Nghiêm túc mà nói: Lợn là loài động vật cực kỳ thông minh!

Thứ bảy - 09/02/2019 10:29
Theo các chuyên gia, nói “ngu như lợn” là rất oan cho chúng, bởi xét về mức độ phát triển não bộ thì lợn không phải là loài ngu nhất. Thậm chí có những chú lợn còn được huấn luyện để phát hiện ma túy.

Lợn phát hiện ma túy

 nghiem túc mà nói: lon la loài dọng vạt cục kỳ thong minh! hinh anh 1

Lợn không phải là loài ngu nhất. Biểu hiện dễ thấy mà ai cũng có thể nhìn ra là ngày xưa, lợn được nuôi thả rông và tự đi tìm kiếm thức ăn. Chúng sục sạo vào tất cả những đống rác để kiếm ăn. Trong rác đương nhiên có chất độc, nhưng tuyệt nhiên không thấy con nào bị ngộ độc. Ở Việt Nam, không có công trình khoa học nào thử nghiệm để kết luận vấn đề này, nhưng trên thế giới, nhiều đề tài nghiên cứu về trí thông minh của lợn đã chỉ ra những sai lầm phổ biến trong quan niệm của nhiều người về loài lợn.

Khi lợn được huấn luyện, chúng thể hiện sự xuất sắc không kém gì các con vật khác. Thậm chí, lợn được sử dụng để phát hiện ma túy, giống như đào tạo những chú chó nghiệp vụ thông minh, lợn cũng thể hiện sự nhanh nhạy không kém. Trung tá Nguyễn Trung Kiên, Phó Trưởng khoa Giám biệt nguồn hơi, Trường Trung cấp 24 Biên phòng cho biết, trong huấn luyện chó nghiệp vụ thì khả năng phát hiện mùi hơi của chúng khá xuất sắc do có khả năng ghi nhớ mùi rất lâu.

Đối với mùi hơi đặc trưng như ma túy, chất nổ, khi chó đã được huấn luyện thì không cần ngửi mùi hơi mẫu, chúng vẫn phát hiện ra được. Mùi hơi ấy dù có được giấu cùng với các chai nước hoa, mắm tôm, cá khô, nước mắm... chúng vẫn phát hiện ra. Ở một số nước họ cũng huấn luyện cả lợn để phát hiện mùi hơi vì khứu giác của lợn cũng khá phát triển.

TS Nguyễn Quế Côi, Viện Chăn nuôi cho biết, ở Mỹ, lợn được huấn luyện để phát hiện ma túy, vũ khí, dò mìn...  do có khứu giác rất phát triển. Hiện rất nhiều chú lợn được huấn luyện để tham gia vào các công việc này, với hiệu quả không khác gì loài chó. Việt Nam không dùng lợn để huấn luyện, dù có những giống lợn bản địa cực kỳ thông minh như lợn Ỉ.

 

 nghiem túc mà nói: lon la loài dọng vạt cục kỳ thong minh! hinh anh 2

Ở Mỹ, lợn được huấn luyện để phát hiện ma túy, vũ khí, dò mìn... do có khứu giác rất phát triển

“Người ta cứ nói ngu như lợn , ngu như bò, nhưng thực ra không phải thế. Bò cũng là con vật rất khôn, biết được các khẩu lệnh cũng như có thể đoán được thái độ của chủ nhân để ứng xử. Câu nói như vậy chỉ là câu cửa miệng, và trong đối sánh với con người thì đương nhiên chúng “ngu” hơn. Và đó là những vật nuôi khá thân thuộc, nên người ta đưa ra để ví von cho dễ hình dung. Thực tế nói như vậy là rất oan cho lợn hay bò”,  TS Nguyễn Quế Côi cho biết thêm.

Theo TS Nguyễn Quế Côi, dân gian nói “ngu như lợn” có thể xuất phát từ tập tính của chúng. Lợn khá hiền lành, dễ bảo, ăn nhiều, ngủ nhiều, nên có thể bị “vu” cho là “ngu”. Hay khi con người bắt lợn làm theo những khẩu lệnh như kéo nó đi, nó sẽ đứng lại. Quát nó lùi lại, nó sẽ không làm theo. Lợn có tập tính chỉ lao về phía trước chứ không đi lùi, dù phía trước chúng có thể là cạm bẫy. Muốn chúng đi lùi, phải chùm kín mắt. Cũng có thể vì thế mà chúng được gán cho suy nghĩ rằng kém thông minh.

Lợn Ỉ cứu chủ nhân thoát chết

Khả năng tập luyện là một chuyện, nhưng lợn có thông minh không?

TS Võ Văn Sự, Chi hội Động vật quý hiếm Việt Nam cho biết, giống như bất kỳ động vật, trong đó có con người, trí thông minh là một khái niệm tương đối. Theo các nghiên cứu thì lợn tương tự như chó, chúng có sức mạnh bản địa đặc biệt trong khứu giác và trí thông minh cảm xúc.

Đôi mắt của con lợn yếu hơn mắt của chó, khiến cho khứu giác trở nên nổi trội. Chúng rất giỏi trong việc thay đổi thế giới xung quanh bằng cái mõm của chúng. Lợn cũng như chó đều nhạy cảm với niềm vui, đau đớn và cả hai đều có lợi ích hữu hình về sức khỏe, hạnh phúc từ sự tương tác xã hội thường xuyên. Về phần riêng, lợn có thể được huấn luyện và thưởng thức tập thể dục hằng ngày cả khi bị buộc bằng xích.

TS Nguyễn Quế Côi cho hay, giống lợn Ỉ bản địa của Việt Nam là giống lợn khá thông minh, được dùng làm thú nuôi ở một số nước. Trước đây có câu chuyện chú lợn Ỉ LuLu đã cứu chủ nhân thoát chết khiến không ít người phải thay đổi suy nghĩ về loài này. Chuyện xảy ra vào năm 1998 ở Mỹ, khi chủ nhân của chú lợn lên cơn đau tim mà trong nhà không có một ai.

Thấy chủ nhân gặp nạn, chú chó Bear chạy vòng quanh và sủa những tiếng rất to. Còn chú lợn LuLu thì lao qua hàng rào rồi chạy ra đường lớn và...  nằm phịch ngay giữa đường. Một lái xe qua đó đã cảm thấy điều bất thường và theo chú lợn vào nhà, đưa chủ nhân của chú đến bệnh viện. Câu chuyện cứu người của chú heo Lulu nhanh chóng được lan truyền rộng rãi.

LuLu bỗng chốc trở thành một con vật nuôi nổi tiếng khắp cộng đồng địa phương, cả nước Mỹ và trên thế giới. Sau đó, chú lợn LuLu đã nhận được huân chương anh hùng của Hiệp hội Chống các hành vi bạo hành động vật (ASPCA).

 

 nghiem túc mà nói: lon la loài dọng vạt cục kỳ thong minh! hinh anh 3

Chú lợn LuLu đã cứu chủ nhân 

“Chú lợn tạo nên tiếng tăm lừng lấy ấy chính là giống lợn Ỉ của Việt Nam, khá thông minh, nhanh nhạy. Đáng tiếc là đến giờ, những giống lợn bản địa dần tuyệt chủng. Giống lợn lai tạp hiện nay dù cho năng suất cao nhưng chất lượng thịt thấp và không có được những đặc tính ưu việt của một số loài lợn bản địa”, TS Nguyễn Quế Côi cho biết.

Lợn làm xiếc

Người ta đã huấn luyện lợn để có thể đi bộ trên dây xích hay các trò mạo hiểm khác mà chỉ có khỉ hay chó mới thực hiện được. Trên sân khấu xiếc thế giới, lợn đã được đưa vào biểu diễn từ khá lâu. Tuy nhiên, trên sân khấu xiếc Việt Nam, “hậu duệ” của Trư Bát Giới mới chỉ được đưa vào biểu diễn từ tháng 12/2017. Người góp công đầu chính là nghệ sĩ xiếc Bùi Kim Cương (SN 1981, quê Hưng Yên). Và mới đây nhất, sau một năm được Liên đoàn Xiếc Việt Nam thuần dưỡng, năm chú lợn Móng Cái đã biểu diễn được những tiết mục như nhảy qua vòng lửa, cuốn thảm, đẩy bóng... được người xem đón nhận nhiệt liệt.

Theo nghệ sĩ xiếc Bùi Kim Cương thì giống lợn này đẹp và khá thông minh. Sau khoảng 1 năm luyện tập miệt mài, những chú lợn giờ đã trở thành những “nghệ sĩ xiếc” thực thụ. Quan trọng nhất là thời gian đầu, mất khoảng 3 tháng mình phải gần gũi, tắm, cho ăn... để nó đi theo chủ. Cái khó là các động tác lợn làm được rất nhanh nhưng lúc tập chúng hay quên động tác. Vì vậy, phải tập liên tục không ngừng nghỉ để chúng thuần thục các động tác biểu diễn.

Theo các chuyên gia, lợn có thể tham gia vào các hoạt động huấn luyện và dễ dàng đáp ứng các câu lệnh. Những giống lợn bản địa Việt Nam ngoài chất lượng thịt ngon thì chúng có nhiều ưu điểm mà giống khác không có. Tiếc là đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu về trí thông minh của loài lợn. 

 
Theo PV (Theo KHĐS)
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây