn Tấn, Nhà giáo nhân dân Lê Hải Châu, Nghệ sỹ nhân dân Đào Mộng Long... Ngày nay, những người con Nghi Xuân tiếp tục ghi danh tên tuổi là những nhà khoa học, chính khách, doanh nhân thành đạt; tiếp nối truyền thống của cha anh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghi Xuân vẫn đang từng ngày nỗ lực học tập và khát vọng vươn lên mạnh mẽ.
Những năm gần đây, Nghi Xuân thực sự vươn lên mạnh mẽ để trở thành một điểm sáng trong công cuộc xây dựng và phát triển, cụ thể: tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2012 - 2018 bình quân đạt 17,95%, riêng năm 2018 đạt 17,56%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Nông - lâm - thủy sản chiếm 18,7%; công nghiệp - xây dựng chiếm 45%; thương mại - dịch vụ chiếm 36,3%. Đến nay toàn huyện Nghi Xuân đã xây dựng được 705 mô hình phát triển kinh tế. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn (theo giá so sánh) tính đến thời điểm hiện tại đạt 5.785 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 40 triệu đồng, gấp 3,07 lần so với năm 2010, tăng 1,42 lần so với năm 2015. Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, khôi phục và phát huy. An sinh xã hội, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được chú trọng…
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Nghi Xuân đã huy động được trên 2.789 tỷ đồng, đến cuối năm 2018, Nghi Xuân là huyện đạt chuẩn đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh, trước 02 năm so với kế hoạch.
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, công tác xây dựng Đảng đạt được những kết quả nổi bật. Trong 02 năm 2017 - 2018, Đảng bộ huyện được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xếp loại “Trong sạch vững mạnh tiêu biểu” và “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Với những thành tích nổi bật trong xây dựng và phát triển quê hương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Nghi Xuân đã vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2008; Chính phủ tặng Cờ thi đua năm 2017; UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng nhiều Cờ thi đua, danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc và Bằng khen. Đặc biệt, huyện đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho những thành tích xuất sắc giai đoạn 2014 - 2018. Đây cũng là cơ sở để Nghi Xuân tiếp tục xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch và phát triển đô thị, phấn đấu trở thành đô thị Bắc Hà Tĩnh trong tương lai gần.
Tại lễ kỷ niệm, thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho nhân dân và cán bộ huyện Nghi Xuân.
Sau phần lễ, tiếp nối là chương trình nghệ thuật với màn sử thi đặc sắc “Nghi Xuân - từ di chỉ đến thăng hoa” thu hút sự quan tâm theo dõi của các đại biểu và hàng vạn người dân.