Đời nhiều nút thắt, ai sẽ tháo gỡ cho ta

Thứ ba - 15/11/2022 14:20
Chúng ta lớn lên với những câu truyện cổ tích, có hoàng tử xuất hiện giải cứu công chúa trong rừng sâu, hay bà tiên vẫy cây đũa phép khiến mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Bên trong thế giới thần tiên là một cuộc đời hạnh phúc, được sống với người mình yêu thương mà không phải trải qua sóng gió. Những hình mẫu lý tưởng khiến chúng ta cứ mãi đắm chìm trong giấc mơ hoàn mỹ về điều gì đó tương tự, cho dù thực tế lại hoàn toàn khác biệt.
Dao sắc không gọt được chuôi

Cuộc sống là chuỗi ngày dài nối tiếp của biến đổi. Không ai trong số chúng ta, kể cả những thiên tài với chỉ số IQ siêu đẳng hay kẻ tự nhận là nhà tiên tri thấy trước tương lai, có thể ngăn cản thời gian trôi đi trên hành trình vô hình mà bất tận của chính nó. Chúng ta đối diện với bất cứ gì trước mắt, tốt đẹp hay xấu xí, tình yêu hay nỗi đau, lành lặn hay tật bệnh. Thử nghĩ thời điểm chúng ta rơi vào bất lực, cảm giác con tim và khối óc tạm thời “đóng băng”, thì chúng ta liệu có mong chờ ai đó trong số đám đông ngoài kia sẽ đến và cứu rỗi lấy tấm thân này?
 
D20221112505 1
Con người tìm đến những người chữa bệnh vì hai lý do: bế tắc thể chất không thể giải thoát, hoặc kiếm tìm cây đũa thần khai sáng tâm trí mỏi mệt.
 
Trong “Ai sẽ đến bên đời tôi”, tác giả Marie Russell miêu tả thực tế phũ phàng rằng con người đã mất nhiều năm ngược đãi cơ thể, gây ra tình trạng thừa cân, đau lưng, mệt mỏi hay ít năng lượng, rồi tự an ủi sẽ có bác sĩ đến bên chữa lành bằng vài từ “ma thuật” cùng phương thuốc bí truyền. Suốt nhiều năm, chúng ta ghé thăm bệnh xá sặc mùi thuốc khử trùng, giải thích những căn bệnh và hy vọng một vài viên thuốc hoặc thứ lá cây rừng tự nhiên, thậm chí phẫu thuật đầy đáng sợ, sẽ giải quyết tất cả. Nếu bác sĩ nào kết luận mọi thứ thực chất là... tâm bệnh, với căn nguyên từ suy nghĩ tiêu cực, hẳn sẽ có người không kìm được tức giận mà hét lên “thứ lang băm bất tài”...

Trong xã hội hiện đại, thế giới chứng kiến sự xuất hiện của Healer - người chữa lành, hiểu nôm na là những cá nhân giúp chúng ta thay đổi theo chiều hướng từ tiêu cực sang tích cực. Thường họ ở vị trí như bác sĩ, nhà trị liệu tâm lý, thậm chí ngay cả giới nghệ sĩ đem tới cho chúng ta những giây phút thư thái tâm hồn. Chẳng tồn tại sự phân biệt cấp bậc, hình hài hay vai trò, điều quan trọng ở chỗ giá trị họ mang lại về mặt tinh thần hoặc thể chất. Ngồi trước Marie Russell, Steve Buissinne nhận ra “điều gì đó bất thường” trong cuộc sống, những thứ cũ kĩ cứ bủa vây lấy anh để ngăn cản một cánh cửa mới mở ra. 

Dường như con người đổ xô đến những người chữa bệnh vì hai lý do: bế tắc thể chất không thể giải thoát, hoặc kiếm tìm cây đũa thần khai sáng tâm trí mỏi mệt. Kiểu như trong truyện cổ tích, chỉ cần thả lỏng mình trên chiếc giường nệm trắng, phó mặc số phận cho thần y bên cạnh để được chữa lành hoàn toàn. Chúng ta nhìn cơ thể và bản thân giống cách kiểm tra ôtô. Chúng ta mang xe đến thợ cơ khí và mong đợi bàn tay lành nghề nào đó sửa mọi hư hỏng. Một khi anh thợ đã thay thế các bộ phận bị hỏng hoặc bảo trì xong xuôi, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Vấn đề nằm ở chỗ, nếu chúng ta tiếp tục điều khiển chiếc xe không đúng cách, không biết cách giữ gìn thì sớm hay muộn vấn đề hư hỏng ngày xưa sẽ quay trở lại.
 
D20221112505 2
Thời điểm chúng ta rơi vào bất lực, liệu có ai đó trong số đám đông ngoài kia sẽ đến và cứu rỗi lấy tấm thân này?.
 
Lối so sánh của Marie Russell khiến chàng thanh niên 20 tuổi Steve Buissinne hiểu rằng con người là một cỗ máy thống nhất hoạt động từ bộ phận nhỏ nhất. Mọi bệnh tật không thực sự là biểu hiện về thể chất. Mấu chốt quyết định sự thay đổi, hy vọng hoặc tuyệt vọng, nằm ở cách chúng ta suy nghĩ ban đầu, và chỉ có chúng ta, chứ không phải người nào khác bên ngoài cuộc đời, mới tìm thấy lối thoát. Thế nhưng, điều này không hề dễ dàng bởi sự tồn tại của Nghịch lý Solomon - thấu đáo chuyện của người khác nhưng lại chật vật trong vấn đề của chính mình.

Thực tế, nhiều lời khuyên từng “giải vây” cho người ngoài lại không cứu giúp được bản thân. Chúng ta mắc kẹt và lún sâu hơn vào vấn đề cá nhân một phần là do nhu cầu bảo vệ cái tôi. Để giữ hình tượng hoàn hảo, con người hình thành Thiên kiến tự củng cố, thường đề cao năng lực của mình thay vì nhìn nhận nó một cách khách quan. Chưa hết, chúng ta coi việc giúp người là cơ chế né tránh vấn đề của bản thân. Theo Marie Russell, lời khuyên chúng ta dành cho người khác thực chất hướng đến chính mình. Nhưng vì nỗi sợ đối diện và khắc phục hậu quả, chúng ta e ngại không dám thực hiện những giải pháp đó.

Dám đối diện sự thật

Để sống một đời nhàn nhã, sẽ thật tuyệt vời nếu có thể chuyển giao trách nhiệm về cuộc sống, đính kèm nỗi đau, bất hạnh và rủi ro, cho người khác. Tất nhiên, đây chỉ là điều viển vông, khi mà Chúa tạo ra con người, thì cũng biết cách để thứ sinh vật ấy nếm trải đủ mùi vị đắng cay ngọt ngào trong hành trình tìm kiếm bản ngã. Cuộc sống, suy cho cùng, chẳng thể nào là sự trao đổi qua lại, đùn đẩy trách nhiệm, giữ lại điều tốt đẹp cho riêng mình. Khi Marie Russell làm công việc tư vấn, cô có thể cung cấp tri thức và công cụ, nhưng nhiệm vụ “tối cao” cuối cùng thuộc về khách hàng: biến lý thuyết thành hành động thực tiễn. 

Chỉ có chúng ta mới hiểu bản thân muốn gì và điều gì là tốt cho mình. Chúng ta có trách nhiệm tạo ra những thay đổi trong cuộc sống cá nhân. Việc mong ai đó “sửa chữa” chúng ta thực chất là hy vọng họ sống hết mình, luôn ở bên động viên và hỗ trợ kịp thời, chứ không phải bắt họ nhận lấy gánh nặng của chúng ta để cảm thấy nhẹ nhõm. Trong quá khứ, ai cũng đã từng vài lần như thế, phó mặc quyết định cho bố mẹ, bạn đời, thậm chí con cái để mình bay nhảy, tự do, sống một đời vô tư lự. Rốt cuộc, việc để người khác mạo hiểm đưa ra quyết định sẽ dễ dàng hơn, và nếu nó không thành công, thì đó không phải là lỗi của chúng ta.

Có câu ngạn ngữ  đại ý nếu ta không biết mình đang đi đâu, mọi con đường đều như nhau và ta sẽ không bao giờ đến đích. Khi chưa xác định được phương hướng, cả đời chúng ta chỉ có thể gói gọn trong bốn chữ “loanh qua loanh quanh”. Steve Buissinne bước vào năm thứ hai đại học và đang trải qua những ngày tháng khủng hoảng tinh thần. Bởi cậu chẳng tìm thấy niềm vui, sự hào hứng với ngành đã chọn, thay vào đó là cảm giác tra tấn tinh thần khi đối diện với những số liệu. Thay vì bảo vệ quan điểm, Steve Buissinne thuận theo gia đình, để rồi rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Bắt đầu quay lại điểm xuất phát để theo đuổi đam mê, hay cố gắng bước tiếp, là quyết định không hề dễ dàng.
 
D20221112505 3
Thứ thần dược tháo gỡ nút thắt cuộc sống của chúng ta chính là trách nhiệm, hành động và niềm tin.
 
Nhà tâm lý học người Mỹ William James từng đề cập tới phong trào Tư tưởng mới, tin rằng trạng thái tinh thần của chúng ta được chuyển sang biểu hiện và trở thành kinh nghiệm. Theo đó, bất cứ điều gì đang diễn ra ở thực tế đều do chúng ta tạo ra, thay đổi, cho phép nó tồn tại. Ngay cả lời răn dạy “mọi thứ là tấm gương phản chiếu mỗi cá nhân” cũng hướng đến quan niệm mỗi người phải chịu trách nhiệm về những gì họ thấy và trải nghiệm. Tư tưởng mới coi lỗi là trách nhiệm đối với sai lầm, hướng đến chữa lành bằng tâm trí. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta không cần phải đợi người khác “sửa chữa” mình, chẳng phải mơ mộng hoàng tử, bà tiên hay thần y. Thứ thần dược chúng ta tìm kiếm bấy lâu thực chất ở rất gần - trách nhiệm, hành động và niềm tin.

Có câu chuyện kỳ lạ thế này: một người đàn ông bị mắc kẹt trong một trận lũ. Những người hàng xóm mời anh ta lên thuyền, nhưng anh từ chối vì... đang chờ Chúa đến giải cứu. Khi nước tiếp tục dâng cao, anh ta kiên định không nhảy lên chiếc bè đang trôi qua. Chỉ còn đơn độc trên nóc nhà, anh vẫn nhất quyết đợi Chúa bất chấp việc trực thăng thả thang dây xuống cứu trợ. Lên tới thiên đường, người đàn ông đối diện Chúa với tâm trạng khó chịu, trách móc nhưng chỉ nhận lại câu trả lời không thể bàn cãi: “Anh đã nhận một chiếc thuyền, một chiếc bè và một chiếc trực thăng, tại sao anh lại từ bỏ tất cả?”. William James kết luận sự giúp đỡ sẽ đến, nhưng hành động giải cứu cuối cùng phải xuất phát từ chúng ta.

Sau những buổi tư vấn tâm lý, Steve Buissinne hiểu rằng câu hỏi “Liệu cách này có hiệu quả không?” là cách gán trách nhiệm cho người khác. Không hài lòng trong việc học hiện tại thúc đẩy bản thân anh thay đổi, từ thái độ, hành vi cho đến kỳ vọng. Rõ ràng, cảm giác tiến thoái lưỡng nan buộc Steve Buissinne phải nhìn vào bên trong và tìm ra nguồn gốc của những cảm xúc trước khi bước ra ngoài tìm hướng giải quyết. Anh có thể nhờ cậy thầy cô, bạn bè, cùng những người ủng hộ trong gia đình, nhưng nút thắt của “mớ hỗn độn” cuộc sống chỉ được tháo gỡ khi Steve Buissinne dám đối diện sự thật, và lên tiếng. Vì đó là cuộc sống của Steve Buissinne, sự an toàn và niềm hạnh phúc của chính anh... 
 
Theo Việt Dũng Cand.com.vn


Link gốc: Đời nhiều nút thắt, ai sẽ tháo gỡ cho ta - Báo An ninh thế giới cuối tháng (cand.com.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây