Ngay từ sáng sớm, hàng ngàn người dân phường Trung Lương và các vùng phụ cận đã tập trung đông đúc dọc hai bên bờ sông Minh (kênh nhà Lê cũ) để đón xem và cổ vũ cho các đội đua tham gia lễ hội. Thông thường mỗi ngày có từ 3 đến 4 lượt đua, mỗi lượt đua có từ 4 đến 5 đội tham gia, mỗi thuyền đua có 15 vận động viên (bao gồm: trai, lái, mõ). Sau 2 đến 3 lượt thi đấu vòng loại, 5 đội xuất sắc nhất sẽ được quyền tham gia giải đấu chung kết vào cuối ngày để tìm ra đội vô địch của mỗi năm.
Tuy nhiên, điều đặc biệt ở chỗ không giống như hầu hết các lễ hội đua thuyền truyền thống ở các địa phương khác, lễ hội đua thuyền truyền thống phường Trung Lương có những nét đặc sắc rất riêng. Theo đó, các thuyền đua xuất phát ở các vị trí khác nhau và cách đều nhau (còn gọi là cọc tiêu), ở mỗi cọc tiêu các đội phải buộc cờ tiêu vào và khi về đích lại phải giật được cờ tiêu ra mới được xem là hợp lệ.
Hiệu lệnh xuất phát được báo hiệu bởi 3 hồi trống dài, sau lượt gõ tang và tiếng trống tùng...tùng...tùng,… các đội đua thi nhau vươn dầm cuốc nước hướng về phía trước. Cự li thi đấu của lễ hội đua thuyền truyền thống Trung Lương cũng rất dài (khoảng 3,5km) với 4 vòng cua hết sức hấp dẫn và kịch tính đến tận phút chót.
Theo thông lệ, lễ hội đua thuyền được diễn ra trong vòng 2 ngày, ngày đầu dành cho tầng lớp thanh niên trai tráng và ngày thứ 2 dành cho tầng lớp trung niên. Về sau, ban tổ chức còn mở rộng thêm những giải đấu dành cho các chị em phụ nữ khiến cho bầu không khí lễ hội càng thêm phần hứng khởi và hấp dẫn người xem.
Theo các cụ cao niên trong phường thì lễ hội đua thuyền truyền thống mừng năm mới của người dân Trung Lương là phong tục đã có từ hàng trăm năm nay và ăn sâu vào tiềm thức, tâm tư tình cảm của mỗi người dân sinh ra, lớn lên trên mảnh đất núi Hồng, sông La. Nó thể hiện mong ước và khát vọng về một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, làm ăn gặp nhiều may mắn.
Lễ hội cũng là dịp để thanh niên, trai tráng thể hiện khí lực và sự dẻo dai của bản thân, là nơi tề tựu, gặp gỡ đầu xuân năm mới của mọi người, đặc biệt là những người con xa quê tìm về với cội nguồn, hồn quê xứ sở. Chính vì thế việc đi xem và cổ vũ cho lễ hội đua thuyền đã trở thành một thói quen, một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng không lẫn vào đâu được của mỗi người dân nơi đây mỗi dịp Tết đến xuân về.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn