"Đại thi hào Nguyễn Du" - hướng đi mới cho phim tài liệu nghệ thuật

Thứ bảy - 24/07/2021 08:01
Phim tài liệu “Đại thi hào Nguyễn Du” do Công ty cổ phần Không gian văn hóa Việt Media sản xuất, vừa được Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp phép phát hành. Bộ phim được người dân quê hương dòng họ Nguyễn Tiên Điền (Hà Tĩnh) đón nhận với cảm xúc đặc biệt.
 
2021072404
Một cảnh trong phim.

Kết nối những người tâm huyết

Bộ phim “Đại thi hào Nguyễn Du” là cơ duyên tâm linh của Tiến sĩ Phạm Xuân Mừng với vai trò là nhà sản xuất, bắt đầu từ gợi ý của anh Hồ Bách Khoa - Trưởng ban Quản lý di tích Đại thi hào Nguyễn Du.

Sau 3 năm (từ 2018 đến tháng 5-2021) nỗ lực thực hiện, vượt qua rất nhiều khó khăn từ kinh phí, nội dung, kịch bản, sáng tạo thể loại, xây dựng bối cảnh, thiết kế phục trang, tuyển chọn diễn viên... trong bối cảnh dịch Covid-19, bộ phim đã hoàn thành. Phim tài liệu màu, thời lượng 180 phút, gồm 3 phần: "Gia thế và tuổi thơ" (thời điểm Nguyễn Du từ năm 6 tuổi, trở về quê cha ở Tiên Điền), "Phong trần và thanh cao" (thời gian Nguyễn Du trưởng thành và ra làm quan, sáng tác), "Nghiệp văn và quan trường" (giá trị của “Truyện Kiều” và di sản Nguyễn Du để lại).

Là giảng viên ngoại ngữ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, “ngoại đạo” với "nghệ thuật thứ 7" nhưng với tình yêu Nguyễn Du và “Truyện Kiều”, Tiến sĩ Phạm Xuân Mừng - người con quê hương Hà Tĩnh đã nối kết, “liên tài” những người tâm huyết để có một ê kíp sáng tạo. Tham gia bộ phim là những người có chuyên môn sâu về văn học, lịch sử, điện ảnh, gồm Trần Đình Tuấn, Nguyễn Văn Đức, Lương Xuân Trường, Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Thanh Bình, Hoàng Phan Quý, Nguyễn Hoàng Long (quay phim); Vương Trọng, Hoàng Khôi (cố vấn)... Theo Tiến sĩ Phạm Xuân Mừng, kinh phí sản xuất bộ phim khoảng 15 tỷ đồng theo phương châm xã hội hóa. Bối cảnh chính được thực hiện ở Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Thái Bình, Huế...

Nỗ lực sáng tạo

Cả ê kíp đã tham khảo nhiều bộ phim trước đó về Nguyễn Du và “Truyện Kiều”. Sau khi xem xong mỗi bộ phim, ê kíp đưa ra nhận xét và quan trọng nhất là nỗ lực tìm hướng đi mới. Đạo diễn Nguyễn Văn Đức có ý tưởng thực hiện theo thể loại phim tài liệu truyện (phim tài liệu có cốt truyện, có diễn viên, diễn xuất như phim truyện) mà anh đã được học và trải nghiệm ở Trường Đại học Điện ảnh Quốc gia Nga (VGIK). Hình thức làm phim này không xa lạ trên thế giới nhưng lại khá mới mẻ ở Việt Nam. Về nguyên tắc, phim tài liệu phải đảm bảo tính khách quan, trung thực. Một mặt, phim tuân thủ theo thể loại tài liệu quen thuộc là có lời bình, phỏng vấn, hình ảnh minh họa... Mặt khác, phim sáng tạo ngay trên nền cốt sự thật, có cốt truyện, nhân vật... với mục đích tạo nên hiệu quả thẩm mỹ, sức hấp dẫn, chạm đến trái tim người xem.

Thông qua những lát cắt lịch sử qua các triều đại Lê - Trịnh, Tây Sơn và thời kỳ đầu nhà Nguyễn, phim tài liệu “Đại thi hào Nguyễn Du” đã tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Du từ lúc sinh ra ở phường Bích Câu (Thăng Long) năm 1765 cho tới khi ra làm quan tới chức Tham tri Bộ Lễ thời Gia Long rồi mất tại Huế năm 1820. Trong quá trình thực hiện, đoàn làm phim đã bám sát tư liệu từ gia phả dòng họ Nguyễn Tiên Điền, niên biểu cuộc đời Nguyễn Du. Kịch bản phim xây dựng 2 hệ thống nhân vật gắn với cuộc đời của Nguyễn Du. Tuyến thứ nhất là những người trong đời thực có quan hệ trực tiếp với Nguyễn Du như ông nội Nguyễn Quỳnh; ông bà ngoại; cha Nguyễn Nghiễm; mẹ Trần Thị Tần; các anh trai Nguyễn Khản, Nguyễn Nễ; vợ và anh vợ của Nguyễn Du... Tuyến nhân vật này thể hiện góc nhìn về những tác động quan trọng của hoàn cảnh lịch sử tới cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Đại thi hào Nguyễn Du. Tuyến nhân vật thứ hai là những nhận vật trong “Truyện Kiều”.

“Đại thi hào Nguyễn Du” là phim tài liệu kỹ thuật số, chất lượng hình ảnh tốt, được thể hiện công phu từ ý tưởng, kịch bản, đạo diễn, quay phim đến xây dựng bối cảnh, dàn dựng mới lạ, tỉ mỉ, chân thực... Sau khi được cấp phép, phim “Đại thi hào Nguyễn Du” dự kiến ra rạp trong tháng 7 này, công chiếu tại một số trường đại học ở Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Huế... (nếu đại dịch Covid-19 được kiểm soát). Tiến sĩ Phạm Xuân Mừng chia sẻ: Với tinh thần cầu thị, chúng tôi sẽ lắng nghe, đón nhận mọi ý kiến đóng góp để bộ phim được hoàn thiện hơn. Xác định bộ phim như một kênh tư liệu, chúng tôi muốn giúp học sinh, sinh viên, công chúng trong và ngoài nước hiểu thêm về tài năng sáng tạo ngôn từ của Nguyễn Du qua “Truyện Kiều” viết bằng chữ Nôm, đưa “Truyện Kiều” đến gần hơn với quảng đại quần chúng nhân dân bằng ngôn từ thuần Việt trong sáng, dễ hiểu. Chúng tôi mong muốn bộ phim có mặt tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII để góp phần lan tỏa văn hóa Việt, tôn vinh di sản văn hóa Nguyễn Du và “Truyện Kiều”.
Theo hanoimoi.com.vn

Link gốc: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giai-tri/1006552/dai-thi-hao-nguyen-du---huong-di-moi-cho-phim-tai-lieu-nghe-thuat

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây