Thị Nở của phim Làng Vũ Đại ngày ấy đã trở thành nhân vật bất hủ trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.
NS Đức Lưu - người thổi hồn cho nhân vật ấy được đạo diễn Phạm Văn Khoa "chấm" vào vai diễn Thị Nở với một niềm tin sâu sắc. NS Đức Lưu đã hoàn thành vai diễn xuất sắc, thậm chí đẩy nhân vật Thị Nở lên hàng kinh điển của điện ảnh nước nhà.
Vai diễn quá thành công khiến NS Đức Lưu đôi khi cũng gặp phiền toái, nhất là tên cúng cơm cha sinh mẹ đẻ đã bị thay bằng 'Thị Nở' mỗi lần bà đi chợ.
Lệ Hằng rất ít xuất hiện trên truyền hình sau vai diễn đình đám Hoài "Thát-chơ" trong phim Xin hãy tin em. Sở hữu vẻ ngoài xinh đẹp cùng tài năng diễn xuất thiên bẩm, khán giả mong muốn ở Lệ Hằng nhiều hơn thế nữa. Song, chị không vượt qua được cái bóng quá lớn của vai diễn.
Ghi dấu ấn đậm nét và gần như mặc định phong cách diễn với vai “Trà cave” trong “Phía trước là bầu trời” của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, kể từ đó Kiều Thanh luôn được các đạo diễn ưu ái mời thể hiện những vai như gái làng chơi, dân giang hồ, buôn ma túy.
Ngày ấy, bản lĩnh nghề nghiệp còn non nên khi đi ra đường, những người lạ chẳng biết tên thật của chị, chỉ trỏ: “Trà “cave” đấy!” – khiến Kiều Thanh xấu hổ kinh khủng.
Đến nỗi, thời gian sau đó, sợ cái tên Kiều Thanh sẽ “chết” với những kiểu vai đó, và một phần vì đã cảm thấy nhàm chán với chính mình, chị bắt đầu đổi mới mình bằng những vai diễn chững chạc, đằm thắm, hiền hậu và… đàn bà hơn như trong “Dòng sông phẳng lặng”, “Khi đàn chim trở về”, “Những giấc mơ dài”, “Tìm lại chính mình”… Tuy nhiên, những vai diễn này không khỏi làm khán giả quên "Trà cave".
Với Hùng Thuận - vai An trong Đất phương Nam là cuộc dạo chơi đầu tiên của anh với điện ảnh nhưng không ngờ nó lại là cơ duyên dù đã trưởng thành nhưng đi đâu người hâm mộ cũng gọi là bé An.
Vai bé An do Hùng Thuận đảm nhiệm chính là linh hồn của bộ phim. Với lối diễn xuất tự nhiên, đôi mắt biết nói cùng gương mặt ngây thơ, Hùng Thuận đã cuốn bao thế hệ khán giả vào hành trình đi tìm cha đầy cảm động của cậu bé An. Vai diễn để đời này đã mang về cho Hùng Thuận giải Mai Vàng dành cho diễn viên được yêu thích nhất cùng với nhiều giải thưởng khác.
Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, Hùng Thuận chuyển hướng sang làm ca sĩ. Anh là thành viên của nhóm nhạc MBK với 2 thành viên khác. Sau một thời gian hoạt động không mấy thành công, nhóm MBK tan rã, còn Hùng Thuận bước vào sự nghiệp solo của mình. Tuy nhiên, nghiệp cầm ca của anh chàng cũng không mấy khởi sắc.
Thời gian gần đây, Hùng Thuận trở lại với nghệ thuật thứ 7 qua một số bộ phim truyền hình như: “Hoa ngũ sắc”, “Nàng dâu bất đắc dĩ”, “Dòng đời”, “Cổng mặt trời”… Tuy nhiên, cái bóng của “bé An” quá lớn khiến cơ hội tỏa sáng lần nữa trên màn ảnh của anh trở nên khó khăn.
Từ Trương Tuần trong "Người thổi tù và hàng tổng" đến Chu Văn Quềnh của 24 tập phim "Đất và Người", khán giả luôn ấn tượng với chàng trai râu rậm, trán cao lúc nào cũng có vẻ bặm trợn. Từ ngoài chợ, quán nước, ở sân vận động... mọi người đều trìu mến gọi anh với cái tên "bác Quềnh".
NSƯT Hán Văn Tình kể rằng, đã 10 năm rồi kể từ ngày ‘Đất và người’ phát sóng trên truyền hình nhưng bây giờ, ra đường, nhiều người vẫn gọi tên anh là Quềnh và nháy mắt chào: “Không thể hoãn cái sự sung sướng ấy lại!”
Cho đến bây giờ chưa có vai diễn nào để lại ấn tượng nhiều như Quềnh trong Đất và người nhưng Hán Văn Tình tâm sự: “Thời gian tới, nếu có những vai diễn phù hợp (phù hợp cả về nội dung, tính cách, thời gian…), tôi sẽ tham gia. Tôi không sợ cái bóng của chính mình và cũng sẽ không ngại nếu có ai đó nói rằng, Hán Văn Tình thụt lùi so với chính mình. Tôi muốn và luôn cố gắng để tự làm mới mình”.
Không chỉ riêng bộ phim Bỗng dưng muốn khóc gây sốt cho giới trẻ Việt Nam thời điểm nó ra đời (2008) mà những diễn viên như Lương Mạnh Hải, Tăng Thanh Hà, Hiếu Hiền... cũng trở thành thần tượng trong mắt nhiều người sau bộ phim này. Đặc biệt, sau phim này, Hà Tăng thường được gọi là 'cô Trúc'.
Theo VNN
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn