"Nguyễn Công Trứ với lịch sử, văn hóa Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX”

Chủ nhật - 25/11/2018 10:47
Trong chuỗi các hoạt động thiết thực và ý nghĩa để kỷ niệm 240 năm ngày sinh và 160 năm ngày mất Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858), ngày 24/11, tại TP. Hà Tĩnh, Trường đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Hội thảo khoa học “Nguyễn Công Trứ với lịch sử, văn hóa Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX”.

Chủ trì hội thảo có GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học đào tạo – Đại học Quốc gia Hà Nội; Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh.

Cùng tham dự có các giáo sư, tiến sỹ, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học và một số tỉnh thành, đại diện dòng họ Nguyễn Công ở Nghi Xuân – Hà Tĩnh.

 

Quang cảnh Hội thảo khoa học.  

 

Báo cáo đề dẫn hội thảo khẳng định, từ trước đến nay, cuộc đời tướng công Nguyễn Công Trứ luôn là đề tài lớn để các nhà khoa học, các nhà văn hoá tìm tòi, nghiên cứu. Hội thảo Nguyễn Công Trứ với lịch sử, văn hoá Việt Nam nửa đầu thứ kỷ XIX với những khám phá mới mẻ về cuộc đời, sự nghiệp của ông sẽ tô đậm thêm công lao và đóng góp của danh nhân đối với đất nước. Khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống văn hoá cách mạng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã nêu bật những công lao to lớn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ đối với quê hương, đất nước trên các phương diện xã hội, văn hóa, quân sự và kinh tế. Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức mong muốn với đóng góp trí tuệ của các chuyên gia, những nội dung chuyên môn của cuộc Hội thảo sẽ được tiếp cận, phân tích từ nhiều góc độ, lĩnh vực khác nhau trên quan điểm nghiên cứu chuyên ngành kết hợp với liên ngành.

Tại hội thảo, 52 tham luận của các đại biểu đã tập trung phân tích, làm sáng tỏ bối cảnh chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa của Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX để phác dựng rõ hơn hình ảnh và những đóng góp của Nguyễn Công Trứ với vương triều Nguyễn và thời đại; những mối liên hệ và tác động qua lại giữa chính trị với các nhân tố xã hội, kinh tế.

Nổi bật tại Hội thảo là một số tham luận: “Tư tưởng tự do mang tầm thời đại” của Tiến sỹ Đặng Duy Báu - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh. “Nguyễn Công Trứ với biển – Tư duy và hành động” của Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Văn Kim - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; “Trường hợp Nguyễn Công Trứ với lý luận đọc văn học” của Giáo sư Tiến sỹ Trần Nho Thìn - Khoa Văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Tiến sỹ Đặng Duy Báu - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho rằng tất cả cuộc đời của Nguyễn Công Trứ quy tụ ở triết lý tự do “quân tử bất khí” với sức sống ngang tàng, mãnh liệt và những khía cạnh phóng khoáng đa chiều. 

Sau phiên toàn thể, Hội thảo đã chia thành 2 Tiểu ban để thảo luận với 2 chủ đề: “Nguyễn Công Trứ với văn học, văn hóa, gia đình, quê hương và dòng tộc” và “Nguyễn Công Trứ với lịch sử, chính trị, tư tưởng và thời đại”. Cùng với các chủ đề khoa học, thông qua nội dung của cuộc Hội thảo, các nhà khoa học, quản lý đã cùng nhau bàn thảo về việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của quê hương Hà Tĩnh (mà rộng ra là không gian văn hóa Nghệ - Tĩnh).

 

Tham luận “Trường hợp Nguyễn Công Trứ với lý luận đọc văn học”của GS.TS Trần Nho Thìn - Khoa văn, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội lại đem đến những lý giải về con người văn chương của Nguyễn Công Trứ

 

 

 

Nguyễn Công Trứ tên tục là Củng, tự là Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu là Hy Văn, sinh ngày 1/11 năm Mậu Tuất (1778) người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Theo một số tài liệu, ông sinh ở Quỳnh Côi, Quỳnh Phụ, Thái Bình.

Sống trong cảnh nghèo khổ nhưng ngay từ bé, cậu bé Củng đã nuôi ý tưởng làm nên nghiệp lớn với tuyên bố: “Đã mang tiếng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông”.

Năm 1819, Nguyễn Công Trứ thi đậu Giải nguyên và được bổ đi làm quan, bấy giờ đã ngoài 30 tuổi. Ông là người văn võ song toàn, làm tới chức Uy Viễn Tướng công Binh bộ Thượng thư nhưng cũng nhiều lần bị giáng phạt, hạ tới ba bốn cấp.

Nguyễn Công Trứ là nhân vật kiệt xuất của lịch sử Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX. Tuy sinh ra tại Thái Bình nhưng năm 10 tuổi, Nguyễn Công Trứ theo gia đình về sống tại quê cha - Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Từ nhỏ, Nguyễn Công Trứ đã bẩm thụ linh khí của vùng đất “địa linh nhân kiệt”, sớm tỏ ra thông minh, dĩnh ngộ.

Trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XIX, khi nhà Nguyễn đang tích cực củng cố địa vị thống trị của mình, xã hội có vẻ ổn định, Nguyễn Công Trứ hăm hở dùi mài kinh sử để hiển đạt khoa danh. Mặc dù học giỏi, tài cao nhưng con đường khoa cử của ông rất lận đận, mãi đến năm 41 tuổi (1819), ông mới thi đậu Giải nguyên và được bổ đi làm quan vào năm Minh Mệnh thứ nhất (1820) với chức Hành tẩu ở Quốc sử quán và thăng đến chức cao nhất là Tham tán đại thần, Thượng thư Bộ Binh kiêm Tổng đốc Hải An. Sau nhiều lần thăng giáng, năm 1845, Nguyễn Công Trứ làm Chủ sự Bộ hình, năm sau làm quyền Án sát Quảng Ngãi, rồi đổi ra làm Phủ thừa phủ Thừa Thiên, đến năm 1847, thăng ông làm Phủ doãn phủ ấy. Cũng năm này, Nguyễn Công Trứ xin về hưu, nhưng Thiệu Trị không cho. Năm 1848, Tự Đức nguyên niên, ông mới được về hưu hẳn.

 

 

Tin, ảnh: Trần Phong

Nguồn tin: Công luận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây